Bến Tre: Triển khai Chương trình trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự

Sau khi Bộ Công an và Bộ Tư pháp ký Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Tư pháp về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự, ngày 25/3/2024 lãnh đạo Sở Tư pháp và Công an tỉnh Bến Tre cũng đã thống nhất xây dựng và ban hành Kế hoạch số 487/KHPH-STP-CAT về việc phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện Chương trình phối hợp này, Sở Tư pháp Bến Tre đã chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh có lịch phân công Trợ giúp viên pháp lý trực trợ giúp pháp lý qua điện thoại, 24/24 giờ. Người trực trợ giúp pháp lý phải có đủ năng lực để tiếp nhận, hướng dẫn về thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Sáng ngày 10/10/2024 vừa qua, trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình phối hợp về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự vừa nêu. Đến tham dự Hội nghị có tất cả Trợ giúp viên, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm và các Điều tra viên đại diện Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh; Đội Điều tra Tổng hợp - Công an các huyện, thành phố Bến Tre, Công an các xã, phường của TP. Bến Tre và Công an các xã bãi ngang vùng đặc biệt khó khăn ven biển của tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị ông Võ Minh Thưởng, Giám đốc Sở Tư pháp kiêm Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý tỉnh cho rằng: hiện nay rất cần thiết xây dựng chương trình phối hợp về trực trợ giúp pháp lý  trong điều tra hình sự. Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã có nhiều quy định mới về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý như: Trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ trong việc thông báo, giải thích, hướng dẫn và bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý; yêu cầu hoặc đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý bào chữa, bảo vệ cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Vì vậy, ông đề nghị cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng quyền trợ giúp pháp lý của mình, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng chặt chẽ, đúng cơ chế phối hợp theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, Thông tư liên tịch số 10 ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng yếu thế được tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng, góp phần hỗ trợ các Điều tra viên điều tra vụ án được khách quan, nhanh chóng và cũng góp phần nâng cao chất lượng điều tra viên cũng như các mặt công tác điều tra. 

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được nghe triển khai các nội dung, chuyên đề: cơ chế tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý; việc kết nối giữa cơ quan điều tra hình sự và người trực trợ giúp pháp lý, cơ quan thực hiện trợ giúp pháp lý (Trung tâm trợ giúp pháp lý và các Chi nhánh); Các công việc người thực hiện trợ giúp pháp lý cần làm khi trực qua điện thoại; công bố danh sách, số điện thoại người trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự tại tỉnh
Hội nghị lần này cho thấy Ngành Tư pháp Bến Tre tích cực, quyết tâm triển khai có hiệu quả các quy định về quyền của người được trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh nhà trong các vụ việc, vụ án hình sự; tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh với cơ quan điều tra, Điều tra viên được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Trại giam, Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Trại tạm giam Công an cấp tỉnh, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện, Công an cấp xã về thực hiện trợ giúp pháp lý cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đặc biệt là trong việc giải thích, thông tin, thông báo về trợ giúp pháp lý.
 
Vũ Liêm – Quang Vinh
(Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bến Tre)