Trợ giúp pháp lý đồng hành cùng người có khó khăn về tài chính

Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật

  1. Người có khó khăn về tài chính thuộc diện được trợ giúp pháp lý
Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.[1] Người được hưởng trợ giúp pháp lý là những người không có khả năng tài chính, có hoàn cảnh đặc biệt, không có đủ điều kiện tiếp cận với các loại dịch vụ pháp lý có thu, cần có sự trợ giúp của Nhà nước để có thể bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Vì vậy, thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, người có công với cách mạng, dân tộc và chính sách an sinh khác, bên cạnh người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, thì khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý quy định 08 người có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý, gồm có:
a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;
b) Người nhiễm chất độc da cam;
c) Người cao tuổi;
d) Người khuyết tật;
đ) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;
e) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;
g) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;
h) Người nhiễm HIV.
Điều 2 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý quy định “Điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 7 Điều 7 của Luật Trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật.” Cụ thể:
+ Về người thuộc hộ cận nghèo, theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP ngày 27-01-2021, trường hợp ở khu vực nông thôn thì hộ cận nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng dưới 1.500.000 đồng và thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Trường hợp ở khu vực thành thị thì hộ cận nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người dưới 2 triệu đồng mỗi tháng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022- 2025 trên phạm vi toàn quốc vừa được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố cho thấy tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) chung toàn quốc là 7,52%, với tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 1.972.767 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước là 4,03% và tỷ lệ hộ cận nghèo chung cả nước là 3,49%[2].
+ Về người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật, Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định về đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, gồm 8 nhóm như sau:
1. Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm l khoản 1 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP[3].
2. Người thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng mà đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.
3. Trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo.
4. Người đơn thân nghèo đang nuôi con[4].
5. Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm d khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP[5].
6. Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật.
7. Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 3 và 6 Điều này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.
8. Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022 cả nước thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng cho trên 3,3 triệu đối tượng với kinh phí khoảng 28.000 tỷ đồng. Đến nay, cả nước có gần 1,9 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội. Cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu người, thực hiện trợ cấp xã hội và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trên 1,5 triệu người khuyết tật. [6]
Thống kê, hiện nước ta có khoảng hơn 20% dân số cần sự trợ giúp xã hội, trong đó khoảng trên 12 triệu người cao tuổi, gần 07 triệu người khuyết tật, 07-08% dân số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 02 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, 234.000 người nhiễm HIV được phát hiện, khoảng 30.000 nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình. Ngoài ra, còn các đối tượng là phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố cần được sự trợ giúp của nhà nước và xã hội [7].

 


2. Một số kết quả đạt được về trợ giúp pháp lý cho người có khó khăn về tài chính
Trong 05 năm từ năm 2018 đến năm 2022, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã thực hiện gần 21.500 vụ việc trợ giúp pháp lý cho người có khó khăn về tài chính, trong đó chiếm tỷ lệ cao là người cao tuổi có khó khăn về tài chính và người khuyết tật có khó khăn về tài chính, một số nhóm chiếm tỷ lệ thấp như: nạn nhân của hành vi mua bán người, người nhiễm HIV, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình, người từ đủ 16 tuổi đến 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự.

 


Về hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý cho người có khó khăn về tài chính, số vụ việc tư vấn chiếm hơn 73%, tham gia tố tụng chiếm hơn 25%, và đại diện ngoài tố tụng chiếm hơn 01%. Cụ thể từng hình thức trợ giúp pháp lý cho mỗi nhóm người có khó khăn về tài chính như sau:
 

3. Một số khó khăn, vướng mắc
- Về thể chế, một số quy định của Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Người khuyết tật chưa đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý nên chưa thuận lợi trong thực hiện hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho người bị mua bán, người khuyết tật.
-  Do thiếu hiểu biết quy định của pháp luật, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng xa, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn và do tâm lý tự ti, mặc cảm của một số người có khó khăn về tài chính nên họ thường có tâm lý giấu kín sự việc, e ngại, không tiếp xúc chia sẻ với người khác hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhiều người có khó khăn về tài chính không biết về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí hoặc có trường hợp có biết về quyền của mình, nhưng vẫn không chia sẻ, không yêu cầu trợ giúp pháp lý. Vì vậy, trong nhiều trường hợp tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý không thể kịp thời giúp họ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của họ; giúp họ bảo đảm công bằng trước pháp luật.
- Do hạn chế nguồn lực (kinh phí và biên chế) nên phần nào ảnh hưởng tới khả năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, trong đó có trợ giúp pháp lý cho cho nhóm đối tượng đặc thù như: người cao tuổi, người khuyết tật, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người; người nhiễm HIV.

 

4. Một số giải pháp tăng cường trợ giúp pháp lý cho người có khó khăn về tài chính trong thời gian tới
- Rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán, người khuyết tật và các nhóm khác để bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ và tính khả thi trong các quy định của pháp luật nhằm kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
- Tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan tiến hành tố tụng khi phát hiện đối tượng là người có khó khăn về tài chính thì giới thiệu đến các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp để được trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý.
- Nâng cao nhận thức của các cơ quan, ban ngành về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác trợ giúp pháp lý. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông của các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, cung cấp số điện thoại đường dây nóng, danh sách địa chỉ, số điện thoại của người thực hiện trợ giúp pháp lý, Trung tâm và Chi nhánh, các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.
- Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc quản lý, theo dõi, cung cấp thông tin về trợ giúp pháp lý; thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người dân.
Thanh Hà
 
[1] Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý

[2] Quyết định số 71/QĐ-LĐTBXH ngày 19/01/2023 công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.

[3]Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi;
b) Mồ côi cả cha và mẹ;
c) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật;
d) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;
đ) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
e) Cả cha và mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật;
g) Cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;
h) Cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
i) Cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;
k) Cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
l) Cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử l
 
[4] Người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ; đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất quy định tại khoản 2 Điều này.
 
[5] Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:
a) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;
b) Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;
c) Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;
d) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.
[6] http://laodongxahoi.net/cuc-bao-tro-xa-hoi-tong-ket-cong-tac-nam-2022-va-trien-khai-nhiem-vu-cong-tac-nam-2023-1326034.html (Cục Bảo trợ xã hội tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023)
[7] http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=235386