Quảng Ngãi: Sở Tư pháp và Công an tỉnh ký kết Chương trình phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự
Thực hiện Chương trình phối hợp số 5789/CTPH-BTP-BCA ngày 27/11/2023 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự. Vừa qua, Sở Tư pháp và Công an tỉnh thống nhất ký kết Chương trình phối hợp số 01/CTPH-STP-CAT ngày 11/4/2024 giữa Sở Tư pháp và Công an tỉnh về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự được triển khai trên toàn tỉnh Quảng Ngãi.
Sự kiện đánh dấu lần đầu tiên có trực trợ giúp pháp lý 24/24 giờ trong điều tra hình sự được triển khai trên toàn quốc từ Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, hệ thống cơ sở giam giữ thuộc Công an nhân dân đến Công an cấp xã bảo đảm cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý tiếp cận sớm với trợ giúp pháp lý , được giải thích đầy đủ, cung cấp và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời; hạn chế việc người dân thuộc diện trợ giúp pháp lý bị bỏ lỡ cơ hội được trợ giúp pháp lý miễn phí. Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ, nỗ lực của cán bộ ngành Tư pháp và ngành Công an giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; giúp quá trình tố tụng khách quan, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiếp cận công lý cho người dân.
Mục đích của buổi ký kết là để đảm bảo người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã (sau đây gọi chung là người bị bắt); người bị tạm giữ, bị can, bị hại, đương sự là người thuộc diện được trợ giúp pháp tiếp cận sớm với trợ giúp pháp lý, được giải thích đầy đủ, cung cấp và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, chất lượng, phù hợp với người dưới 18 tuổi và các đối tượng đặc thù khác. Tăng số lượng người sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý, nâng cao vị thế, vai trò của trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự. Bảo đảm triển khai có hiệu quả các quy định về tố tụng hình sự, nhất là quyền của người được trợ giúp pháp lý trong các vụ việc, vụ án hình sự. Tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước (sau đây gọi tắt là Trung tâm) với cơ quan điều tra của Công an, các cơ quan của Công an được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Trại tạm giam Công an tỉnh, Nhà tạm giữ Công an huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là Công an cấp huyện), Công an xã, phường, thị trấn (gọi chung là Công an cấp xã) về thực hiện trợ giúp pháp lý cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đặc biệt trong việc giải thích, thông tin, thông báo về trợ giúp pháp lý.
Việc phối hợp được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp, Công an tỉnh bảo đảm phù hợp với điều kiện, nguồn lực của mỗi bên. Xác định rõ trách nhiệm của Sở Tư pháp, Công an tỉnh; chủ động, tạo điều kiện thuận lợi để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt hiệu quả thiết thực. Các hoạt động phối hợp được triển khai thực hiện thống nhất, thường xuyên, kịp thời, hiệu quả nhằm đạt được mục đích đặt ra của Chương trình.
Về Hình thức trực: Hình thức trực là trực qua điện thoại. Cơ quan điều tra và cơ quan của Công an được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Trại tạm giam Công an tỉnh, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện, Công an cấp xã kết nối với người trực qua điện thoại và tạo điều kiện thuận lợi cho người thuộc diện TGPL được tiếp cận dịch vụ TGPL.
Trung tâm có trách nhiệm cung cấp danh sách số điện thoại của người được phân công trực tại trụ sở và niêm yết danh sách tại trụ sở đơn vị của Cơ quan điều tra, cơ quan của Công an được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Trại tạm giam Công an tỉnh, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện, Công an cấp xã.
Khi phát hiện người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị hại, đương sự là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc do họ tự nhận là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Trại tạm giam Công an tỉnh, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện, Công an cấp xã trên địa bàn tỉnh gọi điện thoại thông báo ngay cho người trực hoặc người hỗ trợ trực; cung cấp họ tên, số điện thoại, địa chỉ của người đó hoặc người thân thích của họ (nếu có) cho người trực hoặc người hỗ trợ trực.
Sau khi tiếp nhận thông tin, người trực hoặc người hỗ trợ trực có trách nhiệm liên hệ ngay với người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ để xác minh thông tin, hướng dẫn họ thực hiện các thủ tục để được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý. Trường hợp người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can không bị tạm giam, bị hại, đương sự trong vụ án hình sự, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, người trực hoặc người hỗ trợ trực hướng dẫn người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ để thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý. Trường hợp người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can bị tạm giam và không thuộc trường hợp quy định bào chữa từ khi kết thúc điều tra theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, người trực phối hợp với Điều tra viên, cán bộ điều tra đang thụ lý, giải quyết vụ việc, người có thẩm quyền của Trại tạm giam Công an tỉnh, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện để kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý. Khi đến trụ sở của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Trại tạm giam Công an tỉnh, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện, Công an cấp xã, người trực xuất trình Thẻ Trợ giúp viên pháp lý. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Trại tạm giam Công an tỉnh, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện, Công an cấp xã căn cứ theo điều kiện trụ sở thực tế và đặc thù công việc để bố trí địa điểm phù hợp cho người trực kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý. Việc gặp để kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, thi hành tạm giữ, tạm giam và pháp luật về trợ giúp pháp lý. Người hỗ trợ trực có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của người trực. Thống kê việc gọi điện thông báo cho người trực, người hỗ trợ trực: Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Trại tạm giam Công an tỉnh, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện, Công an cấp xã thống kê việc gọi điện thoại thông báo cho người trực, người hỗ trợ trực vào sổ trực ban hoặc sổ khác để phục vụ việc thống kê. Người trực hoặc người hỗ trợ trực thống kê vào sổ trực trợ giúp pháp lý theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Sở Tư pháp Quảng Ngãi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Trại tạm giam Công an tỉnh, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện, Công an cấp xã để triển khai thực hiện Chương trình; thống nhất về việc niêm yết danh sách, số điện thoại của người trực, số điện thoại của người hỗ trợ trực, số điện thoại trực của Trung tâm. Chỉ đạo Trung tâm lập dự toán cho việc thực hiện Chương trình; lập danh sách, phân công người trực, người hỗ trợ trực thực hiện nội dung phối hợp theo Chương trình; chi trả bồi dưỡng, thù lao, chi phí phát sinh trong quá trình trực trợ giúp pháp lý cho người trực, người hỗ trợ trực; thống kê vào sổ trực trợ giúp pháp lý; đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình và đề xuất giải pháp gửi Sở Tư pháp. Đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện, sơ kết, tổng kết Chương trình trên địa bàn tỉnh và đề xuất giải pháp gửi Bộ Tư pháp.
Công an tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Trại tạm giam Công an tỉnh, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện, Công an cấp xã triển khai thực hiện Chương trình như sau:Phối hợp với Trung tâm để triển khai thực hiện Chương trình; thống nhất về việc niêm yết danh sách, số điện thoại của người trực, số điện thoại của người hỗ trợ trực, số điện thoại trực của Trung tâm tại trụ sở đơn vị. Thống kê việc gọi điện thoại cho người trực, người hỗ trợ trực. Bố trí địa điểm, điều kiện phù hợp để người trực kiểm tra diện người được TGPL, gặp gỡ, làm việc với người được trợ giúp pháp lý. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình tại cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Trại tạm giam Công an tỉnh, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện, Công an cấp xã. Hướng dẫn cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Trại tạm giam Công an tỉnh, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện, Công an cấp xã thống kê việc gọi điện cho người trực, người hỗ trợ trực.
Nguyễn Lệ, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnhQuảng Ngãi