Trợ giúp pháp lý giúp người chưa thành niên phạm tội làm lại cuộc đời

Độ tuổi thành niên là độ tuổi đang được giáo dục cơ bản về nhận thức, ý thức, đạo đức, trong đó có ý thức chấp hành pháp luật. Ở độ tuổi này, thanh thiếu niên phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm, sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện những hành vi có tính chất bộc phát, thiếu sự điều khiển của lý trí, có thể dẫn đến hành vi phạm tội.


Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định một trong số những đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí gồm: (i) Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. (ii) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có khó khăn về tài chính là bị hại trong vụ án hình sự.
Trong những năm qua, việc tham gia của Trợ giúp viên pháp lý trong quá trình tố tụng đã góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của những vụ án có người chưa thành niên phạm tội, giúp cho hội đồng xét xử đưa ra được những bản án công bằng, dân chủ và đúng pháp luật, bảo vệ tốt được quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng này.
Điển hình như một số vụ việc sau đây, Trợ giúp viên pháp lý đã tích cực tham gia bào chữa cho người chưa thành niên phạm tội ở ngay giai đoạn đầu của vụ án, có những vụ, Trợ giúp viên pháp lý tham gia tranh tụng ở cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, giúp bị cáo là người chưa thành niên phạm tội chuyển từ hình phạt tù giam sang án treo, góp phần mang lại những bản án công tâm, có tình, có lý cho các em thanh thiếu niên phạm tội có cơ hội sửa sai, làm lại cuộc đời.
Như vụ án của hai em Chu Văn T. và  Nguyễn Tiến T. đã được Trợ giúp viên pháp lý Bùi Thị Hải Lưu của Trung tâm TGPL nhà nước TP Hà Nội bào chữa thành công qua hai phiên xét xử. Cụ thể: ngày 02/01/2021, tại làng Chũ, thị trấn Chũ, Lục Ngạn, Bắc Giang, Nguyễn Xuân Phú đã thỏa thuận bán cho Chu Văn T. 10 hộp pháo nổ với giá 8 triệu đồng. Phú giao trước cho Chu Văn T. 01 hộp và Chu Văn T. đã bán cho một người không quen biết với giá 1.100.000 đồng, hưởng lợi bất chính 300.000 đồng. Ngày 03/01/2021, Nguyễn Xuân Phú gửi 09 hộp còn lại có khối lượng 12,78 kg theo xe khách về bến xe Gia Lâm, Chu Văn T. chở Nguyễn Tiến T. đến bến xe Gia Lâm lấy số pháo trên rồi cùng mang đi tiêu thụ thì bị bắt quả tang. Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm đã xét xử Chu Văn T. và Nguyễn Tiến T. về tội Buôn bán hàng cấm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 190 BLHS, xử phạt bị cáo Chu Văn T. 14 tháng tù giam và bị cáo Nguyễn Tiến T. 12 tháng tù giam. Bị cáo và đại diện hợp pháp của các bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm. Tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, Nguyễn Tiến T. mới 16 tuổi 10 tháng 28 ngày, Chu Văn T. còn nhỏ tuổi hơn, mới qua tuổi 16 được 24 ngày. Ở tuổi này, khả năng nhận thức về pháp luật của các em còn nhiều hạn chế. Tại phiên tòa phúc thẩm, Trợ giúp viên pháp lý bằng chuyên môn nghiêp vụ vững vàng, sự nỗ lực hết mình vì người được trợ giúp pháp lý, đã đưa ra được những lập luận thuyết phục như: các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải (điểm s k1 Đ51 BLHS); bị cáo Chu Văn T. hưởng lợi 300.000đ đã chủ động nộp lại Chi cục thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm (khoản 2 Điều 51); về tính chất, mức độ của hành vi vi phạm của các bị cáo Chu Văn T. và Nguyễn Tiến T. trong vụ án: bị cáo Nguyễn Tiến T. giữ vai trò thứ yếu, tuy là đồng phạm nhưng đồng phạm giản đơn. Nguyễn Tiến T. không có đóng góp tiền bạc vật chất gì, không hưởng lợi gì từ việc mua bán pháo, bị cáo Chu Văn T. hưởng lợi số tiền chỉ có 300.000 đồng từ việc mua bán pháo (số tiền nhỏ); số pháo nổ mà các bị cáo mua bán có khối lượng không quá lớn, chỉ có 12,78kg trong định mức từ 6kg đến dưới 40 kg như điều luật quy định; cả hai bị cáo Chu Văn T., Nguyễn Tiến T. đang là học sinh của trường THPT: Chu Văn T. học lớp 10, Nguyễn Tiến T. học lớp 11. Đây là những năm học cuối cùng để kết thúc 12 năm đèn sách. Cuối cùng, Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm đã chấp nhận một phần kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo Nguyễn Tiến  T. 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, bị cáo Chu Văn T. 14 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Một vụ việc khác xảy ra tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh: vào khoảng 22 giờ 40 phút ngày 04/07/2021, tại nhà của Phạm Văn Nghĩa ở thôn Đậu Giang, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, do bức xúc trong việc không được Phạm Văn Nghĩa rủ đi chơi cùng nên Nguyễn Văn Tình đã đến nhà của Nghĩa để gây sự và dùng gậy ba tong bằng kim loại đánh vào thái dương bên trái của Phạm Văn Nghĩa làm cho Nghĩa bị chảy máu, choáng váng rồi tiếp tục dùng gậy đuổi đánh Nguyễn Văn Tự. Nguyễn Văn Tự nhặt được 01 cây gậy gỗ đánh mạnh vào tay Tình làm rơi gậy kim loại và dùng tay đấm vào mặt Tình, dùng đầu gối đánh vào ngực Tình. Còn Phạm Văn Đ. đứng bên sân nhà nhặt đá ném vào lưng Tình rổi chạy đến cùng Phạm Văn Nghĩa, Nguyễn Văn Tự lao vào dùng tay, chân đám đá về phía Tình. Một lúc sau, Phạm Văn Nghĩa chạy vào bể nước lấy con dao tày đưa cho Nguyễn Duy Khánh đứng cạnh, Khánh đưa con dao cho Đ., Tình bỏ chạy, Đ. đuổi theo ném con dao vào người Tình nhưng không trúng. Đức và Nghĩa tiếp tục chạy về nhà lấy mỗi người một con dao tày khác chạy đuổi đánh Tình. Khi đến ngã ba giao nhau giữa đường liên thôn Đậu Giang với lối đi vào khu nhà của Nghĩa thì Tình bất ngờ quay lại. Nghĩa, Tự, Đ. dùng tay, chân đấm đá Tình. Tình bị đánh trọng thương ở vùng lưng và vùng đầu ngã sấp xuống đường thì cả ba dừng lại không đánh nữa. Lúc này một số người ở xung quanh hô hoán nên Đức, Tự và Nghĩa bỏ về nhà. Khi về đến nhà Đ. thấy xe máy của Tình còn dựng ở sân, Đức đã dùng dao chém ở phần yên xe, Nghĩa dùng đá đập vỡ yếm xe. Sau đó, Nghĩa được đưa đi điều trị ở Bệnh viện đa khoa thị xã Kỳ Anh, còn Tình được đưa đi điều trị ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Tỷ lệ thương tổn của Nguyễn Văn Tình tại thời điểm giám định là 26%. Tỷ lệ thương tổn của Nghĩa tại thời điểm giám định là 0.1%. Thiệt hại xe máy SIRIUS BKS 38K1-434.15 là 370.000đ. Tại Bản án sơ thẩm số 54/2021/HS-ST ngày 31/12/2021 của Tòa án nhân dân huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh tuyên bị cáo Phạm Văn Đ. phạm tội “Cố ý gây thương tích” 15 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày thi hành án. Bị cáo và đại diện hợp pháp của các bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát có ý kiến đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 BLTTHS chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa bản án hình sự sơ thẩm số 54/2021/HS-ST ngày 31/12/2021 của Tòa án nhân dân huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, về phần hình phạt: Giảm một phần hình phạt cho bị cáo, đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo mức án 12 tháng tù. Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra những luận cứ sắc bén như bị cáo phạm tội khi đang ở độ tuổi vị thành niên - mới hơn 16 tuổi, độ tuổi đang có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, nhân cách chưa hoàn thiện, nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, suy nghĩa chưa thấu đáo, thích thể hiện mình dẫn đến phạm sai lầm. Hơn nữa bị cáo phạm tội trong trạng thái kích động mạnh do người bị hại có hành vi sai trái với anh trai bị cáo. Bị cáo có hoàn cảnh gia đinh khó khăn, mẹ đau ốm lâu dài và mất sớm, bố mù lòa 24 năm nay. Quá trinh phạm tội, bị cáo đã khắc phục bồi thường cho người bị hại và được người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Mặt khác, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà không có tình tiết tăng nặng nào, có nơi cư trú rõ ràng, từ trước tới nay chưa vi phạm pháp luật và luôn chấp hành tốt các quy định ở địa phương. Cho nên chưa cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, tạo điều kiện, cơ hội cho bị cáo hiểu rõ và sửa chữa các lỗi lầm của  mình. Và HĐXX quyết định căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s, e khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58; Điều 65, 91, 101 Bộ luật Hình sự, xử phạt: Phạm Văn Đ. 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Một vụ việc liên quan tới tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Đồng Nai, Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Đồng Nai đã tham gia bào chữa cho bị cáo là người bị buộc tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi ngay từ giai đoạn điều tra. Nội dung vụ án như sau: Trần Lê Đ. là nhân viên tại cửa hàng mua bán xe Honda Đức Anh, thuộc ấp Suối Râm, xã Long Giao, huyện Cầm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, trong quá trình làm nhân viên ở đây, Đ. đã hiểu rõ các quy định hợp tác giữa cửa hàng Honda với các công ty tài chính cho khách hàng vay tiền để mua xe mô tô trả góp. Cụ thể, các cửa hàng mua bán xe mô tô sẽ liên kết với các công ty tài chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân có nhu cầu mua xe mô tô mà chưa có đủ điều kiện thì các công ty tài chính sẽ hỗ trợ vốn vay bằng hình thức cho vay trả góp, lãi suất tuỳ vào từng hợp đồng. Theo quy định để các công ty tài chính chấp thuận ký hợp đồng tín dụng cho vay tiền thì khách hàng phải có 02 loại giấy tờ, gồm: một là giấy chứng minh nhân dân, hai là sổ hộ khẩu hoặc giấy phép lái xe bản chính. Ngoài ra, Trần Lê Đ. cũng biết rõ chỉ có tại địa bàn huyện Cẩm Mỹ thì thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô của cơ quan có thẩm quyền đơn giản hơn các huyện khác, chỉ cần có giấy chứng minh nhân dân mà không cần sổ hộ khẩu.
Đến tháng 4/2018, Đ. nghỉ việc tại cửa hàng Honda Đức Anh, lúc này biết rõ quy định về việc vay tín dụng trả góp mua mô tô cũng như quy định cấp giấy chứng nhận đăng ký xe nên Đ. đã nảy sinh ý định dùng giấy tờ giả để ký hợp đồng vay vốn tín dụng với các công ty tài chính và mua xe mô tô trả góp nhằm chiếm đoạt tài sản của các công ty tài chính, sau đó sẽ tiếp tục làm giả các giấy chứng nhận đăng ký xe để cầm cố các xe này lấy tiền. Để thực hiện ý định trên, Đ. đã liên lạc và bàn bạc với N.P.H (sinh ngày 20/7/2001, học sinh, trình độ học vấn 11/12; nơi cư trú: xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) để làm các giấy tờ giả gồm: giấy chứng minh nhân dân giả, giấy phép lái xe giả, rồi Đ. sẽ đưa giấy tờ giả cho những đối tượng mà Đ. quen biết và bàn bạc từ trước để đến các cửa hàng mua bán xe mô tô trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ký hợp đồng vay tín dụng và mua xe mô tô dưới hình thức mua trả góp. Từ tháng 5/2018 đến 7/2018, Đ. đã liên hệ và bàn bạc với 06 đối tượng để các đối tượng này trực tiếp sử dụng giấy tờ giả đứng ra ký kết giao dịch vay tiền mua xe trả góp. Để thực hiện, Đ. yêu cầu những đối tượng trên cung cấp hình ảnh cho mình rồi giao cho N.P.H làm ra các giấy chứng minh nhân dân gỉa và giấy phép lái xe giả, sau đó sử dụng để mua xe mô tô trả góp. Giữa Đ. và N.P.H có thỏa thuận chi phí mỗi bộ hồ sơ giả gồm: giấy chứng minh nhân dân giả và giấy phép lái xe giả, Đ. sẽ trả cho N.P.H 2.500.000 đồng; riêng giấy đăng ký xe mô tô giả thì Đ. trả cho N.P.H 1.500.000 đồng tiền công làm giả giấy tờ, còn tiền lời khi tiêu thụ được xe mô tô sau khi trừ tất cả các chi phí, Đ. và N.P.H sẽ chia đôi. Với phương thức và thủ đoạn như trên, từ tháng 5/2018 đến tháng 7/2018, Đ. cùng N.P.H và đồng bọn đã sử dụng 11 bộ hồ sơ giả để vay tiền trả góp mua 13 xe mô tô các loại. Tổng số tiền chiếm đoạt của 02 công ty tài chính là 435.750.000 đồng. Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Đồng Nai thực hiện trợ giúp pháp lý cho bị cáo N.P.H. Tại bản cáo trạng và phiên toà xét xử, VKSND huyện Cẩm Mỹ đã truy tố bị cáo N.P.H về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 174 và Điều 341 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể:  Áp dụng điểm a khoản 3, Điều 174; Điều 38, điều 58; điểm s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 90, 91 và 101 BLHS 2015, đề nghị xử phạt bị cáo N.P.H từ 05 năm 06 tháng đến 06 năm 06 tháng tù;  Áp dụng điểm b,c khoản 3, điều 341; điểm s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 90, 91 và 101 BLHS 2015, đề nghị xử phạt bị cáo N.P.H từ 02 năm 06 tháng đến 03 năm 06 tháng tù. Áp dụng Điều 55 BLHS, tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo N.P.H phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội từ 08 năm đến 10 năm tù.
Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Đồng Nai đã đưa ra các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như: bị cáo có nhân thân tốt, hoàn cảnh khó khăn, cha mất sớm, mẹ vất vả làm thuê mướn để nuôi bị cáo ăn học. Bị cáo vừa tốt nghiệp trung học cơ sở với xếp loại học lực khá (có giấy chứng nhận tốt nghiệp đã cung cấp cho Hội đồng xét xử) và khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo là học sinh lớp 10 trường CĐ Nghề Lilama II ở huyện Long Thành, Bản thân bị cáo chưa có tiền án, tiền sự … Mặt khác, bị cáo đang trong độ tuổi chuyển tiếp từ trẻ em thành người lớn - đây là độ tuổi có nhiều biến động mạnh về tâm sinh lý, trạng thái tâm lý chưa ổn định nên bị cáo cho rằng: mình đã lớn, muốn kiếm tiền để tự lo cho bản thân một số chi phí học tập, sinh hoạt hàng ngày, giúp cho mẹ bớt vất vả, ý thức muốn giúp đỡ cho mẹ là tốt, nhưng do suy nghĩ của bị cáo còn non nớt, nông cạn, nhận thức về pháp luật của bị cáo còn hạn chế…Nên bị cáo chưa ý thức được hết hậu quả hành vi của mình. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét xử bị cáo mức án thấp hơn theo đề nghị của Viện Kiểm sát. Những lập luận thuyết phục này của Trợ giúp viên pháp lý đã được Hội đồng xét xử chấp nhận và tuyên phạt bị cáo N.P.H 6 năm 6 tháng tù giam (giảm được gần 04 năm tù so với đề nghị của Viện Kiểm sát).
Có thể nói, thật đáng tiếc và đau xót nếu như các em Chu Văn T. và Nguyễn Tiến T. ở Hà Nội, em Phạm Văn Đ. ở Hà Tĩnh vì sự nông nổi, bồng bột nhất thời của mình mà phải chấp hành án tù giam, từ bỏ những năm đèn sách cuối cùng kết thúc bậc học THPT và cuộc sống sau này sẽ đi về đâu khi tấm bằng THPT còn dang dở. Sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt bào chữa của các Trợ giúp viên pháp lý thật đáng trân trọng, lan tỏa.
Bào chữa cho đối tượng là người chưa thành niên là một nhiệm vụ khó khăn và đòi hỏi người bào chữa ngoài việc am hiểu pháp luật một cách chặt chẽ còn phải có một kiến thức về tâm lý, kiến thức xã hội, kinh nghiệm sống nữa và điều này đã được Trợ giúp viên pháp lý của các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước trên toàn quốc thực hiện tốt, quyết liệt, bài bản. Trên đây chỉ là một số những vụ việc trợ giúp pháp lý thành công trong số hàng trăm những vụ việc thành công khác cho người chưa thành niên phạm tội, qua đó, trợ giúp pháp lý đã ngày càng khẳng định vị thế và vai trò của mình, giúp xã hội bình yên, mọi người được sống trong môi trường lành mạnh, giúp các em thanh thiếu niên phạm tội nhìn nhận lỗi lầm, sửa sai và làm lại cuộc đời.
 Vũ Thị Phương Thảo - Cục Trợ giúp pháp lý