Phú Thọ - Hội nghị triển khai công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2020

Ngày 02/01/2019, tại Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ, Hội đồng Phối hợp liên ngành về Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2020. Tham dự Hội nghị có các đồng chí là thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Phú Thọ; thành viên Tổ giúp việc cho Hội đồng và các Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Phú Thọ.

Báo cáo của Hội đồng đã đánh giá kết quả công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2019. Năm 2019, Hội đồng đã ban hành kế hoạch phối hợp liên ngành trong hoạt động tố tụng tỉnh; kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10; chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý cấp phát 23.000 mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý; 92.000 mẫu: Bản thông tin về người được trợ giúp pháp lý; Biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của người bị buộc tội, người bị hại, đương sự thuộc diện trợ giúp pháp lý; Thông báo về trợ giúp pháp lý; Thông tin về trợ giúp pháp lý và 153 Sổ theo dõi vụ việc TGPL cho cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện, cơ quan tiến hành tố tụng cấp quân khu, khu vực. Đặc biệt, các ngành thành viên của Hội đồng đã tích cực, chủ động, quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ phối hợp trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh thông qua việc ban hành các văn bản của ngành (Công an, Kiểm sát, Tòa án) để chỉ đạo công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và Trung tâm TGPL nhà nước trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.

Các Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư đã thực hiện trợ giúp pháp lý 361 vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng, tăng 30 vụ so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, hình sự 227 vụ; dân sự, hôn nhân và gia đình 130 vụ; hành chính 04 vụ. Số lượng người được trợ giúp cụ thể: Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn: 246 người; người thuộc hộ nghèo: 18 người; người bị buộc tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi: 34 người; trẻ em: 29 người; người có công với cách mạng: 07 người; người khuyết tật có khó khăn về tài chính: 12 người; người cao tuổi có khó khăn về tài chính: 01 người; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo: 12 người; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong các vụ án hình sự: 02 người. Thông qua hoạt động tham gia tố tụng, công tác trợ giúp pháp lý bảo đảm thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý của người dân, góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xét xử, giải quyết vụ việc một cách khách quan, trung thực, đúng pháp luật, góp phần thiết thực vào sự nghiệp cải cách tư pháp, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội.

          Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ phối hợp, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng, tăng cường cơ chế phản hồi thông tin liên quan đến chất lượng vụ việc, nâng cao trách nhiệm thực hiện các hoạt động phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trong năm 2020 .

Kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Thị Nhung – Chủ tịch Hội đồng - Giám đốc Sở Tư pháp đánh giá cao kết quả công tác phối hợp của Hội đồng phối hợp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, đảm bảo tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Theo đó, Hội đồng tiếp tục nâng cao trách nhiệm, vai trò tham mưu của mỗi thành viên, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền Luật và văn bản mới liên quan cũng như phối hợp tốt trong thực hiện nhiệm vụ năm 2020./.

Bích Thủy – Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Phú Thọ