Như mọi ngày tôi đến cơ quan lúc 13h20’, từ xa đã nhìn thấy hai người đứng cạnh chiếc xe Win cũ ở trước cổng. Người yêu cầu trợ giúp pháp lý lần này là một bà cụ dân tộc Mông xấp xỉ bằng tuổi bà tôi, bà không biết tiếng phổ thông và cũng không biết đi xe máy nên mỗi lần xuống trung tâm thị trấn đều phải nhờ con trai đưa đi. Bắt đầu cuộc trò chuyện để tìm hiểu vụ việc tôi và người được trợ giúp pháp lý gặp phải một vấn đề khi bà cụ là người già không nghe nói được nhiều tiếng phổ thông, câu chuyện lại đứt quảng bởi tiếng nấc nghẹn của bà. Kiên trì lắng nghe bà trình bày để hiểu rõ vụ việc và cũng là chia sẻ để bà vơi đi nổi niềm. Bà trình bày rằng: Bà và chồng làm lễ cưới và về chung sống với nhau từ năm 1968 do tình hình của đất nước lúc bấy giờ nên vợ chồng bà chỉ làm lễ theo phong tục được người dân làng xóm chứng kiến chứ không đăng ký kết hôn. Những tưởng hai vợ chồng đã vượt qua bao khó khăn thử thách sẽ có được một cuộc sống nương tựa nhau lúc về già nhưng thật chớ trêu thay chồng bà đã đưa một người phụ nữ khác về làm vợ hai, không muốn người trong làng nói ra nói vào, để cho những đứa con của mình có một gia đình thật trọn vẹn không muốn những đứa con của mình phải gồng gánh thêm cả người mẹ già khi cuộc sống của chúng còn đang khó khăn vất vả vì vậy bà ngậm ngùi chịu cảnh chồng chung. Sức chịu đựng đã không còn khi bà bị đuổi ra khỏi nhà phải với hai bàn tay trắng phải đến sống với người con gái và những đứa con của mình bị chính bố đẻ đòi lại đất mà trước đó đã chia cho chúng. Bà đã làm đơn đến Ủy ban nhân dân xã nhưng quyền lợi của mình không được bảo vệ, bà lại tiếp tục chịu sự đe dọa, đánh đập của người mà bà gọi là “ chồng”. Bà nói rằng nhiều lúc bà đã muốn buông xuôi, bà đã nghĩ quẩn vì không biết ai sẽ giúp mình, ai sẽ bảo vệ cho người “đàn bà” đến chồng còn ức hiếp. Thế rồi, trong câu chuyện với những người hàng xóm và bà biết đến trợ giúp pháp lý. Bà nói trong nghèn ngào: “Họ thấy thương tôi quá nên họ mách, cô ơi có cách gì không cô? Tôi không biết làm thế nào, nó lấy hết đất của con tôi mất,hay cô giúp tôi ly hôn ”.
Nghe câu chuyện của bà tôi ngỡ ngàng khi biết bây giờ còn những người phụ nữ chịu cảnh chồng chung và chịu cảnh đó trong ngần ấy năm. Trong khi những người bằng tuổi, họ đang được quây quần bên con cháu an dưỡng tuổi già thì bà lại phải quyết tâm làm điều mình không mong muốn nhất đó là “Ly hôn”. Câu chuyện của bà khiến tôi trăn trở, cũng chỉ vì hủ tục “bắt vợ”, muốn có người làm nương thì lấy thêm vợ… mà không cần đến quy định pháp luật mới có nhiều hệ lụy và bà cụ mà tôi đang trợ giúp pháp lý là một điển hình. Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 2, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã thụ lý để tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho bà trên tâm thế là người thực hiện chức trách Nhà nước phân công và cảm thông với hoàn cảnh của bà cụ cũng như mong muốn thông qua vụ việc để góp phần đẩy lùi những hủ tục còn tồn tại trong cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số. Trước mắt, Chi nhánh tư vấn các quy định của pháp luật vầ Hôn nhân và gia đình, chuẩn bị các điều kiện khởi kiện như xác nhận tình trạng sống chung như vợ chồng tại UBND cấp xã, chuẩn bị hồ sơ khởi kiện… Để khi khởi kiện tại tòa án, Trung tâm trợ giúp pháp lý tiếp tục cử người thực hiện trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bà cụ.
Qua việc hỗ trợ pháp lý cho bà cụ người H Mông cũng cho tôi những cảm xúc về nghề nghiệp, chúng tôi làm việc tại Chi nhánh thường xuyên tiếp xúc với người dân tộc thiểu số vùng cao, họ vừa nghèo về kinh tế, lại vừa “nghèo” về kiến thức pháp luật. Đến với Chi nhánh trợ giúp pháp lý là họ đến với chỗ dựa pháp lý. Trách nhiệm của chúng tôi là làm sao để dân tin tưởng vào sự đúng đắn, nghiêm minh của pháp luật và cũng để khẳng định “Trợ giúp pháp lý luôn luôn đi cùng dân”./.
Bùi Thị Thùy – Chi nhánh TGPL số 2 huyện Mường Chà
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Điện Biên