Nhìn lại 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam về hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư

Để tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam trong quản lý luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) nhằm cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời, bảo đảm chất lượng cho người được TGPL, Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam đã ban hành Quy chế phối hợp số 4617/QCPH/BTP-LĐLSVN ngày 28/12/2016 về hoạt động TGPL của luật sư (sau đây gọi là Quy chế). Sau 01 năm thực hiện, qua báo cáo của các Trung tâm, việc triển khai Quy chế đã đạt được một số kết quả sau đây:

1. Việc ban hành Quy chế phối hợp tại địa phương
Trên cơ sở Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đến nay đã có 17 tỉnh/thành phố ban hành quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp hoặc Trung tâm TGPL nhà nước với Đoàn luật sư, như: Bến Tre, Cao Bằng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hòa Bình, Lào Cai, Long An, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang. Một số tỉnh, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm chủ động xây dựng Quy chế gửi Đoàn Luật sư để phối hợp ban hành (ví dụ Nghệ An). Đối với các tỉnh, thành phố chưa ban hành Quy chế, các Trung tâm đã có sự chủ động, tích cực phối hợp với Đoàn luật sư trong việc thực hiện TGPL, ví dụ giới thiệu vụ việc hoặc vụ việc TGPL, cung cấp thông tin, tập huấn kỹ năng...
2. Thực tiễn triển khai các hoạt động phối hợp theo Quy chế
Là đơn vị đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện Quy chế, ngay sau khi Quy chế được ban hành, Cục TGPL đã tổ chức phổ biến, triển khai Quy chế đến các Sở Tư pháp, Trung tâm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bên cạnh đó, Cục TGPL thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các Trung tâm trong việc thực hiện Quy chế, kịp thời hướng dẫn khi có khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện thông qua các hình thức như: yêu cầu các Trung tâm báo cáo trong các báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác TGPL hoặc thông qua các đợt kiểm tra tổ chức và hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước...
Trong năm 2016 - 2017, Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam đã  phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện một số nội dung. Trong đó, đáng chú ý là việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về TGPL liên quan đến luật sư. Ví dụ, trong quá trình xây dựng Luật TGPL năm 2017 và các văn bản triển khai Luật TGPL như dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL, dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động TGPL, Bộ Tư pháp đã mời đại diện Liên đoàn luật sư Việt Nam, đại diện Đoàn luật sư một số tỉnh, thành phố tham gia Ban Soạn thảo, Tổ biên tập, các hội thảo, tọa đàm… trao đổi, góp ý dự thảo văn bản. Đồng thời, Bộ Tư pháp đã gửi dự thảo các văn bản trên để lấy ý kiến của Liên đoàn luật sư Việt Nam. Đặc biệt, dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động TGPL có nội dung liên quan đến việc lựa chọn, ký hợp đồng với luật sư, cộng tác viên TGPL, tổ chức hành nghề luật sư, việc đăng ký tham gia TGPL của các tổ chức hành nghề luật sư – đã được Cục trợ giúp pháp lý gửi lấy ý kiến của 63 Đoàn luật sư tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Các ý kiến góp ý của Liên đoàn luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư và cá nhân luật sư đã được Cục TGPL nghiên cứu kỹ để tiếp thu hoặc giải trình nhằm hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với các hoạt động khác như thông tin, truyền thông về TGPL, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, Cục TGPL đã phối hợp với Ủy ban Xây dựng pháp luật và TGPL của Liên đoàn trong việc thực hiện các hoạt động này; ví dụ, tổ chức một số hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về những điểm mới của Luật TGPL 2017, tổ chức các Hội nghị triển khai Luật (tại Hà Nội và Hồ Chí Minh); tổ chức 07 lớp tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng tham gia tố tụng cho người thực hiện TGPL, có sự tham gia của đại diện Liên đoàn Luật sư hoặc mời luật sư tham gia làm giảng viên các lớp tập huấn.
3. Đánh giá chung
Quy chế đã tạo cơ sở cho việc triển khai thực hiện các hoạt động phối hợp toàn diện và thực chất hơn giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam trong hoạt động TGPL của luật sư. Qua 01 năm triển khai thực hiện, nhiều nội dung của Quy chế đã được các Bên tổ chức triển khai thực hiện tốt, đặc biệt trong việc xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động TGPL của luật sư, công tác thông tin, truyền thông, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ TGPL; thực hiện vụ việc TGPL (ví dụ theo báo cáo của Trung tâm Đà Nẵng, trong số 25 vụ việc tố tụng được đánh giá hoàn thành tốt thì có đến 21 vụ do luật sư thực hiện).[1]
Tuy nhiên, qua phản ánh của một số địa phương, bên cạnh những kết quả đạt được như trên, việc triển khai thực hiện Quy chế vẫn còn một số hạn chế như: Một số địa phương chưa thật quan tâm đầy đủ tới công tác phối hợp này; vẫn còn nhiều địa phương chưa ban hành Quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp hoặc Trung tâm với Đoàn luật sư trong công tác TGPL; một số địa phương đã ban hành Quy chế nhưng việc thực hiện phối hợp chưa thật chặt chẽ, chưa hiệu quả trên thực tế; số lượng vụ việc giới thiệu còn hạn chế; luật sư và tổ chức hành nghề luật sư ở một số địa phương chưa thật tích cực tham gia TGPL (hiện tại, còn 30 tỉnh chưa có tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia TGPL; một số tỉnh có rất ít hoặc không có luật sư tham gia TGPL như Lai Châu, Kon Tum; có địa phương, vụ việc TGPL do luật sư thực hiện được đánh giá là không đạt chất lượng).
4. Phương hướng thực hiện trong thời gian tới
a) Đối với Bộ Tư pháp    
- Tiếp tục chủ động thực hiện các nội dung phối hợp một cách toàn diện, thực chất; trong đó chú trọng vào việc hoàn thiện chính sách pháp luật và thi hành văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp trong việc thực hiện công tác TGPL, đánh giá chất lượng TGPL và tôn vinh các tô chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, có nhiều đóng góp cho công tác TGPL;
- Tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Sở Tư pháp và Trung tâm trong việc thực hiện Quy chế, kịp thời có hướng dẫn địa phương khi có khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Quy chế;
b) Đối với Liên đoàn luật sư Việt Nam
-  Tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện các nội dung hoạt động theo Quy chế; đặc biệt là việc phối hợp trong việc giới thiệu và thực hiện công tác TGPL, đánh giá chất lượng TGPL; thống kê báo cáo số liệu về TGPL; ghi nhận, tôn vinh các tổ chức, cá nhân luật sư có thành tích xuất sắc, có nhiều đóng góp cho công tác TGPL.
- Tiếp tục theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn các Đoàn luật sư và luật sư thực hiện Quy chế; đôn đốc, nhắc nhở các Đoàn luật sư phối hợp với Sở Tư pháp hoặc Trung tâm trong việc ban hành Quy chế phối hợp tại địa phương.
c) Đối với các Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, luật sư
- Quán triệt, đổi mới tư tưởng, nhận thức về công tác TGPL theo quy định của Luật TGPL năm 2017;
- Tích cực triển khai các hoạt động phối hợp trong công tác TGPL theo Quy chế phối hợp và các văn bản có liên quan.
- Tích cực tham gia thực hiện TGPL, giới thiệu vụ việc TGPL, tham gia đánh giá chất lượng TGPL, truyền thông về TGPL theo quy định; có nhiều đóng góp hơn nữa cho công tác TGPL.
 
                                                                                    Lê Thúy

[1] Báo cáo số 131/BC-TGPL ngày 14/11/2017 của Trung tâm Đà Nẵng