Kết quả 06 năm thực hiện nhiệm vụ về trợ giúp pháp lý theo Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội
Ngày 24/6/2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 76/2014/QH13 đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 (sau đây gọi là Nghị quyết số 76/2014/QH13). Để triển khai thực hiện Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13, theo đó, trợ giúp pháp lý được giao thực hiện 02 nhiệm vụ.
Cụ thể: (1) Tích hợp 02 Quyết định 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 – 2020; (2) Xây dựng chính sách trợ giúp pháp lý chung đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách ưu tiên đối với hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo; mở rộng đối tượng thụ hưởng là người nghèo thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Bài viết đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ về trợ giúp pháp lý theo Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội như sau:
1. Về kết quả rà soát, tích hợp, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chính sách theo Nghị quyết số 76/2014/QH13, Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ
Để bảo đảm tốt nhất quyền được trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý, đặc biệt là những người không có đủ khả năng tài chính để thuê luật sư, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 với 100% đại biểu có mặt tán thành. Trên cơ sở cân đối nguồn lực và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, Luật Trợ giúp pháp lý đã mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý trong đó có người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội.
Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình (sau đây gọi là Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg) trên cơ sở tích hợp Quyết định 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 – 2020.
2. Về kết quả thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg từ năm 2016 đến hết tháng 4/2020
- Đối với hoạt động hỗ trợ thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình
Ngân sách trung ương đã hỗ trợ các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thực hiện hơn 13.000 vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình. Ngân sách của các địa phương tự cân đối được ngân sách bảo đảm cho các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý mà không phân biệt phức tạp hoặc điển hình.
Việc thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình đã trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, góp phần cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng bảo đảm việc điều tra, truy tố và xét xử các đối tượng được được trợ giúp pháp lý một cách khách quan, công khai, đúng người và đúng tội.
- Về hỗ trợ học phí cho viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn tham gia khóa đào tạo nghề luật sư
Nhằm nâng cao số lượng, chất lượng Trợ giúp viên pháp lý, nhất là ở các tỉnh có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, ngân sách trung ương đã hỗ trợ 171 viên chức của các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tham gia khóa đào tạo nghề luật sư với cam kết làm việc trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ít nhất 02 năm kể từ khi đi đào tạo về. Trong đó 41 người đã bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý từ nguồn hỗ trợ này, góp phần tạo nguồn phát triển đội ngũ nhân lực để cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời cho người được trợ giúp pháp lý trên địa bàn. Số viên chức còn lại đang trong thời gian tập sự trợ giúp pháp lý hoặc đang chờ thi hết tập sự để hoàn thiện hồ sơ bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý theo quy định.
- Về tăng cường năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn
Để nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, với sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở các tỉnh có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã tổ chức 159 lớp tập huấn với gần 16.000 người tham dự nhằm trang bị cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý nói chung các kiến thức chuyên sâu về Luật Trợ giúp pháp lý cũng như kỹ năng trợ giúp pháp lý trong các lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, hành chính và kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho một số đối tượng đặc thù như người khuyết tật, người nghèo, trẻ em... Giảng viên cũng đã đưa ra nhiều tình huống để các học viên trao đổi, thảo luận nhằm rút kinh nghiệm khi áp dụng trong thực tế. Bên cạnh đó, các địa phương tự cân đối được ngân sách có các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn không thuộc diện ngân sách trung ương hỗ trợ cũng bảo đảm kinh phí cho các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tổ chức 18 lớp tập huấn với hơn 350 người tham dự nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn.
- Truyền thông về trợ giúp pháp lý tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn
Thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý: Hầu hết các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý. Người dân gọi đến chủ yếu để phản ánh những khó khăn, vướng mắc về pháp luật phát sinh trong cuộc sống. Việc thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho “nhóm đối tượng yếu thế” tiếp cận pháp luật, tạo công bằng cho người dân khi thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật và tiết kiệm được thời gian, công sức.
Xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục về TGPL bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc trên Đài truyền thanh xã: Bằng nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương, các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục về TGPL bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc trên Đài truyền thanh xã. Đây là phương thức truyền thông giúp người dân biết về quyền được trợ giúp pháp lý, thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý nhanh nhất. Để tháo gỡ khó khăn cho một số địa phương ở vùng sâu, vùng xa khi hệ thống Đài truyền thanh xã chưa về tận thôn, bản, Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn về việc sử dụng hệ thống Đài truyền thanh huyện theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm quyền được tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý của người dân.
Tổ chức các đợt truyền thông về TGPL ở cơ sở: Để triển khai hoạt động này, các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã bố trí kinh phí ngân sách địa phương cho các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở. Tại các buổi truyền thông, người dân đã được giới thiệu các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó tập trung vào các nội dung chính quy định về người được trợ giúp pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý, hình thức trợ giúp pháp lý, thủ tục trợ giúp pháp lý … để người dân biết về trợ giúp pháp lý, qua đó tìm đến trợ giúp pháp lý khi có vướng mắc, tranh chấp pháp luật.
3. Về kết quả thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo theo pháp luật về trợ giúp pháp lý từ năm 2015 - tháng 6/2020
Các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã thực hiện được 413.143 vụ việc trợ giúp pháp lý với 336.761 vụ việc tư vấn pháp luật, 64.741 vụ việc tham gia tố tụng, 1.786 vụ việc đại diện ngoài tố tụng và 9.855 vụ việc khác cho 413.143 đối tượng được trợ giúp pháp lý, trong đó có 93.582 người nghèo, 104.160 người dân tộc thiểu số, 50.891 người có công với cách mạng,…
Nhìn chung, các vụ việc trợ giúp pháp lý đều đạt chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng do người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện đạt hiệu quả, có nhiều vụ án được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị trong cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân, thậm chí có những vụ việc được tuyên trắng án, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý.
Với những kết quả đạt được như trên cho thấy, trợ giúp pháp lý đã đóng góp tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý khi có vướng mắc, tranh chấp về pháp luật, nhất là khi họ vướng vào vòng lao lý. Với số lượng người được trợ giúp pháp lý là người nghèo, người dân tộc thiểu số cư trú tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn tương đối lớn, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nên nhận thức, hiểu biết về pháp luật và trợ giúp pháp lý của người dân còn hạn chế. Do vậy, việc duy trì chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo tới là rất cần thiết nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, công bằng trong tiếp cận và sử dụng pháp luật của người được trợ giúp pháp lý nói chung, của người nghèo, người dân tộc thiểu số nói riêng khi họ không đủ điều kiện để sử dụng dịch vụ pháp lý có thu phí của luật sư.
Một số đề xuất, kiến nghị nhằm đảm bảo tính liên tục, hiệu quả của chính sách trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo thời gian tới:
- Đề nghị Quốc hội nghiên cứu, sớm ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2030 và bố trí kinh phí để thực hiện các chương trình giảm nghèo nhằm bảo đảm tính liên tục của các chính sách.
- Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành Nghị quyết về nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo từ năm 2021 đến năm 2030 ngay sau khi kết thúc giai đoạn thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo và Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 để có cơ sở pháp lý cho các Bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng và trình ban hành chính sách giảm nghèo theo lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.
- Đối với chính sách trợ giúp pháp lý: tăng cường các hoạt động trợ giúp pháp lý dành cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người được trợ giúp pháp lý tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn như: đa dạng hóa các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý để nhiều người được trợ giúp pháp lý biết về trợ giúp pháp lý và sử dụng khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật; hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng phức tạp, điển hình; nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý... nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả trợ giúp pháp lý; 100% người thuộc diện được trợ giúp pháp lý đều được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu để bảo đảm việc tiếp cận và sử dụng quyền được trợ giúp pháp lý mà Nhà nước dành cho họ.
Trần Phượng – Phòng Chính sách và Quản lý nghiệp vụ TGPL