Hội thảo do ông Nguyễn Khánh Ngọc, thứ trưởng Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp và ông Sergiu Rusanovschi – Chuyên gia pháp lý và quyền trẻ em của UNICEF tại Việt Nam đồng chủ trì. Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đại diện Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Cục an ninh chính trị nội bộ thuộc Bộ Công an; Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao; Đại diện Sở Tư pháp, Đoàn luật sư, một số Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Công an cấp huyện thuộc thành phố Hà Nội; Lãnh đạo Trung tâm TGPL nhà nước, các Trợ giúp viên pháp lý của 10 tỉnh, thành phố (Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Đồng Tháp, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội) và đại diện UNICEF tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ chủ trương, chính sách TGPL cho trẻ em ngày càng được hoàn thiện, trẻ em với tư pháp, pháp luật được quan tâm. Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong việc triển khai các chính sách đó, trong đó có kết quả TGPL cho trẻ em. Luật TGPL có nhiều quy định mới về đối tượng, hình thức, tham gia TGPL cho các đối tượng, đặc biệt là đối tượng được TGPL là người chưa thành niên được quan tâm (trẻ em; người bị buộc tội là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính). Với mục tiêu tăng cường chất lượng TGPL người được TGPL đã được coi là trọng tâm. Trợ giúp viên pháp lý đã được giao chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng. Các văn bản hướng dẫn Luật TGL được ban hành và nhiều nội dung được các cơ quan triển khai (trong đó có ngành Công an, Tòa án, Kiểm sát, các cơ quan tiến hành tố tụng...). Bộ Tư pháp đã có nhiều quan tâm trong triển khai Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành (tập huấn về văn bản, bồi dưỡng kỹ năng...).
Tuy nhiên, vẫn cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để khẳng định vị trí của TGPL. Số lượng vụ việc TGPL cho các cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến Trung tâm còn thấp, vẫn còn người được TGPL chưa được tiếp cận dịch vụ. Nhằm khắc phục, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT để bảo đảm quyền TGPL trong tố tụng cho các đối tượng, đặc biệt là trẻ em và người chưa thành niên; đối tượng được cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời, giảm việc bỏ lọt đối tượng...
Cũng tại Hội nghị, ông Sergiu Rusanovschi, Chuyên gia pháp lý và quyền trẻ em của UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh pháp luật quốc tế có các tiêu chuẩn về TGPL cho trẻ em cao hơn pháp luật quốc gia, bảo đảm để trẻ em hiểu được, áp dụng được các quy định pháp luật cũng như tự do bày tỏ quan điểm trong các trường hợp.
Các quốc gia có các cách thức khác nhau trong tiếp cận TGPL cho trẻ em. Nhiều quốc gia đã thành công trong việc sử dụng luật sư trong TGPL cho trẻ em. Trước cam kết của cơ quan nhà nước của Việt Nam, Unicef muốn hỗ trợ Bộ Tư pháp và các Trung tâm TGPL nhà nước trong việc TGPL cho trẻ em. Trong bài trình bày tiếp theo, ông sẽ chia sẻ các mô hình TGPL luật sư trực thực hiện TGPL thành công tại các nước...
Trong bài trình bày “Những nguyên tắc chính trong hệ thống cung cấp TGPL hình sự hiệu quả: Đề án Luật sư trực ban”, Sergiu Rusanovschi đã nêu rõ các nội dung:
Về tập hợp các tiêu chuẩn về TGPL trong hình sự: ông đã nêu khái quát các quy định của quốc tế về bảo đảm đảm quyền được TGPL và vai trò tham gia TGPL của luật sư. Đặc biệt là các nội dung của Các nguyên tắc và Hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về Tiếp cận TGPL trong Hệ thống Tư pháp Hình sự đã nêu rõ: người đầu tiên cung cấp TGPL chính là luật sự; các Quốc gia bảo đảm quyền được TGPL cơ bản cho người bị giam giữ, bị bắt hoặc bỏ tù, bị nghi ngờ hoặc bị buộc tội và cho các nạn nhân và nhân chứng của tội phạm; những người cần TGPL khẩn cấp tại các đồn cảnh sát, trại tạm giam hoặc tòa án cần được cung cấp TGPL ban đầu trong khi chờ xác định đủ điều kiện được TGPL; các quốc gia cần yêu cầu các hiệp hội pháp lý hoặc luật sư lập một danh sách luật sư và trợ lý luật sư nhằm hỗ trợ xây dựng một hệ thống pháp lý toàn diện cho các đối tượng nêu trên ở tất cả các giai đoạn của quá trình xét xử. Các quốc gia cần có các biện pháp đặc biệt cho trẻ em như: thiết lập các cơ chế hỗ trợ TGPL chuyên biệt cho trẻ em; nhiêm cấm mọi hoạt động lấy lời khai của trẻ khi không có mặt luật sư hoặc người cung cấp TGPL khác; cung cấp thông tin về các quyền pháp lý phù hợp với độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ; thiết lập các tiêu chuẩn dịch vụ TGPL và bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp thân thiện với trẻ em; tăng cường các chương trình đào tạo về TGPL tiêu chuẩn; thiết lập các cơ chế/thủ tục nhằm đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ và hệ thống chuyển gửi giữa những người thực hiện TGPL và những người có chuyên môn khác nhau…
Các quốc gia có các quy định, tiêu chuẩn khác nhau luật sư trực thực hiện TGPL. Ông cũng chia sẻ mô hình luật sư trực thực hiện TGPL tại Ukraina, Moldova và Georgia, đặc biệt sau khi có Luật TGPL. Bộ Tư pháp là cơ quan đảm bảo xúc tiến ngân sách, chính sách chung cho mô hình. Hiệp hội Luật sư sẽ tham gia vào quá trình lựa chọn và giám sát luật sư, đặt ra các tiêu chuẩn nghề nghiệp. Việc thực hiện luật sư trực thông qua Cơ quan TGPL Quốc gia: đây là cơ quan bán độc lập, có 7 thành viên có bộ máy hành chính; nhiệm vụ là các quyết định về quản lý hệ thống, bao gồm đề xuất ngân sách, mức thù lao chi trả cho luật sư, trợ lý luật sư; có trách nhiệm báo cáo thường niên trực tiếp lên Bộ Tư pháp, Chính phủ và Quốc hội; Văn phòng Lãnh thổ của Cơ quan TGPL Quốc gia có trách nhiệm đảm bảo công tác thực hiện TGPL (tiếp nhận yêu cầu, quyết định về việc cung cấp, chỉ định luật sư, báo cáo/ giám sát và thanh toán).
Về hình thức, TGPL được cung cấp theo các hình thức: TGPL ban đầu, TGPL chuyên môn, TGPL khẩn cấp. Trong TGPL khẩn cấp được Nhà nước bảo đảm: Trong trường hợp bị bắt giữ trong quá trình tố tụng hình sự hoặc tố tụng hành chính (bị tạm giữ); Luật sư cung cấp trợ giúp pháp lý chuyên môn cần được bổ nhiệm vào danh sách luật sư thực hiện nhiệm vụ với sự đồng thuận của chính luật sư; việc cam kết đồng ý tham gia sẽ diễn ra ít nhất 01 tháng và thể hiện mức độ sẵn sàng của luật sư khi được chỉ định làm luật sư trực ban bất cứ khi nào trong vòng 24 giờ/ngày; cán bộ quản lý văn phòng lãnh thổ có nghĩa vụ chỉ định luật sư trực ban và thông báo cho cơ quan gửi yêu cầu trong vòng 3 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu…).
Về cách thức yêu cầu và chỉ định luật sư: Yêu cầu về luật sư trực ban được gửi đến Văn phòng Lãnh thổ của Cơ quan Trợ giúp Pháp lý Quốc gia dưới dạng văn bản, bao gồm qua fax hoặc e-mail. Văn phòng Lãnh thổ sẽ liên hệ với luật sư đầu tiên trong danh sách/lịch làm việc của ngày đó. Nếu luật sư đầu tiên không có mặt (không trả lời điện thoại trong vòng 30 phút), Văn phòng Lãnh thổ sẽ liên hệ với luật sư tiếp theo trong danh sách. Nếu luật sư tiếp theo không có mặt, Văn phòng Lãnh thổ sẽ liên hệ với luật sư trực ban trong danh sách của ngày tiếp theo cho đến khi xác định được luật sư có thể thực hiện trợ giúp pháp lý. Luật sư được xác định sẽ đến trong vòng 1,5 giờ từ lúc nhận được yêu cầu của Văn phòng Lãnh thổ. Trợ giúp pháp lý khẩn cấp trong các trường hợp vi phạm hành chính và hình sự được thực hiện trong giai đoạn một người bị bắt giữ cho đến khi được thả hoặc cho đến khi tòa án áp dụng biện pháp bắt giữ hình sự/hành chính. Luật sư được yêu cầu có thể từ chối cung cấp trợ giúp pháp lý khẩn cấp nếu không có lịch làm việc vào ngày hôm đó, trừ trường hợp tất cả luật sư trực ban đều không có mặt. Luật sư có thể bị gạch tên khỏi danh sách luật sư trực ban nếu: đến nơi thực hiện quá trình tố tụng chậm trễ; phớt lờ các cuộc gọi điện thoại (điện thoại tắt trong ngày làm việc); từ chối yêu cầu cung cấp trợ giúp pháp lý khẩn cấp một cách vô lý. Trong trường hợp không đạt được kết quả nhiều lần liên tiếp, Văn phòng Lãnh thổ sẽ chấm dứt hợp đồng với luật sư và thông báo cho Hiệp hội Luật sư và Cơ quan Trợ giúp Pháp lý Quốc gia. Luật sư trực ban sẽ nộp báo cáo hàng tháng về trợ giúp pháp lý khẩn cấp được thực hiện lên Văn phòng Lãnh thổ. Luật sư trực ban được trả thù lao theo quy định về số lượng và cách thức trả thù lao của luật sư cung cấp trợ giúp pháp lý chuyên môn được nhà nước bảo đảm.
Sau khi nghe ông Cù Thu Anh – Phó Cục trưởng Cục TGPL trình bày dự thảo Chương trình, các ý kiến phát biểu đều đánh giá cao dự thảo Chương trình và có các ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Chương trình. Các ý kiến phát biểu tập trung vào các vấn đề chính như sau:
1. Về sự cần thiết ban hành
Tất cả các ý kiến góp ý đều nhất trí về sự cần thiết ban hành vì cho rằng đây là quy định rất cần thiết để cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời cho đối tượng thuộc diện được TGPL, tránh bỏ lọt đối tượng; tăng cường công tác phối hợp TGPL trong tố tụng.
Đặc biệt, ý kiến của bà Ung Thị Xuân Hương, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh (địa phương đã từng triển khai trực tại Tòa án thành phố trước khi có Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT) một lần nữa đã khẳng định xuất phát từ thực tiễn triển khai của thành phố, nhận thấy việc xây dựng Chương trình phối hợp là cần thiết, sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong việc triển khai (đây là cái thành phố Hồ Chí Minh còn hạn chế khi triển khai).
2. Về địa phương và địa điểm thực hiện trực
- Có nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Chương trình không nên quy định cụ thể lựa chọn địa phương và Tòa án lựa chọn trực mà nên quy định chung tiêu chí chung, số lượng tối thiểu Tòa án lựa chọn, trên cơ sở đó các địa phương sẽ lựa chọn thực hiện và lựa chọn Tòa án thực hiện. Điều đó sẽ khả thi hơn.
- Về địa điểm trực tại Tòa án hay Cơ quan điều tra, có ý kiến (trong đó có ý kiến đại diện Bộ Công an) cho rằng nếu mở rộng địa điểm trực tại Cơ quan điều tra thì nên làm thí điểm, lựa chọn những nơi có cơ sở vật chất, nhân lực phù hợp triển khai, trên cơ sở đó đó mới mở rộng.
3. Về phương thức trực
- Có ý kiến đề nghị nên quy định phương thức trực linh hoạt (chỉ một số buổi, một số ngày trong tuần) để bảo đảm các địa phương chủ động trong việc thực hiện, phù hợp với điều kiện nguồn lực của địa phương và bảo đảm hiệu quả.
- Có ý kiến đề nghị phương thức trực trong trường hợp khẩn cấp (bắt, tạm giữ) phải phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng (trực 24/7 chứ không chỉ trực theo giờ hành chính).
4. Về trách nhiệm của người trực
Có ý kiến đề nghị chỉ nên quy định chung về trách nhiệm người trực vì việc trực và thực hiện TGPL tại nơi trực là theo quy định của Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, không cần thiết phải quy định chi tiết ở đây.
5. Về tăng cường phối hợp liên ngành trong TGPL cho người chưa thành niên
Một số ý kiến đã khẳng định rõ thể chế về TGPL cho các đối tượng, đặc biệt TGPL cho người chưa thành niên khá đày đủ, bảo đảm được quyền của đối tượng, không bỏ lọt đối tượng (Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư của các ngành như Thông tư số 46/2019/TT-BCA, Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT...).
Đồng thời, thực tiễn triển khai các quy định tại địa phương không gặp vướng mắc, việc phối hợp TGPL nói chung và TGPL cho người chưa thành niên giữa Trung tâm với các cơ quan tiến hành tố tụng nhìn chung tốt, số lượng vụ việc tham gia tố tụng và số lượng đối tượng do các cơ quan tiến hành tố tụng chuyển gửi đã tăng lên khi triển khai Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT.
Các đại biểu tham gia Hội thảo đánh giá rất cao và nhất trí về sự cần thiết ban hành dự thảo Chương trình.
Cục Trợ giúp pháp lý