Chi bộ cơ sở Cục Trợ giúp pháp lý sinh hoạt chuyên đề hướng tới ngày thành lập hệ thống trợ giúp pháp lý 06-9

Nhân dịp kỷ niệm thành lập hệ thống trợ giúp pháp lý ngày 06/9, chiều ngày 31/8/2020, Chi bộ cơ sở Cục Trợ giúp pháp lý đã tổ chức sinh hoạt chi bộ mở rộng. Tham dự buổi sinh hoạt chi bộ có đồng chí Cù Thu Anh, Bí thư Chi bộ, Cục Trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, các đồng chí trong Chi ủy, Phó Cục trưởng cùng các đảng viên trong Chi bộ và công chức, viên chức, người lao động của Cục Trợ giúp pháp lý.

Tại buổi sinh hoạt chi bộ, đồng chí Cù Thu Anh, Bí thư Chi bộ - Cục trưởng đã kiểm điểm tình hình hoạt động của Chi bộ trong thời gian vừa qua, đồng thời, quán triệt và triển khai một số văn bản của Đảng.
Tiếp theo đó, đồng chí Cù Thu Anh, Bí thư Chi bộ - Cục trưởng một trong những người xây dựng Đề án thành lập hệ thống trợ giúp pháp lý bắt đầu từ năm 1995 đã giới thiệu quá trình nghiên cứu, hình thành hệ thống trợ giúp pháp lý và cùng các đảng viên, công chức, viên chức, người lao động Cục Trợ giúp pháp lý trao đổi, thảo luận. Chỉ đạo đặt dấu ấn quan trọng đầu tiên cho quá trình chuyển biến trong nhận thức và hoạt động của đời sống pháp luật, tạo tiền đề chính trị cho việc nghiên cứu hình thành công tác trợ giúp pháp lý đó là chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng: “... Cần phải mở rộng loại hình tư vấn pháp luật phổ thông, đáp ứng nhu cầu rộng rãi, đa dạng của các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần nâng cao ý thức pháp luật và ứng xử pháp luật của công dân trong quan hệ đời sống hàng ngày...; cần nghiên cứu lập hệ thống dịch vụ tư vấn pháp luật không lấy tiền để hướng dẫn nhân dân sống và làm việc theo pháp luật”(tại văn bản số 485/CV-VPTW ngày 31/5/1995 của Văn phòng Trung ương Đảng) và trong thư ngày 20/12/1995 gửi cán bộ, nhân viên ngành Tư pháp nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Ngành, Tổng Bí thư Đỗ Mười một lần nữa nhấn mạnh: “Nhà nước phải nghiên cứu sớm thành lập một hệ thống các tổ chức tư vấn pháp luật không mất tiền dành cho người nghèo, các gia đình thuộc diện chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số”. Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, ngay từ năm 1995, Bộ Tư pháp đã xây dựng đề án thành lập hệ thống trợ giúp pháp lý và chủ động nghiên cứu, triển khai thí điểm thành lập các Trung tâm trợ giúp pháp lý của nhà nước tại tỉnh Cần Thơ (tháng 7/1996) và tỉnh Hà Tây (tháng 01/1997).
Năm 1997 đặt dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của trợ giúp pháp lý với sự ra đời của các tổ chức trợ giúp pháp lý trong toàn quốc theo Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý của nhà nước bao gồm Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp và Trung tâm trợ giúp pháp lý trực thuộc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Từ chủ trương ban đầu của Đảng về việc nghiên cứu tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo khi tổ chức triển khai thực hiện đã được mở rộng thành trợ giúp pháp lý (bao gồm cả tư vấn pháp luật, đại diện, bào chữa bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự trong tố tụng, đại diện ngoài tố tụng miễn phí) cho cả người nghèo và đối tượng chính sách.
Một bước tiến lịch sử quan trọng trong hoạt động lập pháp về trợ giúp pháp lý, đánh dấu bước chuyển về chất và đưa công tác trợ giúp pháp lý lên một tầm cao mới phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế về quyền con người đó là sự ra đời của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và tiếp đến là Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.

Nhìn lại lịch sử và hình thành phát triển trong 23 năm qua, có thể thấy hệ thống trợ giúp pháp lý đã từng bước được xây dựng, củng cố, vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng để lại những bài học quý giá cho hiện tại và tương lai. Ở bất kỳ giai đoạn nào của sự phát triển, đội ngũ cán bộ, viên chức, người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng luôn nhiệt huyết tham gia thực hiện công tác mang ý nghĩa chính trị, xã hội và tính nhân văn này. Có thể nói, nhìn chung 23 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, các đơn vị trong và ngoài Bộ, các địa phương, Cục Trợ giúp pháp lý cùng với 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã làm tốt nhiệm vụ được giao, đưa hoạt động trợ giúp pháp lý thực sự đi vào đời sống, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo và đối tượng chính sách, thực hiện tốt chính sách nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước, mang lại hiệu quả thiết thực trong xã hội, góp phần đáng kể vào sự phát triển của Ngành Tư pháp, từng bước đem lại niềm tin của nhân dân.
Trong không khí bồi hồi, xúc động, các thế hệ các đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong Cục Trợ giúp pháp lý đã sôi nổi trao đổi, ôn lại những kỷ niệm trong quá trình công tác tại Cục Trợ giúp pháp lý. Qua buổi sinh hoạt Chi bộ, các công chức, viên chức, người lao động của Cục Trợ giúp pháp lý nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện năng lực và đạo đức cách mạng để xây dựng hệ thống trợ giúp pháp lý ngày càng phát triển./.
                                                                                                                                                                                 Thanh Hà
                                                                                                                                                             Chi bộ cơ sở Cục Trợ giúp pháp lý