hiện ngay từ khi thành lập tổ chức TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách theo Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Nhằm thể chế hóa chính sách xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, Luật TGPL năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định xã hội hóa hoạt động TGPL trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện, tổ chức thực hiện TGPL và huy động sự tham gia thực hiện, đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân cho hoạt động TGPL. Đến nay, xã hội hóa hoạt động TGPL tiếp tục được thể chế hóa trong Luật TGPL năm 2017 có kế thừa, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện hiện nay đồng thời khắc phục các hạn chế, bất cập về XHH hoạt động TGPL trong thời gian qua.
Xã hội hóa các dịch vụ công hiện nay được thực hiện theo hai cách thức cơ bản, đó là: (1) Nhà nước huy động sự tham gia của các nguồn lực (nhân lực, tài lực) thuộc khu vực ngoài nhà nước vào cung ứng dịch vụ; (2) Nhà nước từng bước chuyển giao dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước thực hiện. Tuy nhiên, lựa chọn cách thức nào là do khả năng tham gia của xã hội quyết định mà khả năng đó phụ thuộc chủ yếu vào các điều kiện kinh tế - xã hội khách quan ở từng giai đoạn phát triển, không thể tuỳ thuộc vào ý muốn chủ quan của nhà nước.
Từ đó, xuất phát từ đặc thù hoạt động trợ giúp pháp lý là hoàn toàn miễn phí đối với người thụ hưởng, người thực hiện không được nhận bất kỳ khoản thù lao, lợi ích vật chất hoặc lợi ích nào khác từ người được trợ giúp pháp lý (khác với các dịch vụ có thu phí trong các hoạt động y tế, giáo dục, công chứng…), do vậy nếu chuyển giao cho xã hội thực hiện thì lực lượng xã hội nào sẽ đứng ra đảm nhiệm, liệu có bảo đảm đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt - khó khăn không? có bảo đảm chất lượng dịch vụ cung cấp cho người được trợ giúp pháp lý không? Bởi lẽ, các lực lượng xã hội hiện nay có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý là các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật, luật sư. Trong khi đó, các lực lượng xã hội này không phải là lực lượng chuyên thực hiện trợ giúp pháp lý và đây cũng không phải là công việc chính của họ. Do đó, việc chuyển giao hoàn toàn cho lực lượng xã hội cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý là không phù hợp. Chính vì vậy, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã xác định trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước đối với người nghèo và đối tượng yếu thế và Nhà nước phải có chính sách thu hút các nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý, hỗ trợ, khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp cho hoạt động trợ giúp pháp lý. Trong quá trình này, các tổ chức cấp dịch vụ TGPL của Nhà nước vẫn thực hiện việc cung cấp dịch vụ, đồng thời Nhà nước huy động các nguồn lực xã hội, bao gồm nguồn nhân lực xã hội tham gia vào việc cung cấp dịch vụ này và các nguồn tài lực từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ hoạt động TGPL. Do đó, trong lĩnh vực này xã hội hóa hay chính là đa dạng hóa nguồn lực tham gia hoạt động này, nó không phải là tư nhân hoá và cũng không phải là Nhà nước “khoán trắng”, chuyển giao cho xã hội đảm nhiệm hoàn toàn.
Luật TGPL năm 2017 mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, do đó để đánh giá tình hình thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực TGPL, xin điểm qua kết quả xã hội hóa hoạt động TGPL theo Luật TGPL năm 2006 (đến hết năm 2017), đồng thời nêu những khó khăn, hạn chế đã được Luật TGPL năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành khắc phục và một số khó khăn, hạn chế chưa được giải quyết. Xã hội hóa hoạt động TGPL được thể hiện ở các nội dung sau: xã hội hóa tổ chức thực hiện TGPL, xã hội hóa người thực hiện TGPL, xã hội hóa kinh phí hoạt động TGPL.
Xã hội hóa tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý
Theo Luật TGPL năm 2006, bên cạnh các Trung tâm TGPL nhà nước còn có các tổ chức tham gia TGPL. Đó là, tổ chức hành nghề luật sư (công ty luật, văn phòng luật sư), tổ chức tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đăng ký tham gia TGPL với Sở Tư pháp nơi đã cấp Giấy đăng ký hoạt động. Tính đến hết năm 2017, trên toàn quốc có 336 tổ chức đăng ký tham gia TGPL (284 tổ chức hành nghề luật sư, 52 Trung tâm tư vấn pháp luật).
Một trong những điểm mới của Luật TGPL năm 2017 là việc xã hội hóa hoạt động TGPL thông qua huy động sự tham gia của các tổ chức tham gia TGPL bao gồm các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp hoặc đăng ký tham gia TGPL bằng nguồn lực của chính mình. Đồng thời, Luật còn quy định điều kiện chặt chẽ tham gia TGPL và quy định việc chi trả thù lao và chi phí thực hiện vụ việc TGPL cho các tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL để khắc phục tình trạng tham gia TGPL một cách hình thức, không hiệu quả trong thời gian qua.
Xã hội hóa người thực hiện trợ giúp pháp lý
Luật TGPL năm 2006 quy định người thực hiện TGPL ngoài Trợ giúp viên pháp lý là viên chức của Trung tâm TGPL nhà nước còn có người tham gia TGPL bao gồm: Cộng tác viên của Trung tâm TGPL nhà nước, luật sư, tư vấn viên pháp luật làm việc trong tổ chức tư vấn pháp luật. Tính đến hết năm 2017, trên toàn quốc có 7.077 cá nhân tham gia TGPL, trong đó 997 luật sư, 218 tư vấn viên pháp luật và 5.862 cộng tác viên khác.
Xã hội hóa người thực hiện TGPL tiếp tục kế thừa và phát triển trong Luật TGPL năm 2017, theo đó tiếp tục ghi nhận sự tham gia TGPL của luật sư, tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên TGPL với các quy định chặt chẽ hơn về trình độ và điều kiện tham gia nhằm khắc phục những bất cập về quy định cộng tác viên của Luật TGPL năm 2006.
Xã hội hóa kinh phí hoạt động trợ giúp pháp lý
Luật TGPL năm 2006 quy định Quỹ TGPL Việt Nam để huy động thu hút các nguồn lực tài chính cho hoạt động TGPL. Tuy nhiên, từ khi thành lập cho đến năm 2015, hoạt động huy động nguồn lực tài chính của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước của Quỹ TGPL Việt Nam trong thời gian qua không hiệu quả mà hoạt động chính của Quỹ là thực hiện hỗ trợ kinh phí bằng nguồn kinh phí thường xuyên do Nhà nước cấp và kinh phí được Nhà nước ủy thác qua Quỹ TGPL Việt Nam. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: “tạm dừng tổ chức và hoạt động của Quỹ TGPL Việt Nam cho đến khi Luật TGPL (sửa đổi) có hiệu lực” (tại Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 – 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015).
Xã hội hóa kinh phí hoạt động TGPL quy định trong Luật TGPL năm 2017 theo hướng hỗ trợ, khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp cho hoạt động TGPL và giao cho Bộ Tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận hỗ trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân cho công tác TGPL. Các tổ chức, cá nhân khi hỗ trợ kinh phí cho hoạt động TGPL sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về tiếp nhận kinh phí hỗ trợ.
Có thể nói rằng, trong thời gian qua, việc xã hội hóa hoạt động TGPL cũng đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận góp phần chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Bên cạnh những kết quả đạt được của xã hội hóa hoạt động TGPL thì xã hội hóa hoạt động TGPL cũng còn tồn tại, hạn chế. Luật TGPL năm 2017 ra đời có nhiều nội dung mới như đã nêu trên đã phần nào khắc phục được hạn chế, bất cập của xã hội hóa trong hoạt động TGPL. Tuy nhiên, bên cạnh các nội dung đã được Luật TGPL năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, đã hướng dẫn cụ thể thì vẫn chưa cụ thể quy định ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện TGPL; thiếu cơ chế cụ thể quản lý hoạt động TGPL của các tổ chức tham gia TGPL; chưa có giải pháp đồng bộ để khuyến khích nhiều hơn nữa đội ngũ luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật có uy tín, kinh nghiệm tham gia TGPL; chưa huy động được sự đóng góp kinh phí từ xã hội cho hoạt động TGPL.
Từ đó, để triển khai hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 nói chung và tăng cường xã hội hóa trong hoạt động TGPL nói riêng, đề xuất một số giải pháp cần nghiên cứu, triển khai trong thời gian tới như sau:
- Có các quy định về vinh danh, khen thưởng cho các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật, luật sư có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động TGPL (trong thực hiện vụ việc TGPL, trong hỗ trợ kinh phí, truyền thông... cho hoạt động TGPL).
- Có cơ chế ưu tiên, ưu đãi về cơ sở vật chất, kinh phí cho các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tham gia TGPL, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
- Hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia TGPL nâng cao kiến thức kỹ năng nghề nghiệp; tiếp tục nghiên cứu các quy định để đơn giản hóa các thủ tục tham gia, thanh toán thù lao và chi phí thực hiện vụ việc TGPL để thu hút được ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện TGPL.
- Tăng cường cơ chế phối hợp với các cơ quan chủ quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tổ chức chủ quản của tổ chức tư vấn pháp luật để quản lý hoạt động TGPL của các luật sư, tổ chức tham gia TGPL
- Có các biện pháp để tranh thủ hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí cho việc nâng cao chất lượng hoạt động, đặc biệt trong việc tăng cường năng lực cho người thực hiện TGPL, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL cho người dân….
- Tăng cường, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông về xã hội hóa TGPL để nhiều tổ chức, cá nhân biết đến ý nghĩa nhân văn của hoạt động TGPL và tham gia thực hiện hoặc hỗ trợ hoạt động này.
- Thanh Trịnh -