Trợ giúp pháp lý - điểm tựa niềm tin cho người chưa thành niên phạm tội

Trong những năm qua, việc tham gia của Trợ giúp viên pháp lý vào quá trình tố tụng đã góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của những vụ án, trong đó có vụ án cho người chưa thành niên phạm tội, giúp hội đồng xét xử đưa ra được những bản án công bằng, dân chủ, đúng pháp luật, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho các em - những mầm cây đang lớn, còn có cả tương lai rộng mở phía trước đang đón chờ….

Về với thôn An Lộc B, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, ai cũng biết về trường hợp của em H.N.Q, không có sự chăm lo của bố, H.N.Q ở với ông từ nhỏ, mẹ em một mình mưu sinh vất vả, gia đình có hoàn cảnh éo le, khó khăn nên H.N.Q sớm phải bươn chải, kiếm sống ngoài xã hội. Rồi cuộc sống túng thiếu xa nhà, lại trẻ người non dạ, không có người lớn bảo ban, kèm cặp nên H.N.Q đã sớm vướng vào vòng lao lý. Thật may, trong suốt thời gian tố tụng, đã có Trợ giúp viên pháp lý - người bào chữa, giúp đỡ cho H.N.Q để em được hướng dẫn, bảo vệ trước pháp luật.
H.N.Q và N.B.P có mối quan hệ bạn bè, quen biết, khoảng tháng 3 năm 2018, H.N.Q đến làm thuê (bưng bê, dọn dẹp) cho anh Nguyễn Văn Quang, còn N.B.P làm thuê cho anh Nguyễn Văn Quảng. Anh Quang và anh Quảng là hai anh em ruột, cùng trú tại khu phố Thọ Môn, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và đều mở quán bán ốc luộc.
Sau vài tháng làm việc thuê ở quán ốc luộc, không dành dụm được tiền, với tâm lý chán nản, muốn thay đổi môi trường, H.N.Q đã rủ N.B.P ra Hà Nội tìm công việc khác. Cả hai đi bộ ra Đền Đô ngồi ghế đá, do hết tiền chi tiêu nên H.N.Q nảy sinh ý định cướp tài sản và rủ N.B.P cùng thực hiện, cả hai có ý định lên taxi để cướp tài sản của lái xe taxi. Khoảng 22 giờ cùng ngày, cả hai bắt một chiếc taxi và yêu cầu tài xế chở đi nhiều địa điểm để chờ thời cơ thuận lợi. Khi đến khu Ao Sen, phường Đình Bảng, tài xế không chở nữa và yêu cầu thanh toán. Tại đây, H.N.Q và N.B.P thực hiện hành vi cướp tài sản của tài xế nhưng không cướp được và bỏ chạy.
Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Thị Cúc (TGVPL) thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bắc Ninh được cử bào chữa cho H.N.Q, sinh ngày 09/9/2000 (đến ngày phạm tội được 17 tuổi 10 tháng 19 ngày) thuộc diện “người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi” được trợ giúp pháp lý. Tại bản cáo trạng số 02/CT-VKS-P1 ngày 05/01/2019 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã truy tố bị cáo H.N.Q về tội “Giết người” theo điểm g khoản 1 Điều 123 Bộ Luật hình sự và tội “Cướp tài sản” theo điểm d khoản 2 Điều 168 Bộ Luật hình sự.
Trong quá trình tham gia bào chữa cho bị cáo H.N.Q, TGVPL Nguyễn Thị Cúc vẫn còn nhớ như in những ngày về quê của em ở Tuyên Quang, những buổi gặp gỡ, thực nghiệm hiện trường, tham gia hỏi cung bị cáo cùng điều tra viên,…Dáng người mảnh khảnh đen co rúm lại, đôi mắt to tròn của cậu bé ánh lên vẻ sợ hãi, ăn năn…cậu nói rằng chỉ có ý định dọa người lái xe taxi khiến anh ta sợ hãi mà đưa tiền chứ không có ý định làm hại anh. Thương cảm cho H.N.Q, cùng với sự nhiệt huyết, yêu nghề, kỹ năng chuyên môn tốt, TGVPL Nguyễn Thị Cúc đã hết lòng tìm hiểu, đưa ra lập luận hợp lý, sắc bén để bào chữa cho em. Cuối cùng, tại Bản án số 16/2019/HS-ST ngày 10/5/2019 của Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, H.N.Q bị kết tội “Cướp tài sản” theo điểm d khoản 2 Điều 168 Bộ Luật hình sự chứ không phải tội “Giết người” theo điểm g khoản 1 Điều 123 Bộ Luật hình sự. Việc bào chữa chuyển tội danh từ “Giết người” sang “Cướp tài sản” có ý nghĩa quan trọng và to lớn với bản thân H.N.Q cũng như gia đình của em, bởi không chỉ với tội danh nhẹ hơn, em sẽ thụ án với thời gian ít hơn mà quan trọng hơn cả, bản án đã phản ánh đúng sự thật. Mai này, khi quay trở lại hoà nhập với cộng đồng, xã hội, em sẽ không phải mang cái án “Giết người”, có thể sẽ ảnh hưởng đến tương lai của em ở chặng đường dài sau đó.
Có thể nói, với sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý trong quá trình tố tụng, không chỉ giúp cho hội đồng xét xử đưa ra được những bản án công bằng, dân chủ, đúng pháp luật mà còn bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng.
Sau mỗi lần tham gia các vụ án, với mỗi đối tượng được TGPL khác nhau, lại để trong lòng TGVPL Nguyễn Thị Cúc những nỗi niềm bâng khuâng, đau đáu,…Chị chỉ mong góp một phần công sức bé nhỏ của mình vào việc giúp đỡ, bảo vệ về mặt pháp luật, mang lại công bằng cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, với chị, đó không chỉ là quy tắc nghề nghiệp mà còn là cái tâm của một con người mang trên mình danh xưng cao quý “Trợ giúp viên pháp lý”./.
 
Vũ Thị Phương Thảo - Cục Trợ giúp pháp lý