Ra đời từ nhu cầu pháp luật của người nghèo, sau 26 năm kể từ ngày 6/9/1997 - ngày Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 734-TTg về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý, đến nay công tác trợ giúp pháp lý đã trải qua nhiều bước phát triển và trong mỗi chặng đường đó đều gắn liền với người nghèo trong từng vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể. Hướng ứng hoạt động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2023 (từ ngày 17/10 đến ngày 18/11/2023), xin điểm qua hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý đồng hành cùng người nghèo trong một số vụ việc cụ thể.
I. TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI NGHÈO
Hiện nay, theo quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 thì chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Chuẩn hộ nghèo ở khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Nhà nước và xã hội luôn dành nhiều ưu đãi cho các hộ nghèo, như được bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ về chi phí khám, chữa bệnh; miễn học phí cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ vay vốn xây nhà ở; hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hàng tháng, trợ giúp pháp lý và các ưu đãi khác. Trong đó, trợ giúp pháp lý là dịch vụ pháp lý miễn phí cho cho người nghèo và những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý khác. Thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì trợ giúp pháp lý cho người nghèo đã đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững, góp phần bảo vệ quyền của người nghèo, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Trợ giúp pháp lý ở Việt Nam ra đời từ năm 1997 xuất phát từ nhu cầu giúp đỡ pháp luật của người nghèo và trong suốt quá trình hình thành, phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý luôn đồng hành cùng công tác giảm nghèo nói riêng và công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Hiện nay, theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, người thuộc hộ nghèo được Nhà nước cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí. Toàn quốc hiện có 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc 63 Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 97 Chi nhánh thuộc các Trung tâm; bên cạnh đó còn có các công ty luật, văn phòng luật sư, trung tâm tư pháp pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý. Khi người thuộc hộ nghèo gặp vướng mắc, tranh chấp pháp luật về hình sự, dân sự, hành chính và các lĩnh vực pháp luật khác (trừ lĩnh vực kinh doanh thương mại) hãy đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý tại địa phương để được trợ giúp pháp lý miễn phí bằng hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng trong vụ việc của mình.
Luật TGPL còn quy định về quyền của người được trợ giúp pháp lý là người nghèo bao gồm: được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hay lợi ích khác; tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, tổ chức khác yêu cầu trợ giúp pháp lý; được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan; lựa chọn, thay đổi tổ chức, người thực hiện trợ giúp pháp lý; thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý… và các quyền khác theo quy định pháp luật. Với những quy định này của Luật TGPL đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho quyền được trợ giúp pháp lý cho người thuộc hộ nghèo.
Trong thời gian qua, với phương châm “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, với sự quan tâm chỉ đạo của Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp các tổ chức trợ giúp pháp lý đã tích cực thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo và những người yếu thế trong xã hội. Mỗi năm, các tổ chức thực hiện TGPL cung cấp miễn phí hàng chục nghìn vụ việc TGPL cụ thể cho người nghèo và các đối tượng khác qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Cụ thể, trong suốt quá trình 26 năm thành lập đến nay, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tích cực thực hiện trợ giúp pháp lý cho các diện người được trợ giúp pháp lý, trong đó có người nghèo. Theo số liệu từ Cục Trợ giúp pháp lý cho biết, từ khi thành lập đến nay, sau gần 26 năm, trên toàn quốc đã thực hiện được khoảng 2,4 triệu lượt người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, trong đó có hơn 811 nghìn lượt người nghèo (chiếm 33,9%). Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng lên. Số lượng vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả ngày càng nhiều lên, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng có quan điểm bào chữa, bảo vệ của người thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng lợi cho người được TGPL như được tăng mức bồi thường thiệt hại hay được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hoặc thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát, thậm chí được vô tội...
II. HIỆU QUẢ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI NGHÈO TRONG MỘT SỐ VỤ VIỆC CỤ THỂ
1. Hiệu quả trợ giúp pháp lý khi bào chữa cho người nghèo là người bị buộc tội trong vụ án cố ý gây thương tích
Ở tỉnh K.G, do có mâu thuẫn với nhau từ trước, vào khoảng 19h ngày 21/7/2019, sau khi đi uống rượu về anh P.V.T dùng lời lẽ thô tục xúc phạm ông Đ.V.D (ngụ cùng ấp) vì anh P.V.T cho rằng ông Đ.V.D lấn ranh đất của mình. Nghe anh T lớn tiếng xúc phạm, ông D từ trong nhà đi ra chỗ anh T đang đứng và hai bên cãi cọ với nhau. Sau đó anh T nhặt một đoạn gỗ ở gần đó đánh trúng vào đùi phải, đùi trái khiến ông D bỏ chạy về nhà. Thấy vậy anh T tiếp tục đuổi theo và đánh một cây trúng vùng sườn phải ông D gây thương tích. Mọi người đến can ngăn anh T, còn ông D được gia đình chuyển đến Bệnh viện điều trị. Hậu quả ông D bị gãy cung sau xương sườn IX và gãy cung sau xương sườn X bên phải.
Tại bản kết luận điều tra vụ án hình của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện AB đã quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra đến Viện kiểm sát nhân dân huyện AB đề nghị truy tố bị can P.V.T về tội "Cố ý gây thương tích" được quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Bản cáo trạng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện AB, tỉnh K.G truy tố bị can P.V.T phạm tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 34 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm).
Vụ việc được Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh K.G thực hiện TGPL cho P.V.T. Nhận thấy hành vi phạm tội của P.V.T thuộc một trong các trường hợp nếu người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án được đình chỉ, Trợ giúp viên pháp lý đã giải thích cho P.V.T hiểu, ý thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, hướng dẫn P.V.T chủ động hòa giải, bồi thường thiệt hại cho ông Đ.V.D số tiền thuốc điều trị phát sinh là 10.000.000đ (mười triệu đồng) và tiền mất thu nhập là 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng), tổng số tiền phải bồi thường là 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng). Đồng thời, Trợ giúp viên pháp lý đã phân tích, giải thích ý nghĩa, hậu quả của việc bị hại rút yêu cầu khởi tố khi nhận tiền bồi thường. Sau khi được phân tích và nhận bồi thường, ông Đ.V.D đã tự nguyện rút lại yêu cầu khởi tố. Ngày 26/02/2020, Tòa án nhân dân huyện AB đã ra Quyết định đình chỉ vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý đối với bị cáo P.V.T. Khi vụ án hình sự được đình chỉ, P.V.T không phải chịu trách nhiệm hình sự, có ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân, về hành vi ứng xử của bản thân đối với các mối quan hệ trong đời sống hằng ngày, được tiếp tục sinh sống cùng gia đình và làm việc, tạo ra thu nhập chính đáng để phụ giúp gia đình, đóng góp cho xã hội. Đồng thời, việc không bị xét xử trước tòa án không chỉ giúp cho nhân thân và gia đình của người được TGPL không bị ảnh hưởng mà còn thể hiện tính nhân văn trong pháp luật hình sự của Nhà nước ta.
2. Hiệu quả trợ giúp pháp lý khi bào chữa cho người nghèo là người bị buộc tội trong vụ án tàng trữ trái phép vật liệu nổ
Tại tỉnh H.B, khoảng đầu tháng 7/2021, B.V.M trên đường đi làm về thì thấy ở ven đường ngoài khu vực khai thác than của Công ty có một túi nilon màu hồng bên trong có hai thỏi thuốc nổ còn nguyên vẹn, một thỏi thuốc nổ dài khoảng 04 cm, 09 kíp nổ điện vỏ nhôm cỡ số 8. Quan sát xung quanh không có người nên B.V.M đã đem số thuốc nổ trên về dấu trên gác bếp, mục đích là để chữa bệnh ngoài da và đánh cá. Khoảng 11 giờ ngày 21/07/2021, B.V.M đến nhà B rủ B đi đánh cá, sau đó B.V.M về nhà lấy thuốc nổ và kíp nổ để đi đánh cá tại suối. Được B.V.M đồng ý cho, B lấy túi nilon chứa thuốc nổ trên gác bếp xuống, lấy một thỏi thuốc nổ và 02 kíp nổ giấu vào túi nilon màu xanh để mang về đánh cá, số thuốc còn lại B cất lên gác bếp, sau đó đi về nhà mình. Sau đó B bị cơ quan Công an huyện đến lập biên bản bắt người phạm tội quả tang và thu giữ 200g thuốc nổ và hai kíp nổ. Cùng ngày, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện ra Lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở của B.V.M phát hiện, thu giữ 140g thuốc nổ và 04 kíp nổ dưới gầm tủ.
Tại Bản kết luận giám định kết luận: “Mẫu vật có ký hiệu T1 và T2 gửi đến giám định đều là thuốc nổ công nghiệp Amônít... Mẫu vật có ký hiệu K1, K2, K3, K4, K5 và K6 gửi đến giám định đều là kíp nổ điện vỏ nhôm cỡ số 8. Kíp nổ có tác dụng kích nổ thuốc nổ. Tất cả số thuốc nổ công nghiệp Amônít và kíp nổ điện vỏ nhôm cỡ số 8 trên đều còn sử dụng được.” Quá trình điều tra, xác minh Công an tỉnh H.B và Sở Công thương xác định: Chỉ cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho doanh nghiệp, không cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho cá nhân.
Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện quyết định: Áp dụng khoản 1 Điều 305; điểm s khoản 1,2 Điều 51; Điều 38; Điều 46; Điều 47 của Bộ luật hìnn sự. Điều 106, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự. Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Xử phạt: B.V.M 15 (mười lăm) tháng tù về tội Tàng trữ trái phép vật liệu nổ.
B.V.M kháng cáo, tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh H.B nhận định Tòa án nhân dân huyện xử phạt B.V.M 15 tháng tù về tội Tàng trữ trái phép vật liệu nổ theo khoản 1 Điều 305 của Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật. Các tình tiết giảm nhẹ bị cáo đều đã được xem xét ở cấp sơ thẩm. Đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện.
Trợ giúp viên pháp lý đã trình bày gia đình bị cáo thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, là lao động chính trong gia đình có 04 con nhỏ, vẫn đang trong độ tuổi đi học. Có chú ruột là thương binh, trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật còn hạn chế, phạm tội do bột phát nhất thời, vì vậy đề nghị HĐXX phúc thẩm xử phạt bị cáo B.V.M 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo,
Kết quả, bản án hình sự phúc thẩm đã xử phạt bị cáo B.V.M 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 30 tháng, kể từ ngày tuyên án phúc thẩm về tội Tàng trữ trái phép vật liệu nổ.
3. Hiệu quả trợ giúp pháp lý khi bào chữa cho người nghèo là người bị buộc tội trong vụ việc trộm cắp tài sản
Ở T.N, L.T.H có quen biết và thường xuyên đến nhà bà B.T.S chơi nhiều lần. Chiều ngày 07/04/2021, thấy có một con lợn đất ở trên kệ gỗ kê gần giường ngủ, H đoán trong lợn đất sẽ có tiền nên đã nảy sinh ý định trộm cắp lấy tiền để chi tiêu phục vụ nhu cầu cá nhân. Khoảng 10 giờ ngày 08/04/2021, H một mình đến nhà bà S thì thấy của khóa và không có người ở nhà, H tiến đến cửa sổ nơi bà S cất giấu chìa khóa, dùng chìa khóa mở cửa, H bê con lợn đất để trên kệ gỗ đập xuống nền nhà thì thấy bên trong con lợn đất có nhiều tờ tiền gồm nhiều mệnh giá khác nhau. H nhặt hết số tiền trên, cất vào túi quần phía trước bên trái rồi đi ra khép cửa nhà, móc khóa vào then cửa và điều khiển xe mô tô về nhà. Tổng số tiền H trộm được là 18 triệu đồng.
Quá trình điều tra, bị cáo H đã khai nhận hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên. Tại bản cáo trạng Viện kiểm sát nhân dân thành phố đã truy tố bị cáo L.T.H về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố tham gia phiên tòa, sau khi phân tích nội dung vụ án, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cũng như nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo đã giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo H về tội danh và điều luật áp dụng, đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo L.T.H mức án 09 đến 12 tháng tù.
Người bào chữa cho bị cáo có quan điểm bào chữa cho bị cáo: Đồng ý với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát về áp dụng Điều 173 Bộ luật hình sự; Tuy nhiên bị cáo có nhân thân tốt, hành vi phạm tội của bị cáo là hành vi phạm tội lần đầu. Ngoài ra, trong quá trình điều tra khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình. Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo chưa gây thiệt hại nên cần áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 cũng như áp dụng điều 65 của Bộ luật hình sự cho bị cáo hưởng án treo cũng đủ tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung.
Kết quả, HĐXX chấp nhận lời đề nghị của người bào chữa. Căn cứ vào khoản 1 Điều 173; Điều 65; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 46, 47 BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017); Điều 106 BLTTHS năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án. Xử phạt bị cáo L.T.H 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách 18 tháng. Không áp dụng hình phạt bổ sung và miễn án phí hình sự sơ thẩm.
4. Hiệu quả trợ giúp pháp lý khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo là bị đơn trong vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất
Vụ việc xảy ra ở tỉnh Q.B. Vợ chồng chị Đ.T.L và anh Đ.T ở cùng bố mẹ chồng và các em trên mảnh đất của bố mẹ chồng (bà Đ.T.M và ông Đ.X). Đến năm 1994, anh Đ.T được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa đất có diện tích 820m2. Sau khi anh Đ.T mất (năm 2003), năm 2011, chị Đ.T.L xin và được cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 880,7m2. Bà Đ.T.M mẹ của anh Đ.T đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên chị Đ.T.L và chia di sản thừa kế của anh Đ.T.
Tại cấp sơ thẩm, theo biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ thửa số 1207, tờ bản đồ số 45 có diện tích 880,7m2. Trên thửa đất có hai ngôi nhà: nhà một tầng mái lợp ngói, có phòng lồi có diện tích 60,48m2, nhà có mái lợp ngói có diện tích 22,5m2. Ngoài ra còn có một nhà vệ sinh không còn giá trị sử dụng. Trên thửa đất có một số cây ăn quả, xung quảnh thửa đất có hàng rào bằng bê tông bao ba bên, một bên là hàng rào bằng cây. Từ đó, Hội đồng định giá tài sản đã tiến hành định giá tài sản là: 412.869.000 đồng.
Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Q.B, yêu cầu của bà Đ.T.M được chấp thuận. Theo đó, hủy Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất của chị Đ.T.L. Giao cho bà Đ.T.M được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật của anh Đ.T là 223,97m2. So với diện tích mà bà Đ.T.M đã thực tế sử dụng 211,6m2 thì bà Đ.T.M nhận thiếu 12,375m2. Thực tế chia phần đất thì chị Đ.T.L nhận thừa của bà Đ.T.M 12,38m2 (tương đương 321.000 đồng). Buộc chị Đ.T.L phải trả cho bà Đ.T.M trị giá tài sản này là 321.000 đồng.
Chị Đ.T.L có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa, chị Đ.T.L rút một phần kháng cáo về nội dung chia thừa kế và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chỉ yêu cầu bà Đ.T.M trả giá trị tài sản của chị trên phần diện tích đất mà bà Đ.T.M được nhận thừa kế.
Vụ việc được Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Q.B thực hiện TGPL cho bị đơn Đ.T.L tại cấp phúc thẩm. Kết quả, Tòa án chấp nhận quan điểm của Trợ giúp viên pháp lý. Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên chấp nhận kháng cáo của bị đơn chị Đ.T.L. Theo đó, hủy Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cấp đổi cho chị Đ.T.L với diện tích 880m2. Giao bà Đ.T.M được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật của anh Đ.T tổng diện tích 223,97 m2, buộc chị Đ.T.L có trách nhiệm giao lại cho bà Đ.T.M giá trị 12,8m2 còn thiếu, tương đương là 321.880đ. Bà Đ.T.M được quyền sở hữu tường rào dài 14,33 m2 và cây cối trong khuôn viên diện tích đất được hưởng thừa kế và có trách nhiệm trả lại cho chị Đ.T.L 20.544.000 đồng. Phần đất còn lại chị Đ.T.L được hưởng trong tài sản chung của vợ chồng là 447,95m2+ phần đất được chia thừa kế là 223,97m2. Tổng cộng chị Đ.T.L được hưởng là 671,92m2 (trong đó 300m2 đất ở). Thực tế chia phần đất thì chị Đ.T.L được nhận thừa của bà Đ.T.M là 12,38m2, buộc chị phải trả cho bà Đ.T.M trị giá tài sản là 321.880 đồng. Chị Đ.T.L có trách nhiệm thu hoạch 20 cây sắn xong trước ngày 30/6/2019 để giao diện tích đất cho bà Đ.T.M sử dụng.
5. Hiệu quả trợ giúp pháp lý khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo là nguyên đơn trong vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất
Sự việc xảy ra ở tỉnh Y.B. Năm 2007 bố mẹ anh V.A.X là ông V.A.T (đã chết) và bà S.T.P khai hoang và sử dụng thửa đất với tổng diện tích hơn 1.100m2 trồng chè, trồng tre, trồng sưa, gia đình anh X đã sử dụng mảnh đất đó đến khoảng tháng 10/2018 thì các con ông V.A.S và bà T.T.C đi khai thác đá làm đá lăn xuống làm gẫy một số cây chè, sưa, tre và chanh của gia đình anh X. Gia đình anh X đã yêu cầu các con ông V.A.S và bà T.T.C không được lăn đá xuống nữa, đồng thời yêu cầu bồi thường những cây bị đá lăn chết. Nhưng ông ông V.A.S và bà T.T.C không bồi thường và còn chặt hết chè và một số hoa màu khác và đã lấn chiếm 704,7m2 đất của gia đình anh X. Mảnh đất trên gia đình anh X đã sử dụng ổn định, lâu dài, có danh giới rõ ràng, không có tranh chấp với các hộ gia đình khác. Anh X đã yêu cầu UBND xã hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Ngày 02/8/2021, anh V.A.X đã làm đơn khởi kiện ông V.A.S và bà T.T.C đến Tòa án nhân dân huyện xem xét giải quyết:
- Buộc ông ông V.A.S và bà T.T.C trả lại diện tích đất là 704,7 m2 đã lấn chiếm của gia đình ông (theo đo đặc của UBND xã).
- Yêu cầu ông ông V.A.S và bà T.T.C phải bồi thường 20.000.000 đồng, vì gia đình ông S và bà C đã làm đá lăn bị chết và đã chặt chè, sưa và tre và một số hoa màu khác.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn anh V.A.X đã tự nguyện rút phần yêu cầu bồi thường thiệt hại. Giữ nguyên yêu cầu buộc gia đình bị đơn ông ông V.A.S và bà T.T.C phải trả lại diện tích đất đã lấn chiếm theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ là: 796,2m2.
Vụ việc được Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Y.B trợ giúp cho anh V.A.X. Kết quả, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của đồng nguyên đơn V.A.X và bà S.T.P.
- Buộc các đồng bị đơn ông V.A.S và bà T.T.C và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan T và C phải tháo dỡ toàn bộ hàng rào thép gai để hoàn trả 796,2m2 đất đã lấn chiếm cho anh V.A.X và bà S.T.P và chị V.T.D.
- Bác yêu cầu của bị đơn V.A.S yêu cầu anh V.A.X phải bồi thường số tiền 189.000.000 đồng.
Có thể thấy rằng, thông qua việc thực hiện các vụ việc cụ thể, thời gian qua hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo đã đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững, góp phần bảo vệ quyền của người nghèo, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Với sự vào cuộc của người thực hiện trợ giúp pháp lý đã giúp người nghèo bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật, trên cơ sở đó để họ ứng xử phù hợp với pháp luật, tôn trọng và chấp hành pháp luật, góp phần bảo đảm công lý, thực hiện công bằng xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội tại địa phương./.
Khả Hân