Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu qủa công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ công lý, nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử, tạo được uy tín và niềm tin của người dân

Thực hiện quy định của Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của liên Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng, Quyết định số 38/QĐ-HĐPH ngày 11/01/2024 của hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ban hành kế hoạch phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2024, chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 19/05/2022 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao về chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân, chương trình phối hợp số 5789/CTPH-BTP-BCA ngày 27/11/2023 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về trực TGPL trong điều tra hình sự, hàng năm, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nghệ An đã tham mưu cho Sở Tư pháp, Hội đồng phối hợp liên ngành triển khai nhiều nội dung như:
Tham mưu Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL ban hành các kế hoạch phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng[1] . Công tác kiểm tra của Hội đồng phối hợp liên ngành tại các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp được tăng cường, năm 2022 tiến hành kiểm tra tại các đơn vị: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân của các huyện: Nam Đàn, Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò; năm 2023 kiểm tra tại các đơn vị: Công an, Viện kiểm sát nhân dân các huyện: Thanh Chương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Trung tâm TGPL nhà nước đã tổ chức 02 cuộc tập huấn về công tác TGPL cho người tiến hành tố tụng[2] nhằm nâng cao chất lượng, số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, đảm bảo các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý được kịp thời cung cấp thông tin và dịch vụ trợ giúp pháp lý chất lượng tốt. Bảo đảm người bị buộc tội, bị hại, đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý tiếp cận trợ giúp pháp lý kịp thời, đặc biệt là trong tố tụng.
Số  vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng thời gian qua tăng lên hằng năm, năm 2022 là 1091 vụ việc, năm 2023 là 1272 vụ việc, sáu tháng đầu năm 2024 là 839 vụ việc. Chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng được nâng cao, Trợ giúp viên (TGV) đã tham gia nhiều vụ việc khó, phức tạp được cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá cao và người được TGPL ghi nhận. Tổ chức TGPL ngày càng thể hiện được vai trò của mình trong xã hội, thương hiệu Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nghệ An ngày càng được khẳng định.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được công tác phối hợp liên ngành về TGPL trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua còn có những hạn chế cần khắc phục như: Việc thông tin giới thiệu người được TGPL của các cơ quan tiến hành tố tụng cho Trung tâm vẫn còn bị bỏ sót; số lượng người thực hiện TGPL trực tại tòa án cũng như trực TGPL trong điều tra hình sự còn thiếu. Vẫn còn tình trạng người tiến hành tố tụng chưa nắm đầy đủ diện người được TGPL; tình trạng người tiến hành tố tụng không giới thiệu người được TGPL đến Trung tâm TGPL để được TGPL vẫn còn. Việc gửi văn bản tố tụng như Kết luận điều tra, Cáo trạng, Bản án, Quyết định ... còn chậm. Việc người thực hiện TGPL gặp gỡ bị can, bị cáo tại Nhà tạm giữ, Trại tạm giam chưa được tạo điều kiện thuận lợi; vẫn còn tình trạng gây khó khăn cho người thực hiện TGPL trong nghiên cứu và sao chụp hồ sơ. Ý kiến của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi chưa được coi trọng đúng mức.

 

Để công tác TGPL đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng.
Thứ hai, chú trọng việc trao đổi thông tin, giới thiệu người được TGPL giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với Trung tâm TGPL Nhà nước trong các lĩnh vực pháp luật, trong đó chú trọng việc giới thiệu, chuyển gửi các vụ việc trong lĩnh vực pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính. Việc gửi các văn bản tố tụng cần kịp thời, đầy đủ. Cơ quan tiến hành tố tụng cần tạo điều kiện thuận tiện nhất cho TGV, luật sư cộng tác viên trong quá trình tác nghiệp như gặp gỡ bị can bị cáo tại trại tạm giam, nhà tạm giữ, tạo thuận lợi cho TGV, luật sư cộng tác viên nghiên cứu, sao chụp hồ sơ, tài liệu vụ việc được nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi.
Thứ ba, tăng cường phối hợp giữa Tòa án nhân dân các cấp trong việc triển khai chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 19/05/2022 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao về chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng với Trung tâm TGPL nhà nước theo chương trình phối hợp số 5789/CTPH –BTP-BCA ngày 27/11/2023 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về trực TGPL trong điều tra hình sự.
Thứ tư, tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ những người tiến hành tố tụng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tiến hành khen thưởng kịp thời những người tiến hành tố tụng phối hợp tốt trong công tác TGPL, có hình thức xử lý những người tiến hành tố tụng vi phạm trong công tác TGPL.
Thứ năm, kiểm tra công tác TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời những trường hợp không giới thiệu đối tượng được TGPL đến Trung tâm TGPL, hoặc hướng dẫn người được TGPL từ chối dịch vụ TGPL.
Thứ sáu, tăng cường tranh tụng trong các phiên tòa cả hình sự, dân sự, hành chính; đề cao ý kiến của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi và ích hợp pháp của đương sự. Ý kiến của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi và ích hợp pháp của đương sự phải được ghi vào bản án đầy đủ, chính xác. Hội đồng xét xử phải lập luận cụ thể trong bản án vì sao đồng ý hay bác bỏ đề nghị của TGV, Luật sư.
Triển khai tốt các giải pháp trên sẽ giúp cho công tác TGPL ngày càng đạt chất lượng cao, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, cũng như góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà trong thời gian tới./.
Lê Văn Lý - Trưởng phòng Nghiệp vụ, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nghệ An
 
 

[1] Quyết định số 02/QĐ-HĐPH ngày 10/03/2022, Quyết định số 01/QĐ-HĐPH ngày 01/03/2023, Quyết định số 51/QĐ – HĐPH ngày 05/03/2024 về phối hợp liên ngành của công tác TGPL trong hoạt động tố tụng. Kế hoạch số 02/KH – HĐPH ngày 28/07/2022, Kế hoạch số 2071/KH – HĐPH ngày 01/12/2022, Kế hoạch về kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng. Kế hoạch số 265/KHPH – STP-TAND  ngày 20/02/2024, kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện chương trình về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
[2] Năm 2022 tổ chức 01 cuộc, năm 2023 tổ chức 01 cuộc.