Lào Cai: Hơn 1000 người dân nghèo được trợ giúp pháp lý trong năm 2024
Lào Cai là một tỉnh miền núi với hơn 70% là đồng bào các dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, nhiều người không biết chữ do không được đi học, do vậy mà hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai (sau đây gọi tắt là Trung tâm)- với sứ mệnh là đơn vị sự nghiệp công thiết yếu, được giao nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ người dân nghèo, người yếu thế trên địa bàn tỉnh có thêm nhiều hiểu biết về pháp luật, nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, góp phần xóa đói giảm nghèo theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đã ban hành.
Bám sát Chương trình công tác năm 2024 của Sở Tư pháp, Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch số 204/KH-TTTGPL ngày 21/12/2023 về triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác trợ giúp pháp lý năm 2024, trình Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt, triển khai đồng bộ, hiệu quả tới các phòng nghiệp vụ và các chi nhánh trên địa bàn, đặc biệt chú trọng tới hoạt động tham gia tố tụng để đại diện, bảo vệ, bào chữa cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, với mục tiêu hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra.
Trong năm 2024, Trung tâm đã tiếp nhận và hỗ trợ cho 1.270 lượt người dân nghèo và những người yếu thế có vướng mắc về pháp luật. Trong đó, người dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn chiếm phần lớn là 1.075 người (84,6%); số còn lại là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và những người thuộc hộ nghèo… Thực hiện tư vấn và giải thích pháp luật cho 641 trường hợp (chiếm50,5%); tham gia đại diện, bào chữa tại Tòa án cho 629 trường hợp (chiếm 49,5%); Gồm các lĩnh vực chủ yếu như: hình sự 549 vụ, dân sự 98 vụ, hôn nhân gia đình 581 vụ, đất đai 37 vụ, hành chính 05 vụ.
Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Trung tâm còn đẩy mạnh hoạt động truyền thông trong Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, cùng các Chi nhánh trên địa bàn phối hợp với phòng Tư pháp, Phòng dân tộc, Hội phụ nữ ở các xã nghèo, những người đại diện cộng đồng, lãnh đạo tổ nhóm, chi hội đoàn thể, cán bộ thôn, bản, tổ chức được 101 đợt (bằng 202 buổi) nói chuyện chuyên đề phổ biến pháp luật, cung cấp thông tin truyền thông về trợ giúp pháp lý điểm tại địa bàn các thôn bản đặc biệt khó khăn, thu hút hơn 7.754 lượt người tham dự, tháo gỡ và giải thích pháp luật cho 918 trường hợp có vướng mắc liên quan đến đời sống thường ngày. Tổ chức 05 Hội nghị tập huấn điểm về tiếp cận trợ giúp pháp lý tại địa bàn 04 huyện nghèo Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương, Si Ma Cai và thành phố Lào Cai cho 359 đại biểu là các trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT ngày 29/6/2018 giữa các cơ quan: Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ quốc phòng được duy trì thường xuyên, giúp cho người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, không biết chữ được tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí thông qua Bản thông tin về TGPL và Biên bản giải thích về quyền đươc TGPL. Các Trợ giúp viên pháp lý được thông báo và tham gia ngay để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân nghèo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Quá trình nghiên cứu hồ sơ và tham gia phiên tòa, các Trợ giúp viên pháp lý đã chỉ ra được đặc điểm về nhân thân, hoàn cảnh gia đình, trình độ học vấn và hiểu biết xã hội, cũng như các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, động viên các đối tượng tác động đến gia đình thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và đặc biệt là sự thành khẩn, ăn năn hối cải về hành vi cũng như việc làm của mình để nhận sự khoan hồng của pháp luật, giúp cho Hội đồng xét xử có một cái nhìn tổng thể, công minh và quyết định một mức án phù hợp. Trong số vụ việc tham gia tố tụng hoàn thành, có tới 126 vụ thành công, hiệu quả mà quan điểm của các Trợ giúp viên pháp lý đưa ra đã được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng có lợi cho người được TGPL (chiếm 26,6%) trên tổng số vụ việc kết thúc, không có vụ việc nào gây thiệt hại và phát sinh trách nhiệm bồi thường cho đối tượng được trợ giúp pháp lý.Một trong những vụ việc thành công mà Trung tâm thực hiện, đó là trường hợp ở thôn Phùng Mông, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, người được trợ giúp pháp lý (SN 2000, Dân tộc Mông) cho biết, cá nhân anh là bị hại trong vụ án “cố ý gây thương tích” với tỉ lệ thương tật là 20%, đã được Trợ giúp viên pháp lý tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong phiên tòa ngày 31/5/2024. Với những tài liệu chứng cứ hợp lý phù hợp với yêu cầu bồi thường thiệt hại như: về chi phí khám chữa bệnh, thu nhập thực tế bị giảm sút trong thời gian điều trị tại bệnh viện, tiền thuê người chăm sóc và bồi dưỡng phục hồi sức khỏe… Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thị xã Sa Pa đã chấp thuận và tuyên phạt bị cáo Thào A Thống 02 năm 6 tháng tù giam, đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho Vàng A Pao với tổng số tiền là 15.800.000đ (Mười lăm triệu tám trăm nghìn đồng).
Theo phản hồi của anh Ly Seo X (SN 1982) là cha đẻ của bị cáo Ly Seo Y (Tên của người được trợ giúp pháp lý đã được thay đổi, sinh năm2005, dân tộc Mông) bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” cho biết, kết thúc phiên tòa phúc thẩm ngày 05/9/2024 vừa qua, cá nhân anh và gia đình vô cùng phấn khởi vì con trai anh trong phiên tòa sơ thẩm, bị Tòa án nhân dân huyện Si Ma Cai xử phạt 02 năm 6 tháng tù giam, nhờ có trợ giúp viên pháp lý tư vấn, hướng dẫn gia đình thu thập và bổ sung các chứng cứ, được Tòa án cấp phúc thẩm chấp thuận và cho Ly Seo Y được hưởng án treo, đồng thời miễn nộp án phí hình sự phúc thẩm.
Theo chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng đối với các trợ giúp viên pháp lý mà Bộ Tư pháp ban hành tại công văn số 236/BTP-TGPL ngày 12/01/2024, thì 55% trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm đạt chỉ tiêu khá và tốt.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn làm tốt công tác tham mưu giúp Sở Tư pháp xây dựng Kế hoạch phối hợp số 33/KHPH-STP-CAT ngày 22/4/2024 giữa sở Tư pháp và Công an tỉnh Lào Cai về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự; Tham mưu thực hiện hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc TGPL tham gia tố tụng để xác định vụ việc thành công theo kế hoạch; Tham mưu giúp Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh xây dựng Kế hoạch hoạt động; Kế hoạch kiểm tra; dự thảo các báo cáo; tham mưu thực hiện kiểm tra và báo cáo công tác phối hợp tại các huyện Si Ma Cai, Văn Bàn theo kế hoạch.
Thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP, Trung tâm đã kết nối đường truyền và tham gia phiên tòa trực tuyến tại điểm cầu thành phần để bào chữa cho 02 bị cáo, ngoài ra Trung tâm còn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động TGPL. Sự nỗ lực của tập thể Lãnh đạo, viên chức của Trung tâm đã giúp cho người dân nghèo và những người yếu thế trên địa bàn tỉnh có thêm nhiều hiểu biết về các quy định của pháp luật hiện hành. Tổng kết công tác tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý đã được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Sở Tư pháp đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và lập hồ sơ trình UBND tỉnh tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc./. Nguyễn Thị Mai Hương - Trung tâm TGPL Lào Cai