Khai mạc và chỉ đạo Hội nghị, tiến sỹ Nguyễn Thị Minh – Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý cho biết, các tổ chức thực hiện rất tích cực Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó định hướng tập trung thực hiện vụ việc và nâng cao chất lượng dịch vụ trơ giúp pháp lý đang được đặc biệt quan tâm, chất lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý đã được nâng lên rõ rệt. Để giúp hỗ trợ các Trung tâm trợ giúp pháp lý trong việc nâng cao năng lực của người thực hiện trợ giúp pháp lý, Cục Trợ giúp pháp lý nỗ lực tìm các nguồn hỗ trợ để tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng trợ giúp pháp lý trong các lĩnh vực khác nhau. Trong phần phát biểu Cục trưởng cũng yêu cầu các học viên tập trung nghiên cứu nội dung do giảng viên truyền dạy, tích cực trao đổi vướng mắc trong thực tiễn, từ đó nâng cao kỹ năng thực hiện TGPL trong các vụ việc tố tụng dân sự, đặc biệt là thảo luận các bài tập tình huống cụ thể, đưa ra các vướng mắc trong thực tế để cùng nhau trao đổi, tháo gỡ khó khăn để bảo vệ tốt nhất quyền của người được trợ giúp pháp lý.
Tham dự Hội nghị có bà Phạm Thị Minh Hiếu – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận; đại biểu là lãnh đạo Trung tâm, Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và luật sư của tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý của 4 tỉnh Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị Huyền, Trưởng bộ môn Luật tố tụng hình sự Trường Đại học Luật Hà Nội đã giúp các học viên nắm được kiến thức về kỹ năng trao đổi về nội dung vụ việc (xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, thời điểm xác lập quan hệ dân sự, sự kiện pháp lý và thời điểm phát sinh tranh chấp, quan hệ ranh chấp đã được giải quyết như thế nào, xác định yêu cầu, nguyện vọng của đương sự… ); kỹ năng tư vấn khởi kiện; xác định điều kiện khởi kiện và xác định yêu cầu; kiểm soát rủi ro khi khởi kiện và chi phí tố tụng; kỹ năng tham gia tố tụng tại tòa án. Trong bài giảng TS. Huyền đưa ra rất nhiều bài tập tình huống là các vụ án đã xảy ra trong thực tế để học viên cùng nghiên cứu, thảo luận xác định quan hệ tranh chấp, pháp luật áp dụng, thời hiệu khởi kiện. Học viên cũng tích cực, chủ động nêu một số tình huống đã gặp trong thực tế để trao đổi, tham vấn ý kiến của giảng viên.
Qua hội nghị tập huấn, các học viên được trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng khi tham gia tố tụng dân sự, đặc biệt là qua kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm tư vấn thực tiễn, giảng viên giúp học viên giải đáp nhiều tình huống tranh chấp dân sự điển hình, những tình huống khó giải quyết trong thực tế, qua đó học viên rút ra cho mình những kinh nghiệm xử lý tình huống cụ thể. Đây là những kiến thức rất hữu ích để người thực hiện trợ giúp pháp lý áp dụng trong quá trình thực hiện các vụ việc dân sự, giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật và bảo vệ đúng quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý./.
Bình An, Cục Trợ giúp pháp lý