Căn cứ vào mục tiêu, nội dung, đối tượng được xác định trong Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 496/QĐ-UBND ngày 11/9/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Trong đó, có Nội dung số 03 thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 10: “Tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Ngay sau khi được Sở Tư pháp giao bổ sung kinh phí sự nghiệp thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 theo Quyết định số 114/QĐ-STP ngày 11/10/2023, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Ninh Thuận (sau đây viết tắt là Trung tâm) ban hành Kế hoạch số 171/KH-TTTGPL ngày 12/10/2023 về triển khai thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 (được Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt tại Quyết định số 119/QĐ-STP ngày 13/10/2023). Theo Kế hoạch, Trung tâm tổ chức thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý tại 19 địa điểm (14 xã và 05 thôn đặc biệt khó khăn) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Nhằm tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng cho người dân thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi gặp vướng mắc, tranh chấp pháp luật; đồng thời nâng cao công tác phối kết hợp của chính quyền cơ sở, của người có uy tín trong cộng đồng để đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Trong đợt truyền thông, Trung tâm cấp phát miễn phí 570 quyển tài liệu truyền thông do Trung tâm biên soạn; cấp phát miễn phí 3.800 tờ gấp pháp luật với 4 loại (nội dung) khác nhau. Trong mỗi quyển tài liệu có đính kèm mẫu Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý (Mẫu số 02-TP-TGPL ban hành kèm theo Thông tư số 12 /2018/TT-BTP), mẫu Giấy giới thiệu (Mẫu số 13-TP-TGPL ban hành kèm theo Thông tư số 03/2021/TT-BTP), địa chỉ và số điện thoại của Trung tâm để cán bộ xã, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng làm cầu nối trong việc giới thiệu người dân đến với Trung tâm; đồng thời người dân dễ dàng liên hệ (gọi điện thoại) khi họ có nhu cầu cần giúp đỡ về pháp luật.
Nhờ có sự phối kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thống nhất về thời gian, địa điểm, nội dung và thành phần tham dự nên đợt truyền thông đã thu hút 766 lượt người dân tham dự; tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật 36 vụ việc về lĩnh vực hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình, chính sách.
Thông qua hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần đưa pháp luật đi vào cuộc sống, giúp người dân nói chung, người dân tộc thiểu số nói riêng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật để hiểu đúng, hiểu đủ, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của người công dân, giảm thiểu tranh chấp, vi phạm pháp luật, giúp xóa đói giảm nghèo và ổn định tình hình an ninh chính trị - xã hội tại địa phương./.
Đinh Nhì - Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Ninh Thuận