Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017 thay thế Luật TGPL năm 2006, mở ra một hướng đi mới cho công tác TGPL, đó là đưa hình thức tham gia tố tụng thành hình thức trợ giúp pháp lý chính của công tác TGPL. Hướng đi mới này đã được xác định tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 – 2025.
Sau khi có Đề án, hằng năm, Bộ Tư pháp ban hành công văn xác định chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) với các mức cụ thể và có sự “co giãn” đối với từng mức thâm niên bổ nhiệm chức danh TGVPL - đây được coi là một giải pháp mạnh và có hiệu quả giúp đội ngũ TGVPL phát huy cao nhất sự năng động và trách nhiệm để vừa đảm bảo về chỉ tiêu số lượng vụ việc, vừa đáp ứng cao nhất yêu cầu về chất lượng vụ việc tố tụng. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong họat động tố tụng ở Trung ương đến địa phương và Tổ giúp việc cho Hội đồng cũng là một giải pháp hữu hiệu và thiết thực để việc TGPL trong hình thức tố tụng được thực hiện có thực chất và hiệu quả. Ngay từ năm 2016, khi lần đầu tiên Bộ Tư pháp ban hành Công văn về việc xác định chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho TGVPL, Lãnh đạo Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Nghệ An đã có sự chỉ đạo sát sao và quan tâm tạo điều kiện tốt nhất để đội ngũ TGVPL đẩy mạnh hoạt động này. Nhận thức sâu sắc về mục tiêu của Đề án cũng như yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động TGPL nói chung và hoạt động tố tụng nói riêng, đội ngũ TGVPL đã nhanh chóng nắm bắt và hòa nhịp vào bước đi mới của hoạt động tố tụng. Nỗ lực cố gắng của đội ngũ TGVPL trong quá trình triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL được thể hiện qua những con số về vụ việc tố tụng đầy ấn tượng, số vụ việc năm sau luôn cao hơn năm trước, đưa Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Nghệ An thành một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về số vụ việc tố tụng.
Chúng ta biết rằng, hoạt động xét xử là trọng tâm của cải cách tư pháp. Vì vậy, điều bắt buộc phải làm là nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp. Để thực hiện được điều này, đặt ra yêu cầu bắt buộc đội ngũ TGVPL phải nâng cao kỹ năng tranh tụng, phải thực sự phát huy bản lĩnh, tự tin, sắc sảo trong việc tranh tụng. Năng lực, trình độ, bản lĩnh của TGVPL tại phiên tòa cũng chính là uy tín, hình ảnh của cơ quan TGPL. Thời gian quan, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Nghệ An đã làm tốt nhiệm vụ phân công các TGVPL có kinh nghiệm, có trình độ, có năng lực về chuyên môn, có phong cách, bản lĩnh, có khả năng diễn đạt và phản ứng nhanh nhạy đối với các tình huống phát sinh tại phiên tòa để thực hiện việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách TGPL miễn phí đạt chất lượng cao nhất. Trên thực tế, đội ngũ TGVPL đã làm tốt việc đối đáp, tranh luận dân chủ với Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác để thực hiện trách nhiệm góp phần chứng minh sự thật của vụ án, đóng góp một phần quan trọng trong việc tăng cường tranh luận tại phiên tòa để đảm bảo dân chủ trong quá trình xét xử.
Trong các phiên tòa, vai trò, hình ảnh của người TGVPL thể hiện đậm nét nhất là ở kỹ năng hỏi và kỹ năng tranh luận. Với trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ được bồi dưỡng và rèn dũa qua thời gian hành nghề, tất cả các TGVPL đã ngày càng nâng cao các khả năng này tại phiên tòa. Vai trò của TGVPL tại các phiên tòa không chỉ được đánh giá qua các lập luận tranh tụng - “bàn cãi để tìm ra lẽ phải” để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của đương sự, bảo vệ sự công bằng, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, mà còn được thể hiện qua phong thái đĩnh đạc, kỹ năng chuyên nghiệp của các TGVPL. Bên cạnh góp phần giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện tốt hơn chức năng làm “cán cân công lý”, thì đội ngũ TGVPL cũng còn giúp cho phiên tòa được diễn ra đảm bảo đúng nguyên tắc, dân chủ hơn và với hình thức “đẹp” hơn.
Ghi nhận tại các phiên tòa, trước đây, khi đội ngũ TGVPL chưa tập trung vào hoạt động tố tụng, thì các phiên tòa có đương sự thuộc diện được hưởng chính sách TGPL thường diễn ra nhanh chóng, phần tranh tụng rất nhạt nhòa, nhưng kể từ khi thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL, đặc biệt khi Luật TGPL 2017 có hiệu lực, các phiên tòa được diễn ra với sự tham gia của đội ngũ TGVPL đã được mang thêm màu sắc mới, sôi nổi, sinh động, dân chủ, hấp dẫn hơn. Có khá nhiều vụ án, TGVPL không chỉ tranh luận với Kiểm sát viên, những người tham gia tố tụng khác mà còn tranh luận cả với Luật sư đồng nghiệp. Trong những tình huống như vậy, thì bên cạnh các kỹ năng cơ bản, TGCPL còn phải vận dụng nhuần nhuyễn các kỹ năng “mềm” để tăng thêm hiệu quả tranh luận. Tất cả các TGVPL của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Nghệ An đều đã từng thực hiện được các vụ án đạt kết quả cao hơn dự định ban đầu nhờ việc đánh giá các chứng cứ một cách đầy đủ, thấu đáo, vững chắc, đồng thời nhờ vào phần tranh luận sắc sảo và cứng cỏi.
Qua công tác thẩm định, thấy rằng, mặc dù số vụ việc tố tụng tăng nhiều qua từng năm, nhưng tất cả các vụ án mà TGVPL tham gia đều đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, trong đó có rất nhiều vụ án đạt kết quả rất cao. Điều này thể hiện ở chỗ, các vụ án hình sự, nhờ sự tranh tụng, đối đáp đầy thuyết phục của TGVPL mà Hội đồng xét xử đã chấp nhận mức án thấp nhất cho người bị buộc tội theo đề nghị của Kiểm sát viên (năm 2018: 128 vụ, năm 2019: 170 vụ, năm 2020: 110 vụ, con số này tiếp tục tăng trong các năm sau). Hiệu quả hơn nữa, còn có khá nhiều vụ án hình sự mà TGVPL đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng mức hình phạt thấp hơn đề nghị của Kiểm sát viên và được Hội đồng xét xử chấp nhận. Không chỉ vậy, đội ngũ TGVPL đã tham gia nhiều vụ án hình sự, giúp người bị buộc tội được hưởng án treo, dù Kiểm sát viên đề nghị áp dụng hình phạt tù có thời hạn (năm 2018: 06 vụ, năm 2019: 12 vụ, năm 2020: 10 vụ; con số này cũng tăng trong các năm sau).
Bên cạnh đó, nhiều vụ án dân sự cũng được TGVPL thực hiện thành công, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của đương sự, được đương sự và các cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận, trong đó phải nói đến các vụ án nhờ có sự vào cuộc đầy tâm huyết và trách nhiệm của các TGVPL mà tranh chấp đã được hòa giải thành, kết quả là Tòa án đình chỉ vụ án hoặc ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Có thể tự hào để khẳng định rằng, tất cả các vụ án mà TGVPL tham gia đều đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng vụ việc TGPL mà Bộ Tư pháp đã đề ra. Không chỉ vậy, mà còn có rất nhiều vụ án đạt chất lượng cao, đảm bảo tốt nhất quyền lợi hợp pháp của đương sự và góp phần quan trọng trong việc bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Theo phản hồi của các cơ quan tiến hành tố tụng, thì kỹ năng tham gia tố tụng của các TGVPL nhìn chung là tốt và đồng đều, đáp ứng yêu cầu góp phần nâng cao chất lượng của công tác TGPL nói chung, hoạt động tố tụng nói riêng.
Trong mọi phiên tòa, người TGVPL không chỉ mang trên mình trách nhiệm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của đương sự, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự công bằng, bảo vệ pháp chế, mà bên cạnh đó còn mang trách nhiệm khác không kém phần lớn lao – đó là tuyên truyền pháp luật cho người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên tòa. Chính vì vậy, việc xây dựng một hình ảnh người TGVPL chuẩn mực và đẹp đẽ là một nhiệm vụ thiêng liêng mà bất cứ người TGVPL chân chính nào cũng cần hướng đến.
Để phát huy vai trò, hình ảnh đẹp và ngày càng góp phần mang lại những màu sắc tươi mới cho các phiên tòa, đòi hỏi TGVPL khi tham gia phiên tòa xét xử phải làm tốt các yêu cầu sau: Nắm vững các quy định của pháp luật và đường lối đấu tranh phòng chống tội phạm; Nghiên cứu kỹ các nội dung vụ án và chứng cứ trong vụ án; Nắm chắc hồ sơ vụ án, các đặc điểm nhân thân, thái độ khai báo của bị cáo và những người tham gia tố tụng có liên quan; Nắm chắc được quan điểm truy tố và luận tội của Kiểm sát viên trình bày tại phiên tòa; Chuẩn bị tốt các chứng cứ, luận điểm để xây dựng bản luận cứ sắc sảo để thực hiện tranh tụng dân chủ và hiệu quả. Bên cạnh đó, để tranh luận tốt, thì TGVPL phải có thái độ tranh luận vừa sắc sảo vừa khiêm tốn, vừa mạnh mẽ vừa bình tĩnh, vừa thể hiện được bản lĩnh nghề nghiệp nhưng vừa phải thể hiện được sự tôn trọng ý kiến của Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác; Lời lẽ đối đáp và từ ngữ sử dụng khi tranh luận phải chính xác, dễ hiểu, sử dụng thuật ngữ pháp lý phải chính xác và phù hợp.
Với sự chỉ đạo sâu sát, đầy trách nhiệm của Lãnh đạo Trung tâm, cùng với trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, sự tận tâm, chu toàn và thái độ cầu thị của mình, hy vọng rằng người TGVPL luôn mang lại những màu sắc mới và sinh động cho những phiên tòa, ghi được dấu ấn tốt đẹp không chỉ trong mắt những người tiến hành tố tụng mà cả đối với những người tham gia tố tụng, góp phần quan trọng trong sự thành công của công cuộc cải cách tư pháp, từ đó giúp những người thuộc diện được thụ hưởng chính sách TGPL miễn phí được sử dụng dịch vụ này với chất lượng ngày càng tốt hơn./.
Hoàng Hà, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Nghệ An.