Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý

Truyền thông về trợ giúp pháp lý (TGPL) giữ vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin về TGPL đến với người dân, là một trong những yếu tố giúp người dân tiếp cận thông tin TGPL hiệu quả. Trong thời gian qua, Trung tâm TGPL Nhà nước luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về TGPL với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Do đó, hoạt động truyền thông về TGPL tại Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, được các cấp, các ngành đánh giá cao về tính hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác TGPL.

Bảy tháng đầu năm 2021, để người dân, người thuộc diện được TGPL dễ dàng tiếp cận được chính sách TGPL, đảm bảo cho người được TGPL thụ hưởng quyền được TGPL, Trung tâm TGPL Nhà nước phối hợp với Phòng tư pháp các huyện, thành phố, thị xã và Trung tâm công tác xã hội - Quỹ bảo trợ trẻ em, tư vấn, giáo dục nghề nghiệp, phục hồi chức năng cho người khuyết tật Hà Tĩnh tổ chức thực hiện thành công 83 cuộc truyền thông về TGPL. Thông qua các cuộc truyền thông, đã giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, cách thức liên hệ đến Trung tâm TGPL Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của người được TGPL để nâng cao nhận thức của người dân và những người thuộc diện được TGPL về vai trò của công tác TGPL, về các quyền và lợi ích của người được TGPL và giúp người dân có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, chính sách TGPL.

Bên cạnh đó, Trung tâm TGPL Nhà nước đã biên soạn, in ấn hơn 22.000 tờ rơi, tờ gấp giới thiệu về Trung tâm TGPL, một số nội dung cơ bản của Luật TGPL và tài liệu pháp luật liên quan đến các lĩnh vực pháp luật thiết yếu cho người dân như pháp luật về đất đai, dân sự, hôn nhân và gia đình, pháp luật về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, pháp luật về chính sách đối với người khuyết tật; Triển khai lắp đặt bổ sung, thay thế 11 Bảng thông tin, Hộp tin TGPL tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng. Đồng thời, Trợ giúp viên pháp lý, Chuyên viên của Trung tâm viết tin, bài, các câu chuyện pháp luật TGPL, các bài viết nghiên cứu trao đổi nghiệp vụ về TGPL đăng trên Báo Hà Tĩnh, Cổng thông tin điện tử của Cục TGPL, Sở Tư pháp; Xây dựng chuyên mục phát thanh “Trợ giúp pháp lý với người dân” giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm TGPL, quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, người thực hiện TGPL, nhấn mạnh về hiệu quả của hình thức TGPL trong tố tụng để Nhân dân được biết thông qua các vụ việc điển hình có sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL.
 

Với việc đổi mới, sáng tạo, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung truyền thông nên so với giai đoạn trước khi triển khai thực hiện Luật TGPL 2017, đến nay đã có nhiều người dân biết đến công tác TGPL. Nhờ đó, số lượng, chất lượng vụ việc tư vấn pháp luật và vụ việc tham gia tố tụng ngày một tăng. Bảy tháng đầu năm 2021, Trung tâm thực hiện 80 việc, 46 vụ việc tư vấn pháp luật, 153 vụ việc tham gia tố tụng, đã hoàn thành 79/153 vụ việc tham gia tố tụng (chiếm 51,6% trên tổng số vụ việc tham gia tố tụng), trong đó có 43/79 vụ việc tham gia tố tụng hoàn thành đạt tiêu chí thành công, hiệu quả (chiếm 54,4% trên tổng số vụ việc tham gia tố tụng hoàn thành). Đồng thời, trong quá trình thực hiện tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng, Trợ giúp viên pháp lý còn giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý, diện người được trợ giúp pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý. Đây cũng là một trong những hình thức truyền thông hiệu quả của Trung tâm.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện truyền thông về TGPL vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có những diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong việc triển khai các hoạt động truyền thông về TGPL, nhất là truyền thông về TGPL tại cơ sở; Người được TGPL chưa có nhiều điều kiện tiếp cận với các thông tin, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhận thức về công tác TGPL chưa cao nên việc giải thích, hướng dẫn họ thực hiện quyền được TGPL còn gặp nhiều khó khăn; Một số địa phương, cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức xã hội chưa chủ động, trong việc hỗ trợ, thông tin, phối hợp với Trung tâm TGPL Nhà nước và người thực hiện TGPL; Diện người được TGPL mở rộng, nhu cầu TGPL ngày càng nhiều, song số lượng Trợ giúp viên pháp lý và nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý còn ít; Điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí cấp cho công tác TGPL còn hạn hẹp nên việc triển khai công tác TGPL còn gặp nhiều khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động truyền thông về TGPL hơn nữa, cần có các giải pháp, phương hướng trong thời gian tới như:

Một là, đa dạng hóa các phương thức truyền thông về TGPL

Lựa chọn nội dung phù hợp, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về TGPL với nhiều hình thức đa dạng như thông qua báo chí, phát thanh truyền hình, bảng thông tin, hộp tin, tờ rơi, tờ gấp về TGPL phù hợp với đặc thù từng vùng, tập quán từng địa phương, trình độ dân trí của người dân. Chú trọng truyền thông về quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, tổ chức TGPL để nâng cao hiểu biết của cán bộ, người dân và các đối tượng được TGPL về hoạt động TGPL.

Hai là, nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL

Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng tập trung vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng TGPL, nhất là kỹ năng tham gia tố tụng và kỹ năng làm việc với các đối tượng đặc thù. Bên cạnh đó, tiếp tục bồi dưỡng cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp TGPL hạng II nhằm bồi dưỡng, tích luỹ kinh nghiệm, kỹ năng khi thực hiện TGPL.

Ba là, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan

Quy định cụ thể nhiệm vụ của các cơ quan liên quan trong việc phối hợp tổ chức truyền thông và TGPL. Đồng thời, có cơ chế huy động, tăng cường truyền thông về TGPL cho những người có điều kiện tiếp xúc hàng ngày với người dân như cán bộ xã, phường, cán bộ thôn, xóm… để kịp thời giải thích cho người dân về quyền được TGPL, hướng dẫn người được TGPL liên hệ với Trung tâm TGPL Nhà nước khi cần.
 Phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của các thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành trong công tác TGPL. Tăng cường phối hợp thông tin giữa Trung tâm TGPL Nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng từ tỉnh đến huyện trong việc giới thiệu hoặc đề nghị cử người tham gia để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL một cách nhanh chóng, kịp thời.

Bốn là, tăng cường quản lý nhà nước về TGPL; bổ sung các nguồn lực cho Trung tâm TGPL nhà nước.

Kịp thời khen thưởng những đơn vị, cá nhân có đóng góp tích cực cho hoạt động TGPL; phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về TGPL. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, phản hồi kết quả giải quyết vụ việc đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, kéo dài. Tiếp tục bồi dưỡng, cử chuyên viên tham gia các khóa đào tạo Luật sư để làm nguồn cho đội ngũ người thực hiện TGPL; bổ sung thêm biên chế, kinh phí cho Trung tâm TGPL nhà nước để có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu TGPL ngày một tăng./.
                                                                                                                                                                                                                            Phan Ngọc Trâm

Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh