Lào Cai: Hội nghị tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý năm 2020

Thực hiện Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 06/01/2017 của UBND tỉnh về thực hiện chính sách trợ giúp pháp cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016- 2020 theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 136/KH-TTTGPL ngày 18/12/2019 của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai về công tác trợ giúp pháp lý năm 2020, ngày 11/12/2020, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị tập huấn tăng cường năng lực cho người thực hiện TGPL và phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng cho hơn 80 người thực hiện công tác trợ giúp pháp lý.

Tới dự hội nghị có lãnh đạo và thành viên các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân các cấp tỉnh và huyện, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh và các đồn biên phòng biên giới, cùng với đội ngũ luật sư trên địa bàn và toàn thể cán bộ, chuyên viên, trợ giúp viên pháp lý của trung tâm.
Đồng chí Trần Thị Chinh - Giám đốc Trung tâm phát biểu khai mạc hội nghị và giới thiệu những nội dung cơ bản trong buổi tập huấn bao gồm: Luật TGPL năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ; Thông tư 08/2017/TT-BTP; Thông tư số 09/2018/TT-BTP; Thông tư số 12/2018/TT-BTP và Thông tư số 03/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp); Luật an ninh mạng năm 2018; Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC- VKSNDTC ngày 29/6/2018; Hướng dẫn một số mẫu biểu (mẫu 01- mẫu 11) Thông tư số 12/2018/TT-BTP và (mẫu 01- mẫu 06) Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT; Kỹ năng điều khiển, tham gia phiên tòa hình sự và trao đổi những vướng mắc phát sinh và kinh nghiệm trong quá trình thực hiện TGPL.
 

                                                                                                                     Quang cảnh hội nghị

Qua hội nghị, các thành viên đều hiểu và nhận diện được rõ các quy định của pháp luật về 14 nhóm đối tượng được hưởng dịch vụ TGPL như người thuộc hộ nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em, người dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội và đặc biệt là 7 nhóm đối tượng có khó khăn về tài chính theo hướng dẫn tại Nghị định 144/2017/NĐ-CP.
Trao đổi về công tác phối hợp trong quá trình thực thi Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT quy định về phối hợp thực hiện trong hoạt động tố tụng về trợ giúp pháp lý, đại diện bộ đội biên phòng tỉnh cho ý kiến về việc bất cập trong việc chưa có biểu mẫu cấp giấy chứng nhận bào chữa hay giấy chứng nhận bảo vệ cho trợ giúp viên pháp lý; về trình tự thủ tục để bảo vệ quyền và lợi ích cho người bị tố giác thì chưa quy định rõ, hơn nữa đối với biên bản giải thích về quyền được TGPL theo biểu mẫu số 02 thì đại diện người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là các điều tra viên thì không có dấu chức danh để đóng dấu, vậy thì có thể đóng dấu treo được không. Còn đại diện Công an thị xã Sa Pa cho rằng còn thiếu biểu mẫu đăng ký quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại trong TTLT số 10, phải sử dụng biểu mẫu 01 trong Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công an để thay thế; trong một số trường hợp thì sử dụng biểu mẫu số 03 “thông báo về TGPL” hay thực hiện theo điều 76 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định về “chỉ định người bào chữa”…
 

Quang cảnh hội nghị
 
Đại diện Trung tâm TGPL, đồng chí Trần Thị Chinh đã ghi nhận sự trao đổi, đóng góp ý kiến của các thành viên trong quá trình phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn, đồng thời trao đổi thêm về nội dung điều 7 của Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT để các thành viên thấy rõ hơn về việc thực hiện biểu mẫu 03 của Thông tư hay thực hiện chỉ định người bào chữa theo điều 76 BLTTHS.
Qua công tác trao đổi, thảo luận, Hội nghị còn cho thấy tinh thần trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL của tổ chức và đội ngũ những người thực hiện TGPL đối với đồng bào dân tộc thiểu số, những người nghèo, người có công, trẻ em và những người yếu thế trong xã hội có khó khăn về tài chính, thể hiện rõ chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc xóa đói giảm nghèo về pháp luật trên địa bàn các tỉnh miền núi, vùng cao biên giới.
Kết thúc hội nghị, các học viên đều phấn khởi và đề xuất thêm về việc duy trì thời gian tổ chức các hội nghị tập huấn, để thành viên các cơ quan tiến hành tố tụng có cơ hội giao lưu, bày tỏ những vướng mắc trong quá trình phối hợp thực hiện công tác trợ giúp pháp lý./.


                                                                                                                                    Nguyễn Thị Mai Hương - Trung tâm TGPL Lào Cai