ĐỐI THOẠI TRỰC TUYẾN VỀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO THANH THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG THUỘC NHÓM ĐỐI TƯỢNG YẾU THẾ

Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2020 của Bộ Tư pháp, sáng ngày 3/11/2020, Đoàn thanh niên Cục Trợ giúp pháp lý đã phối hợp Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp cùng với Báo pháp luật Việt Nam tổ chức Chương trình giao lưu, đối thoại trực tuyến với chủ đề: “Trợ giúp pháp lý cho thanh thiếu niên và nhi đồng thuộc nhóm đối tượng yếu thế”. Tham gia Chương trình giao lưu, đối thoại có ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, bà Ninh Thị Hồng, Uỷ viên Hội đồng Đội Trung ương, Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em. Tại Chương trình giao lưu, các khách mời đã làm rõ hơn nhiều quy định của pháp luật về các quyền của nhóm đối tượng là thanh thiếu niên và nhi đồng, đặc biệt là quyền được trợ giúp pháp lý khi họ có vướng mắc pháp luật và có nhu cầu được trợ giúp pháp lý.


Tại buổi giao lưu, qua những câu hỏi của MC dẫn chương trình và một số độc giả theo dõi, ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đã khái quát lại một số quy định cơ bản của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, theo đó, so với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2016, diện người được trợ giúp pháp lý đã được mở rộng (từ 06 diện người lên 14 diện người) và nhóm đối tượng thanh thiếu niên và nhi đồng thuộc một trong các nhóm người đã nêu ở trên thì họ thuộc đối tượng là người được trợ giúp pháp lý. Trong buổi giao lưu, ông Cù Thu Anh đã thông tin cụ thể về quyền được trợ giúp pháp lý khi đối tượng được trợ giúp pháp lý có yêu cầu, về những giấy tờ họ cần chuẩn bị để được trợ giúp pháp lý, các địa chỉ tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý tại các địa phương trong toàn quốc.
Đặc biệt, trong Chương trình giao lưu, ông Cù Thu Anh đã đề cập đến một số khó khăn hiện nay khiến nhóm đối tượng thanh thiếu niên và nhi đồng sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn khó tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý đó là: trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và người dân nói chung vẫn còn hạn chế trong việc chưa hiểu biết pháp luật; mạng lưới tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL ở địa phương còn mỏng đặc biệt ở các tỉnh miền núi; kinh phí hoạt động của một số Trung tâm TGPL nhà nước còn ở mức độ nhất định và còn thiếu các trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động TGPL; phối hợp giữa một số cơ quan hữu quan cho hoạt động trợ giúp pháp lý ở một số nơi vẫn còn nhiều hạn chế...
Xuất phát từ những khó khăn hiện tại mà nhóm đối tượng thanh thiếu niên và nhi đồng gặp phải trong việc tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Cù Thu Anh đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý cho các nhóm đối tượng này trong thời gian tới đó là:
- Tăng cường hơn nữa nguồn lực cho công tác TGPL, trong đó tập trung cho việc thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng;
- Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL trong đó tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ TGPL, đặc biệt là kỹ năng trợ giúp cho các đối tượng đặc thù như trẻ em, người chưa thành niên khi vi phạm pháp luật… trong các lĩnh vực dân sự, hình sự;
- Nghiên cứu và triển khai các cơ chế để người thực hiện TGPL trực tại các cơ quan tiến hành tố tụng tòa án, cơ quan công an (tùy điều kiện có thể trực tại trụ sở hoặc trực qua điện thoại) để giúp người thuộc diện trợ giúp pháp lý khi đến các cơ quan này có thể tiếp cận ngay với dịch vụ trợ giúp pháp lý, hạn chế bỏ sót đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý, giúp cho việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý được kịp thời;
 -Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trợ giúp pháp lý để nâng cao hiệu quả về quản lý nhà nước về lĩnh vực này;
- Cần tiếp tục nghiên cứu đưa cơ chế thu hút các cá nhân, tổ chức có kiến thức, trình độ, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác công tác trợ giúp pháp lý thông qua việc ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý và cuối cùng là cần một chính sách tổng thể về trợ giúp pháp lý trong thời gian tới để nâng cao vai trò của công tác trợ giúp pháp lý trong đời sống xã hội của nhân dân.


 

Đồng hành với Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Cù Thu Anh tại Chương trình, bà Ninh Thị Hồng Uỷ viên Hội đồng Đội Trung ương, Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em cũng đã trao đổi và cung cấp nhiều thông tin về các vụ án xâm hại tình dục mà nạn nhân là trẻ em hoặc các vụ án hình sự mà các bị can, bị cáo thuộc đối tượng là người chưa thành niên phạm tội. Đồng thời, bà Hồng cũng đã thông tin đến với độc giả các hình thức mà Hội Bảo vệ quyền trẻ em thường xử dụng để bảo vệ các em trong những vụ án này trong đó có hoạt động phối hợp với các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để yêu cầu cử người thực hiện TGPL giúp đỡ các em. Tuy nhiên, liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý cho đối tượng thanh thiếu nhiên và nhi đồng, bà Hồng nhận định trên thực tế có nhiều nhóm trẻ em với những đặc thù khác nhau như trẻ em bị khuyết tật, tàn tật, trẻ em mồ côi thường khó tiếp cận với quyền được trợ giúp pháp lý, vì vậy, trong thời gian tới bà mong muốn sẽ có thêm nhiều tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia tư vấn, trợ giúp pháp lý cho các nhóm đối tượng này.
Thông qua Chương trình giao lưu, đối thoại trực tuyến, không chỉ chính sách pháp luật TGPL được làm rõ, nhiều tình huống vướng mắc pháp luật cụ thể được giải đáp mà qua đó còn giúp nhóm đối tượng thanh thiếu niên và nhi đồng nói riêng, các độc giả theo dõi Chương trình nói chung được nâng cao hiểu biết pháp luật về trợ giúp pháp lý và pháp luật có liên quan. Từ đó góp phần trang bị cho thanh thiếu niên, nhi đồng những kiến thức cần thiết để phòng ngừa trước những đe dọa của các tệ nạn xã hội, giúp các em trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản để có thể tự bảo vệ mình và lựa chọn cách ứng xử phù hợp với pháp luật, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật của nhóm đối tượng trẻ này.



                                                                                                                                                                           Như Lan – Cục Trợ giúp pháp lý