Tìm đến trợ giúp pháp lý
Khi hay tin cháu của mình phạm tội bà ngoại của cháu đã tìm đến Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế để nhờ giúp đỡ, biết được Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế qua lần Trung tâm tổ chức trợ giúp pháp lý cho phụ nữ tại phường Hương Hồ - thành phố Huế nên bà đã tìm đến Trung tâm đề nghị giúp đỡ cho cháu gái của mình.
Nhận thấy cháu Phạm Thị Quỳnh Anh là người chưa thành niên, thuộc đối tượng được TGPL, Trung tâm đã cử Trợ giúp viên pháp lý bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Quỳnh Anh, Trợ giúp viên pháp lý đã tiến hành nghiên cứu hồ sơ vụ án, đến trại tạm giam, về địa phương để tìm hiểu các tình tiết của vụ án. Trợ giúp viên pháp lý đã gặp gỡ tiếp xúc với gia đình bị cáo để tìm hiểu rõ hơn về gia cảnh và nhân thân của bị cáo trước khi phạm tội, gặp gỡ các bị hại và gia đình của các bị hại để bồi thường và mong gia đình các bị hại bỏ qua lỗi lầm và tạo cơ hội cho bị cáo sửa chữa lỗi lầm đã gây ra.
Tại phiên toà sơ thẩm ngày 30 tháng 10 năm 2024, đại diện Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 điều 52, Điều 91, Điều 101, Điều 54 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Quỳnh Anh từ 10 đến 12 tháng tù.
Trong quá trình tranh tụng, Trợ giúp viên pháp lý đã phân tích nhân thân hoàn cảnh bị cáo, bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, đây là lần đầu tên bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, tại thời điểm phạm tội bị cáo là người chưa thành niên nên nhận thức về xã hội và hiểu biết pháp luật rất hạn chế so với người trưởng thành, bị cáo nghỉ học sớm (lớp 6/12) không được sự giáo dục của nhà trường rất thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa. Hoàn cảnh gia đình cũng rất đáng thương, vì cuộc sống mưu sinh bố mẹ đi làm ăn xa để bị cáo lại cho bà ngoại chăm sóc nuôi dưỡng từ lúc bị cáo 06 tháng tuổi, bị cáo thiếu hơi ấm, tình thương, chăm sóc của bố mẹ đáng lẽ ra đứa trẻ nào cũng cần có, bà ngoại nay đã già nay ốm mai đau nên không thể theo sát quản lý để phát hiện kịp thời những sai phạm của bị cáo để xảy ra sự việc đáng tiếc như ngày hôm nay. Tại phiên toà các bị hại và người đại diện hợp pháp xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Do vậy, Trợ giúp viên pháp lý đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tính chất mức độ hành vi phạm tội cũng như hoàn cảnh nhân thân gia đình bị cáo và trong thời gian bị tạm giam bị cáo đã nhận thức được hành vi của mình là sai trái, Trợ giúp viên pháp lý thiết nghĩ thời gian đó cũng đủ răng đe bị cáo. Vì vây, kính mong Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo bằng thời gian tạm giam và tuyên bố thả tự do cho bị cáo tại phiên toà.
Với những lập luận hết sức thuyết phục, quan điểm bào chữa của Trợ giúp viên pháp lý đã được Hội đồng xét xử chấp nhận và tuyên phạt cho bị cáo Quỳnh Anh 8 tháng 7 ngày tù bằng thời gian tạm giam và thả tự do cho bị cáo tại phiên toà.
Bước ra khỏi phiên toà, nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của Quỳnh Anh và trên khoé mắt của bà ngoại đọng lại những giọt nước mắt hạnh phúc, Trợ giúp viên pháp lý mỉm cười vì đã đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào sự nghiệp trợ giúp pháp lý./.
Trần Thị Hồng Minh
Trung tâm TGPL TP Huế