Trước đó, vào ngày 24/02/2024 tại khu vực bản K, xã PK, thành phố Điện Biên Phủ. Q. V. L, L. V. K, L. V. L đã rủ nhau đi mua ma túy về khu vực cánh đồng có nhà hoang cùng sử dụng. Sau khi sử dụng ma túy, L và N bị say thuốc đi ngủ, còn K bị sốc thuốc, do không được cấp cứu kịp thời L bị suy hô hấp phổi, ngạt thở dẫn đến tử vong. Ngay khi tiếp nhận tin báo tội phạm, xác định vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, Cơ quan Cảnh sát điều tra thành phố Điện Biên Phủ đã thụ lý, xác minh tin báo, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 255 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung tại điểm a khoản 3 "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người" có khung hình phạt từ 15 năm đến 20 năm tù; chuyển hồ sơ đến cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh để giải quyết theo thẩm quyền. Cán bộ trực tiếp giải quyết vụ án đã thực hiện việc thông tin, giải thích về trợ giúp pháp lý, hướng dẫn cho L và K viết đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và thông báo cho Trunng tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên theo quy định. Trung tâm đã phân công người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa cho L và K theo diện được trợ giúp pháp lý là người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý người bào chữa đã tham gia lấy lời khai người bị tố giác, hỏi cung bị can; gặp gỡ người được trợ giúp pháp lý để giải thích pháp luật, thống nhất phương án bào chữa; gặp gỡ người thân thích để tìm hiểu về nhân thân, nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội và thu thập tài liệu chứng minh cho định hướng bào chữa.
Sau các hoạt động của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý; K và L đã nhận thức các quy định pháp luật; xác định hành vi của mình là vi phạm pháp luật và thành khẩn khai báo về những hoạt động mà mình đã thực hiện và mong muốn bồi thường thiệt hại cho gia đình cháu L. Tuy nhiên, do điều kiện hoàn cảnh gia đình L và K khó khăn, không có khả năng hỗ trợ cho con em mình để bồi thường thiệt hại cho gia đình cháu L; người bào chữa đã thuyết phục người đại diện hợp pháp của bị hại không yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với L, K và được bà H đồng ý.
Tại phiên tòa, với các hoạt động xét hỏi, tranh luận; người thực hiện trợ giúp pháp lý đã đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, xem xét đến hoàn cảnh nhân thân và hoàn cảnh phạm tội để quyết định mức thấp nhất của khung hình phạt (15 năm) cho những người được trợ giúp pháp lý. Với những đề xuất hợp tình hợp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý; Hội đồng xét xử đã chấp nhận và quyết định mức thấp nhất của khung hình phạt đối với K, chấp nhận mức hình phạt 15 năm 06 tháng tù đối với L do xét đến vai trò tham gia của L trong vụ án và cũng đồng thuận với đề nghị về miễn án phí, miễn hình phạt bổ sung. Đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý: Vụ việc thành công theo tiêu chí số 06 - Tiêu chí xác định vụ việc tham gia tố tụng thành công ban hành kèm theo Quyết định số 1179/QĐ-BTP ngày 16/5/2021 của Bộ Tư pháp.
Thông qua việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên đã giúp cho L, K nhận thức đầy đủ các quy định pháp luật; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Mặt khác, qua vụ việc với các hoạt động tích cực của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý đã giúp gia đình người được trợ giúp pháp lý và người dân tham gia phiên toà nhận thức đầy đủ hơn về quy định pháp luật; hiểu hơn về chính sách trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý trợ giúp viên pháp đã giải thích, tuyên truyền cho người được trợ giúp pháp lý, người thân thích cũng như những người đến tham dự phiên tòa về tác hại, hệ lụy của ma túy đối với bản thân người sử dụng ma túy, gia đình và xã hội; góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân về phòng, chống tác hại của ma túy./.
Nguyễn T. Thu Huyền - Trung tâm TGPLNN tỉnh Điện Biên