Tham dự buổi Lễ có Bộ trưởng Lê Thành Long, nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường và các Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Trần Tiến Dũng, nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cùng đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các đơn vị thuộc Bộ và đông đảo cán bộ, công chức, người lao động Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL).
20 năm vì người nghèo
Trong diễn văn khai mạc buổi Lễ, Cục trưởng Cục TGPL Nguyễn Thị Minh khẳng định, 20 năm xây dựng và phát triển là chặng đường đầy gian khó để TGPL xác định cho mình một chỗ đứng, một vị thế, phản ánh đúng vị trí, vai trò, đồng thời phát huy hiệu quả của TGPL trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật cho người nghèo, đối tượng chính sách và người yếu thế trong xã hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Trong quãng thời gian đó, sự hình thành và phát triển chế định TGPL luôn gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của ngành Tư pháp, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu từ thực tiễn đặt ra trong từng giai đoạn.
Trước năm 1997, ở Việt Nam chưa có văn bản pháp luật riêng quy định về hoạt động TGPL miễn phí nhưng đã xuất hiện hoạt động dịch vụ pháp lý miễn phí gắn liền với hoạt động của luật sư và của các cán bộ, công chức nhà nước trong cơ quan tư pháp. Giai đoạn năm 1997 đến trước năm 2006 được đánh dấu bằng sự kiện hình thành của tổ chức TGPL của Nhà nước (Nghị quyết số 03-NQ/HNTW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII). Thực hiện chủ trương này, ngày 6/9/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 734/TTg thành lập tổ chức TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách. Theo đó, Cục TGPL thuộc Bộ Tư pháp và Trung tâm TGPL trực thuộc Sở Tư pháp cấp tỉnh được thành lập.
Đến ngày 29/6/2006, Quốc hội đã thông qua Luật TGPL, là một bước tiến lịch sử quan trọng trong hoạt động lập pháp về quyền con người nói chung và về TGPL nói riêng, tạo ra bước đột phá lớn về mặt thể chế, nâng tầm một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ lên thành Luật mà không cần trải qua bước Nghị định, Pháp lệnh. Gần đây, đứng trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, nhiều đạo luật quan trọng mới được Quốc hội ban hành, yêu cầu tăng cường cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và không còn nguồn hỗ trợ kinh phí từ các dự án hợp tác quốc tế đã đặt ra yêu cầu đổi mới công tác TGPL.
Trong bối cảnh này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án đổi mới công tác TGPL ở Việt Nam giai đoạn 2015 – 2025. Theo đó, đã chuyển trọng tâm hoạt động TGPL từ chiều rộng sang chiều sâu, đòi hỏi chú trọng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng, nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL, tăng cường truyền thông về TGPL một cách thực chất hơn để người dân biết và tiếp cận, sử dụng dịch vụ TGPL. Nhiều nội dung đổi mới được thể chế hóa trong Luật TGPL năm 2017 mà Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp vừa qua.
Phát huy những kết quả đạt được, đồng thời nhận thức sâu sắc yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Cục trưởng Nguyễn Thị Minh cho biết, cán bộ, công chức, viên chức TGPL sẽ quyết tâm không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ tư pháp theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kế tục sự nghiệp vẻ vang của các thế hệ đi trước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Địa chỉ tin cậy của người dân khi có vướng mắc pháp luật
Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong công tác TGPL, Nhà nước, Chính phủ đã tặng nhiều phần thưởng cao quý và nhiều danh hiệu thi đua. Đặc biệt, tại buổi Lễ kỷ niệm, Cục TGPL tiếp tục vinh dự và tự hào đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân của Cục TGPL và địa phương.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác TGPL và biểu dương những thành tích đạt được cả về thể chế lẫn tổ chức thi hành trong công tác này suốt 20 năm qua. Trong đó, mới nhất là Bộ Tư pháp giúp Chính phủ chuẩn bị và trình Quốc hội thông qua Luật TGPL (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. Luật có nhiều quy định mới, giao cho Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mang ý nghĩa cao cả này. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức với cơ quan quản lý và đội ngũ thực hiện TGPL.
Cảm ơn sự phối hợp, chung tay của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cá nhân có liên quan trong thực hiện công tác TGPL, thể hiện bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta giúp đỡ người nghèo và các đối tượng chính sách, Bộ trưởng nhấn mạnh Lễ kỷ niệm là khởi đầu cho chặng đường mới phía trước, trong đó có việc triển khai có hiệu quả Luật TGPL năm 2017. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị tập trung nguồn lực thực hiện đúng định hướng, đầy đủ các quy định mới của Luật TGPL ngay từ đầu, ưu tiên nguồn lực thực hiện TGPL trong vụ việc tố tụng, điển hình. Với Cục TGPL, Bộ trưởng yêu cầu tham mưu cho Bộ, phối hợp cùng các bộ, ngành nhanh chóng xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản triển khai Luật; tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật và hoạt động TGPL cho các đối tượng có liên quan.
Về phía Sở Tư pháp, theo Bộ trưởng, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, cần chủ động tham mưu UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành một cách thực chất, bài bản, chất lượng, ưu tiên bố trí ngân sách từ ngân sách cân đối hàng năm cho hoạt động TGPL để hỗ trợ thực hiện vụ việc TGPL phức tạp, điển hình; chủ động tham mưu giúp UBND cấp tỉnh triển khai các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền để tổ chức thi hành có hiệu quả Luật TGPL tại địa phương. Các Trung tâm TGPL Nhà nước thì phải tham mưu cho Sở Tư pháp khẩn trương rà soát đội ngũ trợ giúp viên pháp lý hiện có nhằm đáp ứng các điều kiện mới của Luật, đồng thời các trợ giúp viên pháp lý cần nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo chất lượng TGPL.
Bộ trưởng tin tưởng, với sự tiếp tục quan tâm của Đảng và Nhà nước, những cố gắng tích cực của ngành Tư pháp, sự phối hợp của các bộ, ngành, tổ chức và địa phương, công tác TGPL cho người nghèo, đối tượng chính sách sẽ ngày càng đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu TGPL của người dân, là địa chỉ tin cậy cho những cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khi vướng mắc về pháp luật.