Năm 2024, Sở Tư pháp - cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành và các thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành đã xây dựng, ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, công văn, thông báo, báo cáo về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng.
Theo đó, chỉ tính từ 1/1 đến 31/10/2024 Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và Chi nhánh đã tiếp nhận mới 203 vụ việc tham gia tố tụng thuộc diện TGPL, tăng hơn 66% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, Trung tâm đã lắp đặt, gửi bổ sung 40 bảng chức năng nhiệm vụ của Trung tâm; 40 bảng danh sách Luật sư thực hiện TGPL, Trợ giúp viên pháp lý gửi đến các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh thay thế các bảng thông tin đã cũ; biên soạn, in ấn 12.000 tờ gấp pháp luật về các lĩnh vực dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình để cấp, phát cho các cơ quan tiến hành tố tụng, Phòng Tư pháp 10 huyện, thành phố, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp khá tốt với Trung tâm TGPL trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, khi phát hiện đối tượng trong diện TGPL đã giải thích, hướng dẫn về cho Trung tâm.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, trong đó, Công an tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu người thuộc diện TGPL cho Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh ngay từ tin báo tố giác tội phạm đến giai đoạn đầu điều tra; Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đóng vai trò rà soát, giám sát việc giới thiệu người... Với mong muốn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để làm tốt hơn công tác TGPL – chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật, bảo đảm mọi công dân trong xã hội đều bình đẳng trước pháp luật, trong năm tới.
Dịp này, Giám đốc Sở Tư pháp tặng giấy khen cho 6 tập thể và 11 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp TGPL năm 2024.
NINH CHINH
Nguồn: Báo Pháp luật Bình Thuận Online