1. Trợ giúp trong lĩnh vực tư pháp
Trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách nổi trội về trợ giúp trong lĩnh vực tư pháp dành cho người khuyết tật. Quyền trợ giúp pháp lý của người khuyết tật được ghi nhận ngay từ khi có Luật Trợ giúp pháp lý 2006 (quy định người khuyết tật không nơi nương tựa được trợ giúp pháp lý), đến nay tiếp tục được kế thừa tại Luật Trợ giúp pháp lý 2017 (quy định người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý). Theo quy định của Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý thì điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật. Như vậy, người khuyết tật thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì được trợ giúp pháp lý. Ngoài trường hợp người khuyết tật có khó khăn về tài chính thì người khuyết tật cũng được hưởng trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau: người khuyết tật là người có công với cách mạng; người khuyết tật là người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật là trẻ em; người khuyết tật là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Theo đó, người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng các hình thức: tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng với tất cả lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng chia sẻ trách nhiệm thực hiện bào chữa theo án chỉ định cho người được trợ giúp pháp lý. Theo đó, Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý thuộc các trường hợp: a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi. Như vậy, khi có nhu cầu trợ giúp pháp lý, người khuyết tật có khó khăn về tài chính có thể tìm đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố để được hướng dẫn và giải quyết.
2. Trợ giúp y tế:
Luật Người khuyết tật 2010 quy định về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật. Theo đó, từ Điều 21 đến Điều 26 Luật Người khuyết tật quy định về những ưu đãi trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật.
Tại nơi cư trú Trạm y tế cấp xã là cơ quan có trách nhiệm đối với việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người khuyết tật. Người khuyết tật sẽ được Trạm y tế cấp xã cung cấp các dịch vụ sau: a) Được tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; b) Được hướng dẫn phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng; c) Được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe; d) Được khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với phạm vi chuyên môn của Trạm y tế cấp xã.
Một vấn đề quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người khuyết tật chính là về chế độ bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế, chế độ bảo hiểm y tế dành cho người khuyết tật cũng xác định dựa trên mức độ khuyết tật của họ. Theo đó, người khuyết tật thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng sẽ do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế và sẽ được hưởng bảo hiểm với mức hưởng là 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.Trường hợp người khuyết tật không thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì chế độ, mức đóng BHYT được thực hiện bình thường theo quy định của Luật bảo hiểm y tế. Khoản 5 Điều 11 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP vấn đề thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật sẽ do Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập danh sách. Các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng với người khuyết tật được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Luật Việc làm năm 2013 và Luật Người khuyết tật năm 2010.
Người khuyết tật được tham gia vào Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCNDVCĐ). PHCNDVCĐ là một hình thức cung cấp các biện pháp phục hồi chức năng về thể chất, tâm thần, hỗ trợ về mặt xã hội, việc làm, giáo dục và tạo ra các điều kiện thuận lợi khác tại cộng đồng để người khuyết tật có thể phát huy được hết khả năng của mình, nâng cao chất lượng cuộc sống để hòa nhập xã hội. Người khuyết tật và gia đình sẽ nhận được sự trợ giúp về chuyên môn kỹ thuật cần thiết từ cộng tác viên cho tới cán bộ phục hồi chức năng của xã, huyện và tỉnh.
3. Trợ cấp xã hội
Người khuyết tật hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm: a) Người khuyết tật đặc biệt nặng (trừ Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội); b) Người khuyết tật nặng. Người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ chi phí mai táng khi chết.
Người khuyết tật được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm: a) Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó; b) Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng; c) Người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng (trừ Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội) đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Người khuyết tật được nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội: Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.
Trợ cấp xã hội cho người khuyết tật (bao gồm trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng) được thực hiện theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
4. Trợ giúp giáo dục:
Ngày 31/12/2013, Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ lao động thương binh và xã hội, Bộ tài chính đã ban hành thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC về quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật. Tại Thông tư quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật, bao gồm: ưu tiên nhập học và tuyển sinh; miễn, giảm một số nội dung môn học, môn học hoặc hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục; đánh giá kết quả giáo dục; chính sách về học phí; chính sách về học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập, áp dụng đối với người khuyết tật học tập trong các cơ sở giáo dục có dạy người khuyết tật, các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục), các tổ chức và cá nhân khác có liên quan.
5. Trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế:
Các chính sách hỗ trợ học nghề, việc làm được thực hiện theo hướng phổ quát, bảo đảm tất cả người khuyết tật đều được hỗ trợ. Việt Nam cũng đã thông qua Công ước về quyền của người khuyết tật và Công ước số 159 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật. Luật Dạy nghề năm 2006 đã dành toàn bộ Chương VII quy định dạy nghề cho người khuyết tật, với mục tiêu giúp đối tượng có năng lực thực hành nghề phù hợp với khả năng lao động của mình để tự tạo việc làm hoặc tìm được việc làm, ổn định đời sống. Đồng thời, Nhà nước cũng khẳng định, hỗ trợ về tài chính và các chính sách ưu đãi khác đối với các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật nhằm khuyến khích công tác dạy nghề cho cho người khuyết tật.
Người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh, được hướng dẫn về sản xuất, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo quy định của Chính phủ. Nhiều chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ người khuyết tật nghèo được quan tâm, tạo điều kiện để vươn lên ổn định cuộc sống. Theo đó, người khuyết tật vay vốn thông qua Quỹ quốc gia về việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015, Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11/11/2015 và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
6. Trợ giúp tiếp cận công trình xây dựng:
Bộ Xây dựng đã ban hành QCVN10:2014/BXD về “Xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng”. Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình xây dựng để đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng gồm: (i) nhà chung cư; (ii) công trình công cộng bao gồm: trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước; cơ sở khám, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, thể dục, thể thao; công trình khách sạn, thương mại, dịch vụ; (iii) nhà ga, bến tàu, bến xe, đường, hè phố, hầm đi bộ, cầu vượt, các công trình hạ tầng kỹ thuật và tiện ích đô thị khác (nhà tang lễ, nghĩa trang, nhà vệ sinh công cộng, điểm chờ xe buýt, máy rút tiền tự động, điểm truy cập internet công cộng…).
7. Trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông:
Người khuyết tật được trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông được quy định tại Luật Người khuyết tật và Thông tư số 39/2012/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kết cấu hạ tầng giao thông, công cụ hỗ trợ và chính sách ưu tiên người khuyết tật tham gia giao thông công cộng.
- Người khuyết tật được học và cấp giấy phép điều khiển đối với phương tiện giao thông cá nhân nếu phương tiện giao thông cá nhân đòi hỏi phải có giấy phép điều khiển
- Người khuyết tật khi tham gia giao thông bằng các phương tiện giao thông công cộng được sử dụng các phương tiện hỗ trợ hoặc sự trợ giúp tương ứng; được phép mang theo và miễn phí khi mang phương tiện, thiết bị hỗ trợ phù hợp.
- Người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng được miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng một số phương tiện giao thông công cộng theo quy định của Chính phủ.
- Người khuyết tật được ưu tiên mua vé, được giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Thanh Hà - Cục Trợ giúp pháp lý