Quảng Bình: Một số kết quả nổi bật trong công tác trợ giúp pháp lý năm 2024

Trợ giúp pháp lý (TGPL) là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước chịu trách nhiệm trong bảo đảm cho người nghèo, những đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế khác trong xã hội được thụ hưởng chính sách pháp luật công bằng, tạo điều kiện cho họ được hỗ trợ, giúp đỡ để bảo vệ quyền và các lợi ích hợp pháp. Bên cạnh đó, TGPL là một trong những công cụ để Nhà nước thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người tại Việt Nam. Thông qua hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của mình, hoạt động TGPL đã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, nhất là khi họ rơi vào tình trạng bị buộc tội, quyền con người, quyền công dân bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, chính là lúc Nhà nước cần có sự trợ giúp, hỗ trợ để họ được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Trong năm 2024, dưới sự chỉ đạo của Cục Trợ giúp pháp lý, UBND tỉnh, Lãnh đạo Sở Tư pháp, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban ngành có liên quan, cùng với sự nổ lực phấn đấu của tập thể đơn vị, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Bình (Trung tâm) đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trên các mặt công tác.

- Công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng:
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT), trên cơ sở đó Trung tâm đã tham mưu Sở Tư pháp, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh  ban hành hoặc trình UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản hướng dẫn chỉ đạo một cách kịp thời. Trung tâm đã tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm đẩy mạnh hoạt động hướng dẫn, giới thiệu, thông tin, thông báo về TGPL đặc biệt là đối với các cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp trên địa bàn tỉnh nên nhiều bị can, bị cáo, đương sự đã được hướng dẫn, giải thích và giới thiệu đến Trung tâm để được TGPL (từ 01/01/2024 đến 30/11/2024, các cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp đã giới thiệu, gửi thông báo đến Trung tâm 169 trường hợp người được TGPL có yêu cầu TGPL; cung cấp 59 thông tin về TGPL).
Ngoài những đối tượng trong các vụ án thuộc trường hợp phải chỉ định người bào chữa theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự thì những đối tượng thuộc diện  hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số…đã được các cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm giới thiệu đến Trung tâm. Kết quả, trong năm 2024, tổng số vụ việc thụ lý là 275 vụ việc (tăng 10.89% so với cùng kỳ); tổng số vụ việc thực hiện hoàn thành là 223 vụ việc (trong đó người có công với cách mạng: 60 vụ; người thuộc hộ nghèo: 13 vụ; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: 23 vụ; trẻ em: 12 vụ; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: 68 vụ; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo: 14 vụ; cha mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sỹ còn nhỏ có khó khăn về tài chính: 03 vụ; người khuyết tật có khó khăn tài chính: 18 vụ; người cao tuổi có khó khăn về tài chính: 10 vụ; người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính: 02 vụ).
 
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Bình tổ chức truyền thông pháp luật
cho người khuyết tật năm 2024
- Công tác triển khai các Chương trình phối hợp:
Trung tâm tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm TGPL nhà nước, Chi nhánh TGPL của Trung tâm với TAND các cấp để triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 19/5/2022 giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về người thực hiện TGPL trực tại TAND, Chương trình phối hợp số 3870/CTPH-STP-TAND ngày 28/12/2022 giữa Sở Tư pháp và TAND tỉnh về người thực hiện TGPL trực tại TAND (Chương trình phối hợp). Trung tâm phối hợp với TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh tiến hành thực hiện niêm yết danh sách người trực qua điện thoại tại trụ sở TAND tỉnh và TAND của 08 huyện, thị xã, thành phố. Kết quả có 25 trường hợp thuộc diện người được TGPL có yêu cầu cử người thực hiện TGPL.
Bên cạnh đó, để bảo đảm người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã; người bị tạm giữ, bị can, bị hại, đương sự là người thuộc diện được TGPL tiếp cận sớm với TGPL, được giải thích đầy đủ, cung cấp và sử dụng dịch vụ TGPL kịp thời, chất lượng, phù hợp với người dưới 18 tuổi và để triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp số 5789/CTPH-BTP-BCA ngày 27/11/2023 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về trực TGPL trong điều tra hình sự (Chương trình phối hợp số 5789/CTPH-BTP-BCA) kịp thời. Trung tâm đã tham mưu cho Sở Tư pháp và Công an tỉnh ký kết ban hành Kế hoạch phối hợp số 587/KHPH-STP-CAT ngày 14/3/2024 về người thực hiện TGPL trực trong điều tra hình sự. Theo đó, Trung tâm TGPL nhà nước phối hợp với cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ sở giam giữ, Công an cấp xã phối hợp về trực TGPL trong điều tra hình sự với hình thức trực qua điện thoại. Trung tâm phối hợp, tiến hành thực hiện niêm yết danh sách người trực qua điện thoại tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ sở giam giữ, Công an cấp xã trên địa bàn tỉnh. Kết quả có 05 trường hợp thuộc diện người được TGPL có yêu cầu cử người thực hiện TGPL.
- Công tác truyền thông về TGPL: Công tác truyền thông về TGPL đã bám sát nhiệm vụ, yêu cầu thực tiễn và ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn trong việc hướng dẫn, giải thích cho người dân biết về quyền được TGPL miễn phí. Kết quả, Trung tâm đã tổ chức 02 Hội nghị truyền thông pháp luật về TGPL cho 202 người tham gia; tổ chức 06 Hội nghị truyền thông pháp luật về TGPL cho người khuyết tật theo Kế hoạch số 302/KH-UBND ngày 21/02/2024 của UBND tỉnh với 585 người tham gia; thực hiện biên soạn in ấn, cấp phát 2.000 tờ rơi pháp luật về TGPL…
- Công tác triển khai các hoạt động trong các chương trình MTQG:
Trung tâm đã xây dựng các kế hoạch và kịp thời triển khai thực hiện các Chương trình MTQG. Kết quả: Tổ chức 18 Hội nghị truyền thông pháp luật cho 1.869 người tham gia, biên soạn in ấn 5.000 tờ rơi về pháp luật TGPL để cấp phát tại các hội nghị truyền thông về TGPL; đã lắp đặt 45 Bảng thông tin về TGPL tại trụ sở Nhà văn hóa các thôn, bản thuộc UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh trong chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; Tổ chức 10 Hội nghị tập huấn, hội nghị chuyên đề cho 923 người tham dự, biên soạn in ấn 6.500 tờ rơi về pháp luật TGPL để cấp phát tại các hội nghị truyền thông về TGPL; lắp đặt 34 Bảng thông tin về TGPL tại trụ sở UBND các xã và Nhà văn hóa, Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn/bản trong chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong năm 2024, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên, tất cả các lĩnh vực hoạt động và chất lượng vụ việc ngày càng được nâng cao. Với những kết quả đạt được trong công tác TGPL năm 2024 nói riêng và trong thời gian qua nói chung đã tiếp tục khẳng định vai trò của TGPL trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo, người có công với cách mạng và đối tượng yếu thế, dễ tổn thương trong xã hội, thể hiện rõ nét chức năng xã hội của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật; góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thực hiện chính sách an sinh xã hội, phát triển sinh kế, giảm nghèo bền vững.
Phan Trọng Hùng
(Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Bình)