Bà Rịa – Vũng Tàu: Triển khai đồng bộ các nội dung trợ giúp pháp lý trong các Chương trình mục tiêu quốc gia

Năm 2024, theo thống kê trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổng số vụ việc được trợ giúp lý là 580 vụ, trong đó có 576 vụ tham gia tố tụng, trợ giúp viên pháp lý tham gia 155 vụ, luật sư tham gia trợ giúp pháp lý cho 180 vụ (lĩnh vực hình sự 538 vụ việc, dân sự là 29 vụ, việc, lĩnh vực hành chính là 09 vụ, việc), có 355 lượt người đã được trợ giúp pháp lý miễn phí (trong đó 07 trường hợp là người có công với cách mạng, 11 trường hợp là người dân thuộc hộ nghèo, 01 trường hợp là người dân tộc thiểu số, 95 trường hợp đối tượng trợ giúp pháp lý là trẻ em, 215 trường hợp là trẻ vị thành niên từ 16 đến dưới 18 tuổi bị buộc tôi, 2 trường hợp người cao tuổi, 3 trường hợp là người khuyết tật). Công tác trợ giúp pháp lý đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân nhất là trong hoạt động tranh tụng tại tòa. Để nâng cao hiểu biết của người dân vể trợ giúp pháp lý, cần tăng cường công tác truyền thông rộng rãi tại địa phương.

Ngày 08/4/2025, Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành 03 Kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2025: Kế hoạch số 1501/KH-STP thực hiện nội dung trợ giúp pháp lý theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Kế hoạch số 1502/KH-STP thực hiện nội dung trợ giúp pháp lý theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Kế hoạch số 1503/KH-STP thực hiện trợ giúp pháp lý theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức, thông tin về trợ giúp pháp lý; tăng cường khả năng hiểu biết và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật; bảo đảm công bằng trong tiếp cận công lý của người dân, các kế hoạch đã đề ra nhiều hoạt động đa dạng, phong phú để nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể như sau:
1. Đối với các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, địa phương tập trung tổ chức các đợt truyền thông về nội dung hoạt động trợ giúp pháp lý, giúp người dân biết rõ về tổ chức hoạt động, nhiệm vụ của trung tâm trợ giúp pháp lý, địa chỉ, số điện thoại liên hệ… để người dân, đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý biết và yêu cầu trợ giúp pháp lý khi cần thiết. Đồng thời, tư vấn, hướng dẫn, giải đáp trực tiếp các vướng mắc về pháp luật cho người dân vùng dân tộc thiểu số, hướng dẫn người dân tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí (do Nhà nước cung cấp) khi có nhu cầu. Trong năm 2025, Sở Tư pháp dự kiến tổ chức 10 đợt truyền thông cho người dân tộc thiểu số tại các xã, thôn, ấp thuộc vùng dân tộc thiểu số; 05 đợt tập huấn, bồi dưỡng cho người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở vùng dân tộc thiểu số về tiếp cận trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số; xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình, bản tin, phóng sự trên đài truyền hình, truyền thanh, trang thông tin để tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi biết và thực hiện quyền yêu cầu trợ giúp pháp lý; biên soạn, cung cấp các tài liệu truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý; biên soạn và in tờ gấp pháp luật để cấp phát cho người dân tộc thiểu số.
2. Đối với đối tượng hỗ trợ giảm nghèo, địa phương tập trung xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình thông tin và truyền thông định hướng cho người dân tham gia, thụ hưởng trợ giúp pháp lý, tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý; biên soạn và in ấn tờ gấp pháp luật có nội dung về chính sách trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý cho người dân, người nghèo, đối tượng yếu thế, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý; tổ chức 05 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý tại các xã, phường, thị trấn, đảm bảo cho người dân biết rõ về tổ chức hoạt động, trụ sở, nhiệm vụ của Trung tâm để người dân, đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý biết và liên hệ khi cần thiết, qua đó tăng cường hiểu biết về trợ giúp pháp lý của người dân vùng nông thôn. Trong các đợt truyền thông, chú trọng tư vấn, hướng dẫn, giải đáp trực tiếp các vướng mắc về pháp luật cho người dân, người nghèo, người yếu thế, người thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý; cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia các lớp tập huấn chuyên đề, chuyên sâu về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng yếu thế; tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trợ giúp pháp lý và cơ chế phối hợp thông tin trợ giúp pháp lý cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, công chức Phòng Tư pháp, cán bộ cấp xã (Công chức Tư pháp - Hộ tịch, Công an xã, công chức cấp xã khác); Tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng kiến thức trợ giúp pháp lý cho cán bộ thôn, ấp, hòa giải viên, cán bộ chi hội đoàn thể, cộng tác viên giảm nghèo, người có uy tín, các tổ chức và cá nhân có liên quan để có khả năng thông tin, giải thích về trợ giúp pháp lý cho người dân và giới thiệu người dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước khi có nhu cầu hoặc gặp vướng mắc pháp luật, làm cầu nối giữa người dân với Trung tâm.
          3. Đối với đối tượng là người dân vùng nông thôn, nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới, địa phương dự kiến sẽ tổ chức 05 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý, hướng dẫn người dân vùng nông thôn tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu; xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình, bản tin, phóng sự về trợ giúp pháp lý cho người dân vùng nông thôn, biên soạn, cung cấp các tài liệu truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý cho người dân vùng nông thôn, tập trung vào các quy định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân như các quy định pháp luật về đất đai, chế định thừa kế, các quy định về tội phạm xâm hại sức khỏe, danh dự nhân phẩm, ma túy, trật tự an toàn giao thông đường bộ, trật tự công cộng...
Các nhiệm vụ được thực hiện hiệu quả sẽ góp phần nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người nghèo, người yếu thế, người thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh./.
Đinh Quỳnh Mây
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý