Đối tượng Trợ giúp pháp lý theo quy định pháp luật một số nước

Do sự khác biệt về chế độ chính trị, tình hình kinh tế - xã hội nên pháp luật mỗi nước đều có những quy định khác nhau về điều kiện, tiêu chuẩn được trợ giúp pháp lý. Bài viết này xin giới thiệu về đặc điểm của đối tượng trợ giúp pháp lý và quy định về vấn đề này ở một số nước:

1. Đặc điểm đối tượng trợ giúp pháp lý

- Thứ nhất, đối tượng trợ giúp pháp lý là những người nghèo, không có hoặc không đủ khả năng tài chính để chi trả cho các dịch vụ pháp lý.Chính vì vậy, khi gặp phải những vấn đề vướng mắc về pháp luật hay khi tham gia tố tụng, họ thường phải chịu thiệt thòi vì không có tiền mời luật sư. Bản thân họ lại không hiểu biết đầy đủ về pháp luật nên không tự bảo vệ được quyền lợi cho mình. Người nghèo là đối tượng trợ giúp phổ biến ở tất cả các nước, thậm chí là đối tượng duy nhất được trợ giúp pháp lý theo pháp luật một số nước như Hà Lan, Nam Phi, Nepal, Singapore, Úc, Bang Ontario (Canada), Nhật.

- Thứ hai, đối tượng trợ giúp pháp lý là những người không có khả năng tự bảo vệnhư người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, người tàn tật, người chưa thành niên, người già, nạn nhân của bạo lực gia đình, người đòi bồi thường trong các vụ án hình sự,... cần có sự trợ giúp về pháp luật. Các nước quy định diện đối tượng này gồm: Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc, Phillipine,...

- Thứ ba, đối tượng trợ giúp pháp lý là những người có vụ việc liên quan đến các cơ quan tiến hành tố tụng như người bị tạm giữ, tạm giam, người bị truy tố theo mức hình phạt chung thân hoặc tử hình,… cần được giúp đỡ để thực hiện quyền của bị can, bị cáo trước các cơ quan tiến hành tố tụng và bảo đảm cho các cơ quan này không lạm dụng quyền hạn để có những xử sự bất lợi cho họ. Các nước quy định đối tượng này gồm Trung Quốc, Lít va, Israel,...

- Thứ tư, đối tượng trợ giúp pháp lý là những người khác thuộc diện được ưu tiênnhư: người tị nạn, công nhân người nước ngoài làm thuê, người dân tộc thiểu số, người tị nạn, người nước ngoài, người không có quốc tịch,… (Slovenia, Lít va, Phillipines, Hà Lan).

Tuy diện người được trợ giúp pháp lý ở các nước có khác nhau nhưng có điểm chung ở tất cả các nước là người nghèo đều thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Theo quy định pháp luật của đa số các nước thì để được trợ giúp pháp lý, đối tượng phải chứng minh được mình thuộc diện được trợ giúp. Chẳng hạn, đối với những người nghèo, họ phải chứng minh được điều kiện kinh tế của họ nằm dưới mức quy định. Một số nước có quy định tổ chức trợ giúp pháp lý phải thực hiện việc xác minh về khả năng kinh tế của đối tượng để biết họ có thuộc diện được trợ giúp pháp lý hay không, một số nước thì .

Về tiêu chí xác định người nghèo, ở mỗi nước đều quy định một mức thu nhập nhất định để làm tiêu chí xác định một người có thuộc diện nghèo hay không. Mức quy định này có thể khác nhau giữa các vùng, miền trong cùng một nước (Ví dụ Trung Quốc, Đài Loan). Ở Mỹ không có quy định chuẩn quốc gia về đói nghèo. Tuy nhiên có hướng dẫn của liên bang, theo hướng dẫn này người nghèo là người được hưởng phúc lợi xã hội bao gồm: trợ cấp nhà ở, thực phẩm… Nhiều bang đã áp dụng hướng dẫn này có tính đến điều kiện cụ thể của bang mình.

2. Đối tượng trợ giúp pháp lý theo quy định pháp luật một số nước

2.1. Trung Quốc

- Trong các vụ án hình sự, những người bị nghi ngờ phạm tội, bị can, bị cáo, nạn nhân và nguyên đơn trong các vụ án mà họ là bên buộc tội là người nghèo là đối tượng được TGPL. Nếu vụ việc được đưa ra tòa bởi công tố viên và bị cáo không có ai bào chữa do khó khăn về kinh tế hoặc nguyên nhân khác, tổ chức TGPL có thể cung cấp TGPL nếu tòa án nhân dân chỉ định người bào chữa cho bị can, bị cáo. Nếu bị cáo bị mù, điếc, câm hoặc là người chưa thành niên không có người bào chữa, hoặc bị cáo bị áp dụng hình phạt tử hình và không có người bào chữa thì trên cơ sở chỉ định của tòa án các tổ chức TGPL có thể thực hiện TGPL cho những đối tượng này không cần xem xét điều kiện kinh tế của bị can, bị cáo .

Trường hợp khi phạm tội bị cáo là người chưa thành niên nhưng khi xét xử đã 19 hoặc 20 tuổi cũng xem xét TGPL với điều kiện người đó kinh tế khó khăn, tính chất vụ việc phức tạp, đối tượng phải có chứng cứ chứng minh quyền lợi của họ bị vi phạm.

- Trong các vụ việc dân sự và hành chính: theo quy định của các luật liên quan và Điều lệ về TGPL (Điều 10), bất cứ công dân nào không có khả năng có luật sư có thể được TGPL trong các trường hợp sau: (1) Yêu cầu Nhà nước bồi thường theo quy định của luật pháp; (2) yêu cầu được hưởng bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp tối thiểu; (3) yêu cầu trợ cấp cho các gia đình hoặc trợ cấp xã hội; (4) yêu cầu chi trả cho việc chăm sóc cha, mẹ, con, chồng, vợ hoặc các đối tượng phụ thuộc khác; (5) yêu cầu trả tiền lương, tiền công; (6) yêu cầu các quyền và lợi ích dân sự phát sinh từ các hành vi nằm ngoài nhiệm vụ của con người; yêu cầu bồi thường do bị thương tại nơi làm việc.

Điều lệ TGPL đã cho phép chính quyền các tỉnh/thành phố/khu tự trị bổ sung phạm vi TGPL và một số tỉnh/thành phố/khu tự trị đã bổ sung các vụ việc như bạo lực gia đình và bồi thường thiệt hại do tại nạn giao thông và tai biến do  dược phẩm trong phạm vi TGPL.

Về điều kiện về tài chính, thực tế cho thấy điều kiện tài chính  tại cấp tỉnh là rất khác nhau nên rất khó quy định phạm vi chung trong cả nước, Điều lệ TGPL (Điều 13) cho phép chính quyền cấp tỉnh xác định phạm vi đối tượng đáp ứng yêu cầu về tài chính trong phạm vi quản lý của mình. Nguyên tắc là công dân có thu nhập nằm dưới mức bảo đảm đảm cho sinh hoạt tối thiểu (hoặc chuẩn nghèo) có thể được TGPL. Trên thực tế, một số tỉnh/thành phố/khu tự trị như Guangdong, phạm vi khó khăn về tài chính được quy định chung như trên để bảo đảm thêm nhiều người được TGPL.

Hiện tại, người được TGPL chủ yếu là công dân Trung Quốc. Tuy nhiên, TGPL bao gồm cả cho người nước ngoài trong các trường hợp cụ thể, đặc biệt là tại khu vực biên giới. Khi bị cáo là người nước ngoài hoặc không quốc tịch không có luật sư và bị đưa ra xét xử trong vụ án hình sự tại Trung Quốc, tòa án nhân dân sẽ gửi vụ việc cho các tổ chức TGPL địa phương để chỉ định luật sư  bào chữa cho bị cáo. Trong vụ việc dân sự, người nước ngoài và người không quốc tịch có thể yêu cầu các dịch vụ TGPL cần thiết và vụ việc của họ phải thuộc phạm vi của chương trình TGPL căn cứ vào các luật, quy định có liên quan và hiệp định tương trợ tư pháp giữa Trung Quốc với các nước.

2.2. Hungary

- Là công dân Hungary;

- Người có yêu cầu trợ giúp pháp lý liên quan đến việc xin thị thực, xin phép cư trú hoặc thường trú hoặc xin nhập quốc tịch nếu tổ tiên của những đối tượng đó là hoặc trước đây đã là công dân Hungary. Ngoài ra, nếu đối tượng trợ giúp pháp lý tham gia vào thủ tục hồi hương hoặc tị nạn.

- Người cần trợ giúp pháp lý không phải là công dân Hungary và quốc gia của họ đã ký hiệp định quốc tế về trợ giúp pháp lý với Hungary hoặc theo nguyên tắc có đi có lại giữa quốc gia của đối tượng trợ giúp pháp lý đó với Hungary

- Người có quyền tự do đi lại và cư trú theo luật nhập cư (công dân của các nước thành viên EU, EFTA)

- Công dân nước ngoài cư trú tại Hungary

- Đối tượng được phép cư trú vì lý do nhân đạo.

Điều kiện về tài chính và điều kiện khác:

Một trong những điều kiện để nhận được trợ giúp pháp lý đó là đối tượng trợ giúp pháp lý phải nằm trong diện khó khăn về mặt tài chính. Theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý Hungary thì đối tượng mà có thu nhập thực hàng tháng (lương, trợ cấp hoặc các khoản trợ cấp tiền mặt thường xuyên khác) dưới mức trợ cấp hưu trí tối thiểu thì được nhà nước chi trả phí trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, Luật trợ giúp pháp lý tự động coi một số đối tượng là nghèo khó mà họ không cần phải chứng minh tình hình tài chính của mình là dưới ngưỡng theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, trợ giúp pháp lý theo hình thức thanh toán chậm (nhà nước chi trả phí trợ giúp pháp lý trước) cũng áp dụng với những người mà tình hình tài chính của họ chỉ khá hơn mức đói nghèo một chút.

Luật trợ giúp pháp lý đặt ra những tiêu chuẩn kỹ lưỡng cho việc thẩm tra và quyết định mức độ đói nghèo. Thẩm tra xác định mức độ đói nghèo để đủ điều kiện hưởng trợ giúp pháp lý đầy đủ trong trường hợp nhà nước chi trả toàn bộ chi phí trợ giúp pháp lý như sau:

- Thu nhập bình quân đầu người hàng tháng trong gia đình của đối tượng trợ giúp pháp lý dưới mức trợ cấp tối thiểu dành cho người già và người đó không có tài sản cần thiết đảm bảo cuộc sống thông thường.

- Đối với những người độc thân, thu nhập thực hàng tháng dưới 150% của trợ cấp tối thiểu dành cho người già.

- Đối với nạn nhận của tội phạm, nếu thu nhập của họ dưới 86% của tổng lương trung bình hàng tháng

Một số đối tượng tự động được coi là đói nghèo và nhà nước sẽ chi trả chi phí trợ giúp pháp lý mà không cần đánh giá tình hình tài chính của họ (đương nhiên đói nghèo, Điều 5 Luật trợ giúp pháp lý):

- Người nhận trợ cấp xã hội thường xuyên

- Người nhận được chăm sóc sức khỏe công cộng miễn phí

- Người vô gia cư

- Người tị nạn, người được cung cấp bảo vệ tạm thời hoặc phụ thuộc, các đương đơn xin tị nạn

- Các vấn đề liên quan đến thị thực, giấy phép cư trú và nhập tịch, người có tổ tiên là công dân Hungary

- Những người chăm sóc trẻ em nhận được trợ cấp bảo vệ trẻ em thường xuyên.

Để có thêm sự linh hoạt trong việc xem xét mức độ đói nghèo, Luật trợ giúp pháp lý cho phép các cơ quan trợ giúp pháp lý xác nhận một người thuộc diện đói nghèo nếu thu nhập của người đó vượt ngưỡng nhưng vì những hoàn cảnh khác (ví dụ người khuyết tật, bệnh nhân) khiến cho họ không thể có được trợ giúp pháp lý trên thị trường sử dụng dịch pháp lý có thu.

2.3. Bỉ

Những người sau đây mà vụ việc có căn cứ thắng kiện và có thể chứng minh thu nhập không đủ sẽ được trợ giúp pháp lý:

- Người có quốc tịch Bỉ;

- Người nước ngoài theo quy định các điều ước quốc tế;

- Công dân các nước thành viên Cộng đồng Châu Âu;

- Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Bỉ;

- Người nước ngoài tham gia tố tụng theo quy định tại Luật về tiếp cận lãnh thổ, nơi cư trú.

3.3. Nhật Bản

Cơ quan dịch vụ pháp lý Nhật Bản thực hiện trợ giúp pháp lý dân sự cho những người không có khả năng thuê luật sư. Công dân Nhật Bản và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Nhật có quyền được nhận trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực dân sự. Trong lĩnh vực hình sự cơ quan dịch vụ pháp lý Nhật Bản thực hiện trợ giúp pháp lý cho cả người bị tình nghi và bị đơn. Nếu một người bị kết tội hoặc bị giam giữ để điều tra hình sự mà không thể thuê luật sư do có khó khăn về tài chính thì tòa án sẽ chỉ định luật sư bào chữa cho họ (luật sư bào chữa chỉ định tại tòa án).

2.4. Slovenia     

Trợ giúp pháp lý sẽ cung cấp cho đối tượng sau nếu họ chứng minh được rằng khả năng tài chính của họ và gia đình họ không thể đáp ứng chi phí theo kiện, bao gồm:

- Công dân nước Cộng hoà Slovenia cư trú thường xuyên ở trong nước;

- Người nước ngoài có giấy phép cư trú lâu dài hoặc tạm thời ở Slovenia, người không có quốc tịch đang cư trú hợp pháp tại Slovenia;

- Người nước ngoài khác đáp ứng điều kiện có đi có lại hoặc các điều kiện và hoàn cảnh nêu tại các Điều ước quốc tế mà Slovenia tham gia;

- Các hiệp hội và tổ chức phi Chính phủ hoạt động vì lợi ích công, có đăng ký hợp pháp về việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến các hoạt động công ích hoặc các hoạt động nêu tại tôn chỉ hoạt động của hiệp hội, tổ chức đó (không phụ thuộc vào khả năng tài chính);

- Các đối tượng khác mà luật hoặc các Điều ước quốc tế do Slovenia ký kết quy định họ đủ tiêu chuẩn hưởng trợ giúp pháp lý.

Phan hà