Lớp tập huấn được tổ chức trong 03 ngày từ 26-28/12/2019, Bà Nguyễn Thị Minh – Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý và Ông Sergiu Rusanovschi – Chuyên gia pháp lý và quyền trẻ em, UNICEF đồng chủ trì; Các giảng viên tại lớp tập huấn gồm TS. Nguyễn Thị Minh – Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Ông Sergiu Rusanovschi – Chuyên gia pháp lý và quyền trẻ em, UNICEF, PGS.TS. Đỗ Thị Phượng – Giảng viên Đại học Luật Hà Nội, Ông Trần Nguyên Tú – Phó Trưởng phòng Tài chính và Quản lý chất lượng TGPL, Cục Trợ giúp pháp lý, Ông Võ Vũ Liêm – Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh Bến Tre cùng với sự tham gia của 40 đại biểu là những người đang thực hiện TGPL. Khai mạc lớp tập huấn, bà Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý nhấn mạnh, Luật TGPL năm 2017 ra đời, cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo thành hệ thống văn bản pháp luật về TGPL tương đối đầy đủ và đồng bộ. Nhiệm vụ bây giờ là phải làm tốt việc thi hành Luật và các văn bản hướng dẫn vào cuộc sống một cách có hiệu quả. Một trong những điểm mới của Luật TGPL năm 2017 là quy định mở rộng một số nhóm đối tượng được hưởng TGPL như: Trẻ em, Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính,...Trên thực tế, thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại gây bức xúc trong xã hội. Từ những yêu cầu của pháp luật và từ thực tiễn đặc thù của đối tượng được TGPL là trẻ em và người 16-dưới 18 tuổi (chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần), đòi hỏi người thực hiện TGPL cần am hiểu về đối tượng được TGPL, kỹ năng TGPL cho người dưới 18 tuổi. Do vậy, Cục trưởng đề nghị trong thời gian tập huấn, các học viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham dự đầy đủ các buổi học; thẳng thắn trao đổi những vấn đề chưa rõ, những hạn chế bất cập trong các quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của mình để cùng với báo cáo viên làm sáng tỏ những vấn đề cùng quan tâm, tích lỹ nhiều kinh nghiệm và học tập được nhiều bổ ích trong đợt tập huấn này.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Unicef – ông Sergiu Rusanovschi cũng nhấn mạnh: việc bảo vệ những nạn nhân, người bị hại là trẻ em là một nhiệm vụ rất quan trọng. Để có thể thực hiện TGPL tốt cho đối tượng này, người thực hiện TGPL cần hiểu về quá trình phát triển tâm sinh lý, nhu cầu của trẻ và cách thức để giúp họ tiếp cận dịch vụ TGPL một cách thuận lợi và có chất lượng. Những người thực hiện TGPL phải có kỹ năng tiếp xúc, làm việc với người chưa thành niên, tạo điều kiện thuận lợi, tạo cảm giác thoải mái để người chưa thành niên có thể chia sẻ những vấn đề mình đang gặp phải. Từ đó, người thực hiện TGPL mới có thể tiếp cận với người chưa thành niên, hiểu vấn đề của họ và có những phương pháp để cung cấp dịch vụ TGPL nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Chất lượng hệ thống TGPL tốt hay không phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng cung cấp dịch vụ TGPL của người thực hiện TGPL.
Tiếp đó, PGS.TS Đỗ Thị Phượng – giảng viên Đại học Luật Hà Nội đã trình bày các chuẩn mực quốc tế về trợ giúp pháp lý cho người dưới 18 tuổi và pháp luật Việt Nam về TGPL cho người dưới 18 tuổi.
Ngày thứ hai, bà Nguyễn Thị Minh trình bày các quy tắc cơ bản trong quá trình thực hiện TGPL cho người dưới 18 tuổi và ông Trần Nguyên Tú trình bày khái quát về quy trình TGPL thân thiện cho người dưới 18 tuổi thuộc đối tượng được TGPL.Buổi chiều, ông Võ Vũ Liêm, Giám đốc Trung tâm TGPL NN tỉnh Bến Tre trao đổi với lớp tập huấn về kỹ năng tham gia tố tụng, kỹ năng tư vấn, đại diện ngoài tố tụng cho người dưới 18 tuổi nhằm giúp các học viên trau dồi về kỹ năng TGPL cho người dưới 18 tuổi đáp ứng yêu cầu của pháp luật TGPL và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Tại lớp tập huấn, dưới sự hướng dẫn, gợi mở của các báo cáo viên, các học viên đã phân tích nhiều ví dụ, tình huống thực tiễn và tình huống giả định do báo cáo viên đưa ra; ngoài ra, các học viên còn tích cực đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm về các tình huống, các vấn đề vướng mắc từ góc độ pháp lý và thực tiễn hành nghề cũng như các vấn đề về lý luận liên quan đến nội dung học.
Để có thể đánh giá được trình độ, kiến thức, hiểu biết của các học viên, Ban tổ chức lớp đã phát bài kiểm tra trước tập huấn với một số nội dung như sau:
- Về một số yếu tố, nguyên nhân có thể dẫn đến vi phạm pháp luật của trẻ em: kết quả cho thấy 30% học viên chưa nhận diện được các nguyên nhân;
- Về những giải pháp có thể ngăn ngừa việc vi phạm pháp luật của trẻ em: kết quả là 24% học viên chưa nhận biết được các giải pháp;
- Về cách nhận diện những vấn đề, thiếu sót trong việc xử lý vụ viêc của các bên liên quan: kết quả cho thấy 17% học viên chưa nhận biết được các vấn đề;
- Về những biện pháp có thể giúp đỡ người được TGPL: kết quả cho thấy 12% học viên chưa nhận diện được các biện pháp cần thiết để giúp đỡ.
- Về những yếu tố cần lưu ý để có thể hỗ trợ cho người được TGPL (kết quả cho thấy 12% học viên chưa nhận diện được những yếu tố cần lưu ý để giúp đỡ).
Cuối khóa học, nhằm đánh giá một lần nữa về trình độ, hiểu biết của học viên sau khi tham gia lớp tập huấn, ngày cuối cùng, Ban tổ chức đã phát bài kiểm tra sau tập huấn với cùng nội dung như bài kiểm tra trước tập huấn và đã nhận được kết quả khả quan hơn, cụ thể:
- kiểm tra về một số yếu tố, nguyên nhân có thể dẫn đến vi phạm pháp luật của trẻ em (kết quả cho thấy 83% học viên đã nhận diện được các nguyên nhân),
- kiểm tra về những giải pháp có thể ngăn ngừa việc vi phạm pháp luật của trẻ em (kết quả cho thấy 94% học viên đã nhận biết được các giải pháp),
- kiểm tra về cách nhận diện những vấn đề trong việc xử lý vụ viêc của các bên liên quan (kết quả cho thấy 87% học viên đã nhận biết được các vấn đề),
- kiểm tra về những biện pháp có thể giúp đỡ người được TGPL (kết quả cho thấy 97% học viên nhận diện được các biện pháp cần thiết để giúp đỡ).
- kiểm tra về những yếu tố cần lưu ý để có thể hỗ trợ cho người được TGPL (kết quả cho thấy 100% học viên nhận diện được những yếu tố cần lưu ý để giúp đỡ).
Như vậy, có thể thấy rằng, nhìn chung các học viên đã thu thập được nhiều kiến thức sau lớp tập huấn; trình độ, hiểu biết của học viên đã nâng lên thể hiện qua so sánh số liệu những người nhận diện được nguyên nhân, giải pháp và cách ứng xử đối với vụ việc có liên quan đến người dưới 18 tuổi là người được TGPL đã tăng lên đáng kể.
Cục Trợ giúp pháp lý