Sự cần thiết của Trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng dân sự

Chức danh Trợ giúp viên pháp lý được ghi nhận lần đầu tiên tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011 với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Ngày 25/11/2015, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) gồm 42 chương, 517 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 tiếp tục ghi nhận tư cách Trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Đồng thời, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã bổ sung trách nhiệm của Nhà nước, của Thẩm phán bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý của người thuộc diện được trợ giúp pháp lý (Điều 9, Điều 48, Điều 75). Có thể nói rằng, Trợ giúp viên pháp lý có vị trí, vai trò quan trọng và cần thiết trong tố tụng dân sự (TTDS), đảm bảo quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong tố tụng của đương sự, nhất là đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn về tài chính.

1. Sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý góp phần bảo đảm quyền con người trong tố tụng dân sự
Trên thế giới, bảo đảm quyền con người trong TTDS đã được ghi nhận, đề cập tại Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người và các Công ước quốc tế về quyền con người và một số Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Tại Việt Nam, Hiến pháp và BLTTDS là nguồn cơ bản để bảo đảm quyền con người trong TTDS, thông qua việc quy định các nguyên tắc cơ bản của TTDS, các quyền cơ bản của đương sự, thẩm quyền và điều kiện đảm bảo việc thực hiện các quyền của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng cũng như trách nhiệm của người tiến hành tố tụng trong việc đảm bảo quyền của đương sự và những người có liên quan trong TTDS; các quyền cơ bản của người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, phiên dịch v.v...
Mặc dù mối quan hệ TTDS mang tính chất đa dạng về chủ thể, đa dạng về quyền lợi nhưng phải tuân theo một quy trình, thủ tục tố tụng nhất định. Nếu quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp mang tính tùy tiện, thiếu khách quan và công minh thì quyền con người trong TTDS sẽ bị xâm phạm, việc giải quyết tranh chấp về dân sự cho công dân sẽ không trở thành công cụ để bảo vệ quyền con người.
Như vậy, bảo đảm quyền con người trong TTDS đòi hỏi phải được xem xét trong tổng thể quyền dân sự của con người, gắn với toàn bộ quá trình TTDS: Từ giai đoạn khởi kiện, thụ lý đến giai đoạn xét xử, ra quyết định xét xử, ra bản án và thi hành án dân sự. Quyền con người trong TTDS đã và đang được cụ thể hóa trong văn bản quy phạm pháp luật mà điển hình là BLTTDS Việt Nam. Năm 2004, BLTTDS được ban hành và đến các năm 2011 và năm 2015 BLTTDS tiếp tục được tiến hành sửa đổi, bổ sung để làm hoàn thiện và sâu sắc hơn cơ chế bảo vệ quyền con người trong TTDS. Để đảm bảo quyền con người trong TTDS đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người có hoàn cảnh đặc biệt, nhóm người này cần được hưởng dịch vụ TGPL đầy đủ, họ có quyền được TGPL. Vì vậy, chế định TGPL ngày càng cần được ghi nhận trong TTDS, góp phần bảo đảm quyền con người như: nguyên tắc bảo đảm TGPL, tư cách Trợ giúp viên pháp lý trong quá trình tố tụng, trách nhiệm của Thẩm phán trong việc đảm bảo quyền TGPL… 
Bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong TTDS là vấn đề có ý nghĩa quan trọng về chính trị, xã hội trong điều kiện hiện nay. BLTTDS đã có nhiều quy định để bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân của đương sự trong giải quyết việc dân sự, trong đó ghi nhận Trợ giúp viên pháp lý với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và ghi nhận trợ giúp pháp lý  trong các nguyên tắc TTDS.
2. Sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý góp phần bảo đảm yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền
Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Với ý nghĩa đó, tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp được đổi mới phải mang đầy đủ bản chất và những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Về bản chất, Nhà nước pháp quyền là một Nhà nước dân chủ, Nhà nước tôn trọng, đề cao, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân. Trong Nhà nước pháp quyền, hệ thống các cơ quan tư pháp là công cụ hữu hiệu để bảo vệ các quyền và tự do của nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất những biểu hiện xâm phạm quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp năm 2013 khẳng định rõ nhiệm vụ hàng đầu của Tòa án là bảo vệ công lý, quyền con người. Nhà nước pháp quyền bảo đảm địa vị thống trị của pháp luật trong đời sống xã hội hay Nhà nước quản lý mọi mặt đời sống xã hội chủ yếu bằng pháp luật, bởi pháp luật có giá trị xã hội to lớn, mang tính phổ biến, tính chuẩn mực, tính ổn định, tính bắt buộc chung và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Chức năng của Nhà nước pháp quyền là phải xây dựng một hệ thống pháp luật thống nhất, toàn diện, đồng bộ vì con người, cho con người. Nhà nước pháp quyền được xây dựng trên nền tảng tư tưởng pháp lý tiến bộ, vì quyền con người: công bằng, nhân đạo, dân chủ. Nhà nước pháp quyền là Nhà nước dân chủ, Nhà nước thượng tôn pháp luật, bảo đảm cho mọi công dân đều có quyền tự do, bình đẳng tham gia quản lý đất nước và giám sát, kiểm tra mọi hoạt động của cơ quan nhà nước.
Xuất phát từ những đòi hỏi của việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, thực hiện cải cách tư pháp, và việc đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao đối với việc nâng cao khả năng phục vụ nhân dân, hoạt động TGPL  góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đây cũng là yêu cầu mà Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ, cần hướng tới mục tiêu đẩy mạnh hoạt động TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách theo hướng xã hội hóa, đồng thời cũng thực hiện nhiệm vụ của cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Hoạt động TGPL nói chung và đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý nói riêng đang dần thể hiện được vị trí, vai trò của mình trong việc giúp đỡ pháp lý cho đông đảo người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng khác, nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý thực hiện chức năng của mình cũng là một biện pháp để thực hiện nguyên tắc pháp định “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” và “Nhà nước bảo đảm các quyền của công dân”. Hoạt động của Trợ giúp viên pháp lý đã góp phần hỗ trợ hoạt động tư pháp để vụ việc được xét xử chính xác, khách quan, công bằng và đúng pháp luật; trong nhiều trường hợp đã giúp các cơ quan Nhà nước xem xét lại những bất cập trong giải quyết vụ việc của dân, từ đó có những tác động tích cực đến đời sống pháp luật của xã hội, góp phần làm cho vai trò của pháp luật được phát huy, thực sự là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giảm bớt khiếu kiện không cần thiết, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
3. Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng góp phần bảo đảm thực hiện các nguyên tắc cơ bản của pháp luật TTDS Việt Nam
Các nguyên tắc của TTDS là những tư tưởng pháp lý chỉ đạo, định hướng cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật tố tụng và được ghi nhận trong các văn bản pháp luật TTDS. Việc thực hiện đúng các nguyên tắc của pháp luật TTDS tạo điều kiện cho việc giải quyết vụ án dân sự được thuận lợi, ngăn chặn được những tiêu cực nảy sinh trong quá trình tố tụng, bảo đảm cho đương sự có thể bảo vệ được quyền, lợi ích của họ trước Tòa án. Trợ giúp viên pháp lý với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhóm người yếu thế trong xã hội góp phần bảo đảm thực hiện các nguyên tắc cơ bản của pháp luật TTDS Việt Nam.
Thứ nhất, Trợ giúp viên pháp lý góp phần bảo đảm nguyên tắc “quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự”
“Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm” là nguyên tắc được ghi nhận tại Điều 103 Hiến pháp năm 2013. Có thể nói quyền được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là một trong những quyền dân sự, quyền cơ bản không thể thiếu của công dân và đã được ghi nhận trong nguyên tắc của pháp luật dân sự. Việc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật TTDS.
Để bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì đương sự phải thực hiện được các quyền, nghĩa vụ TTDS của họ. Vì vậy, đương sự có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ luật sư hay người khác có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, tố tụng nói chung và TTDS nói riêng là một quá trình phức tạp, nên đương sự có thể nhờ (yêu cầu) người khác tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Người này có thể là luật sư hoặc người khác là công dân Việt Nam (trong đó có Trợ giúp viên pháp lý) làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người được đương sự nhờ và được Tòa án chấp nhận tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Đối với người nghèo, người yếu thế (có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt trong xã hội) thì để thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình tố tụng không phải là một việc dễ dàng. Với tư cách là người thực hiện TGPL nòng cốt, Trợ giúp viên pháp lý tham gia TTDS với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự là các đối tượng thuộc diện TGPL không những có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự là người có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt trước tòa án mà còn có ý nghĩa cả đối với việc giải quyết vụ việc dân sự của tòa án. Vì vậy, Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhóm người này là cần thiết và cần được ghi nhận.
Thứ hai, Trợ giúp viên pháp lý góp phần bảo đảm nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử”
“Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” là nguyên tắc Hiến định và cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật TTDS. Để bảo đảm quyền con người trong TTDS, một trong những biện pháp cần thiết là phải bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong TTDS.
Tranh tụng trong TTDS là quá trình diễn ra liên tục từ khi nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình cho đến khi tòa án ra quyết định giải quyết vụ án dân sự, theo đó, các bên đương sự được đưa ra chứng cứ, trao đổi chứng cứ, lý lẽ, căn cứ pháp lý để chứng minh, biện luận cho yêu cầu của mình; phản bác yêu cầu đối lập trước Tòa án theo những trình tự, thủ tục do pháp luật TTDS quy định. Tòa án ra phán quyết vụ án dân sự căn cứ vào kết quả tranh tụng của các chủ thể tranh tụng.[35]
Chủ thể tranh tụng trong TTDS bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Vì các bên tham gia tranh tụng trong TTDS là đương sự trong vụ án dân sự, trong rất nhiều trường hợp họ là những người không am hiểu nhiều về pháp luật do vậy chất lượng tranh tụng sẽ được tốt hơn khi các bên đương sự có người bảo vệ quyền và lợi ích của mình tham gia tố tụng. Đặc biệt, đương sự là người nghèo, người khuyết tật, trẻ em..những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt trong xã hội thì việc có Trợ giúp viên pháp lý làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ (miễn phí) mà một điều cần thiết để đảm bảo tranh tụng.
Thứ ba, Trợ giúp viên pháp lý trong việc bảo đảm nguyên tắc “cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự”
Trong TTDS, hai bên có lợi ích đối lập nhau nhưng bình đẳng nhau về địa vị pháp lý. Khi có tranh chấp với nhau trong một mối quan hệ pháp luật, các bên đều có quyền đưa ra quan điểm, luận điểm của mình và đều phải có chứng cứ để chứng minh cho quan điểm, luận điểm đó. Để mở rộng nguyên tắc tự định đoạt của đương sự cũng như tăng cường yếu tố tranh tụng trong TTDS, nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong TTDS là một trong những nguyên tắc quan trọng.
Để thực hiện việc cung cấp chứng cứ và chứng minh trước tòa, đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Như vậy, mỗi bên đương sự có nghĩa vụ chứng minh những luận điểm mình đưa ra để yêu cầu hoặc phản đối. Đương sự có nghĩa vụ chứng minh nên khi không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ đó. Hậu quả đó có thể là yêu cầu hoặc phản đối yêu cầu mà đương sự đưa ra không được Toà án chấp nhận hoặc chỉ được Toà án chấp nhận một phần…Chứng cứ là mấu chốt để làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp. Vì vậy, Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ nếu việc đó là cần thiết và cần theo thủ tục của pháp luật.
  Trong việc thu thập chứng cứ, Trợ giúp viên pháp lý với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, có trách nhiệm thu thập chứng cứ và chứng minh quan điểm bảo vệ cho đương sự của mình trước tòa. Trợ giúp viên pháp lý có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định. Trợ giúp viên pháp lý có quyền được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập (trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai). Sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý trong việc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự  góp phần đảm bảo sự thật khách quan của vụ án, giúp Tòa án giải quyết vụ án được chính xác, công bằng hơn.
Thanh Hà