Mái ấm thứ hai

Gia đình là mái ấm tuổi thơ và cũng là nơi ta trở về sau những ngày học tập, đi làm vất vả. Thế nhưng vì nhiều lý do có những đứa trẻ không nơi để về và Đảng, Nhà nước ta có chính sách trợ giúp xã hội cho những trường hợp này.

Tuy nhiên không phải ai cũng nắm bắt được chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước và càng khó khăn hơn khi đối tượng bảo trợ xã hội và người thân lại mù chữ, thì việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị nhà nước xem xét chế độ bảo trợ xã hội đã khó lại càng thêm khó. Nhưng may mắn đã có tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí đồng hành cùng các đối tượng. Sau đây là câu chuyện buồn của ba đứa trẻ mà Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 5 – Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận và đồng hành cùng các đối tượng trong gần một năm để hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Dưới tiết trời se lạnh một ngày cuối tháng 10 năm 2018, có người đàn ông dân tộc Mông đến trụ sở Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 5 với dáng vẻ khắc khổ và ngại ngùng. Trước thái độ ngại ngùng của vị khách, buộc tôi phải giao tiếp bằng tiếng Mông để hiểu rõ mục đích đến chi nhánh của vị khách và sau đó động viên, thì vị khách giới thiệu tên là Giàng A T người xã Mường Toong, huyện Mường Nhé và ông T nói: “đầu tháng 7 năm 2014, em trai tôi Giàng A Ca phạm tội hiếp dâm trẻ em bị tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên tuyên phạt 16 năm tù giam; vợ và bốn đứa con ở nhà, đứa lớn sinh năm 2009, đứa bé nhất sinh tháng 5 năm 2014. Vào một đêm tháng 11 năm 2014, thím bế đứa nhỏ bỏ nhà đi đâu không rõ tung tích và sáng hôm sau hàng xóm báo trưởng bản rồi trưởng bản thông báo vợ chồng tôi đón các cháu về nuôi dưỡng. Do vợ chồng đông con nên cuộc sống thiếu thốn nay lại càng khó khăn hơn và nghe nói những đứa trẻ không cha mẹ sẽ được nhà nước hỗ trợ tiền. Vì vậy, tôi mong trợ giúp pháp lý giúp làm hồ sơ đề nghị nhà nước xem xét chế độ cho ba cháu, bản thân tôi không được học hành không thể làm được hồ sơ cho các cháu”. Như vậy, theo lời ông T cha đẻ ba cháu đang chấp hành hình phạt tù nhưng mẹ các cháu chưa được tòa án tuyên bố mất tích nên chưa thể làm hồ sơ đề nghị cho ba cháu hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Cần phải yêu cầu tòa án tuyên bố mẹ các cháu mất tích theo quy định và sau đó mới hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét theo quy trình. Tuy nhiên ngoài lời trình bày ông T không cung cấp được bất kỳ giấy tờ liên quan vụ việc, sau khi tiếp nhận ý kiến chi nhánh báo cáo lãnh đạo phụ trách xin ý kiến chỉ đạo và được lãnh đạo giao trực tiếp đi xác minh, thu thập thông tin giấy tờ ban đầu. Khi đến nhà ông T cảnh ba đứa trẻ quần áo rách rưới, mặt mũi lem luốc chơi đùa với bốn đứa con nhà ông T trước hiên nhà tạm lợp bằng vải bạt sọc ba màu và khi thấy khách lạ thì co rúm lại vào góc nhà. Tận mắt thấy hoàn cảnh sống của các cháu làm tôi không cầm được lòng và cũng là động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn trở ngại để hoàn thiện hồ sơ sớm nhất trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét. Sau khi xác minh, ông Giàng A T chưa phải là người giám hộ của ba cháu, những người giám hộ đương nhiên của ba cháu (bà nội, ông bà ngoại) đều sinh sống ở huyện khác cách xa nửa ngày đường xe máy và mẹ các cháu bỏ nhà đi đâu không rõ tung tích từ tháng 11/2014 chưa báo chính quyền xã hay yêu cầu tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định. Để chuẩn bị hồ sơ yêu cầu tòa án tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, làm cơ sở tuyên bố mẹ các cháu mất tích theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành và để ba cháu đủ điều kiện thụ hưởng chế độ bảo trợ xã hội như luật định. Tôi cùng ông T đến gặp bà nội, ông bà ngoại ba cháu lập giấy tờ cử ông T làm người giám hộ cho ba cháu và đến gặp công an xã và UBND xã Quảng Lâm nơi cư trú cuối cùng của người mẹ xin xác nhận thời điểm mất tích của người mẹ.
 Ròng rã hơn nửa năm, đến tháng 5/2019 ba cháu đã nhận được quyết định trợ cấp hàng tháng và ông Giàng A T được hưởng chi phí cho người chăm sóc theo quy định. Mặc dù số tiền ít ỏi nhưng đã hỗ trợ được phần nào khó khăn thiếu thốn cho gia đình ông T và cũng là điều kiện cho ba cháu cơ hội đến trường như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Cách đây một tháng khi có chuyến công tác về cơ sở, tôi ghé thăm gia đình ông T, thấy ba cháu khoác lên mình những bộ quần áo lành lặn, cặp sách mới, nở nụ cười quấn quýt bên tôi và miệng không ngớt những mẩu chuyện vui khi đến trường lớp. Và bấy nhiêu đó đã xoa tan những mệt mỏi của chuyến công tác và tôi thầm nghĩ trợ giúp pháp lý đã giúp tìm được mái ấm thứ hai cho tuổi thơ ba cháu./.
 
Lý A Chía- Chi nhánh TGPL số 5, Trung tâm TGPL tỉnh Điện Biên