Tuyên Quang: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước - 20 năm thành lập và phát triển

Ngày 06/9/1997 hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách được thành lập theo Quyết định số 734/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp; trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước và cả hệ thống chính trị, thể hiện bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Cùng với sự ra đời của hệ thống  tổ chức trợ giúp pháp lý Việt Nam, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tuyên Quang (sau đây gọi tắt là Trung tâm) được thành lập theo Quyết định số 591/2002/QĐ-UBND ngày 19/12/2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang. Với biên chế ban đầu là 03 người, là lĩnh vực công tác hoàn toàn mới, Trung tâm  gặp nhiều khó khăn về nhân lực và cơ sở vật chất, phương tiện làm việc thiếu thốn, bên cạnh đó cơ chế, chính sách pháp luật chưa hoàn thiện,; người dân chưa biết đến hoạt động TGPL nên việc triển khai thực hiện nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tổ chức TGPL tại cơ sở, tham gia tố tụng...
Qua 25 năm hình thành và lớn mạnh của hệ thống trợ giúp pháp lý Việt Nam, hiện nay công tác trợ giúp pháp lý đã được Chính phủ xác định là dịch vụ công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp. Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và của các cấp, các ngành, 20 năm qua Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tuyên Quang không ngừng được củng cố, kiện toàn và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khẳng định được vai trò, vị trí trong công tác tư pháp ở địa phương. Hiện nay, Trung tâm có 18 người làm việc, trong đó có 07 Trợ giúp viên pháp lý và được bố trí trụ sở, trang bị phương tiện, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác.
Với chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật thông qua các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng thuộc các lĩnh vực pháp luật hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình; hành chính, khiếu nại, tố cáo, lao động, đất đai, nhà ở và các lĩnh vực pháp luật khác... Các Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tuyên Quang được đào tạo bài bản, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ, chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng 100% yêu cầu trợ giúp pháp lý của người dân và phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, quản lý nhà nước, lý luận chính trị cho đội ngũ viên chức được quan tâm thực hiện; chế độ, chính sách cho viên chức, người lao động được bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Trải qua chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tuyên Quang luôn bám sát các quy định của pháp luật và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp, của Sở Tư pháp và sự quan tâm phối hợp của các cấp, các ngành có liên quan để chủ động triển khai thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác.
Trong điều kiện là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, giao thông đi lại chưa thuận lợi, trình độ dân trí không đồng đều, để khắc phục tình trạng người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn trong việc đi lại và hạn chế trong tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tuyên Quang thường xuyên thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý tại cơ sở, chủ động tìm đến với người dân; Đa dạng hóa các hình thức truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, trang thông tin điện tử, xây dựng chuyên trang, chuyên mục, qua điện thoại, duy trì đường dây nóng... Phối hợp niêm yết 615 bảng thông tin trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện và Ủy ban nhân dân các xã. Đồng thời, tăng cường thực hiện truyền thông, hướng dẫn về trợ giúp pháp lý cho cán bộ thôn bản và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư nhằm tạo ra "cầu nối", duy trì kênh thông tin giữa người dân và Trung tâm, không ngừng nâng cao số lượng người biết đến và được tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý.
Trung tâm chủ động phối hợp với Phòng tư pháp các huyện, Ủy ban nhân dân các xã tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tại cơ sở, trong thời gian qua đã tổ chức thực hiện 512 đợt TGPL đến 1.271 lượt cụm dân cư tại các xã; hướng dẫn pháp luật trực tiếp cho trên 68.000 lượt người, cung cấp trên 447.000 tờ gấp pháp luật, tài liệu pháp luật cho Nhân dân. Tại các điểm trợ giúp pháp lý, đông đảo người dân đã được Trung tâm cung cấp những kiến thức pháp luật và phổ biến các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, được tư vấn, hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc pháp luật trong cuộc sống và sinh hoạt. Qua đó đã góp phần giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp ngay tại cơ sở và hạn chế những khiếu kiện vượt cấp, đưa pháp luật vào cuộc sống.

 
Trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa tại phiên tòa.

Trung tâm đã chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, tham mưu thực hiện tốt vai trò của cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh, tổ chức tập huấn, cung cấp tài liệu, hướng dẫn nghiệp vụ cho người thực hiện TGPL, người tiến hành tố tụng, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp thực hiện TGPL; duy trì thường xuyên các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp liên ngành theo quy định. Số lượng vụ việc Trợ giúp viên pháp lý tham gia từ giai đoạn điều tra hàng năm đều đạt từ 90% trở lên.
Ngoài thực hiện công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, Trung tâm còn chú trọng tới việc phối hợp với các cơ quan có liên trong thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý, hằng năm đều phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tập huấn kỹ năng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên Hội Nông dân; phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh thực hiện xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý, phối hợp với Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật; phối hợp với trường học tổ chức Hội nghị truyền thông về trợ giúp pháp lý trong nhà trường...
Những năm đầu mới thành lập, do điều kiện biên chế ít, chỉ với 03 người làm việc nên việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý phụ thuộc nhiều vào các Luật sư và cộng tác viên. Đến nay, với đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý được đào tạo bài bản, thực hiện nhiệm vụ chuyên nghiệp nên vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện chiếm tỷ lệ 91,8%, bên cạnh đó Trung tâm vẫn duy trì việc ký hợp đồng với luật sư để huy động đóng góp nguồn lực xã hội cho công tác trợ giúp pháp lý.
Số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý năm sau luôn cao hơn năm trước. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã thụ lý và thực hiện 14.304 vụ việc, trong đó Tham gia tố tụng 2.477 vụ việc; Tư vấn pháp luật 11.825 việc; Đại diện ngoài tố tụng 02 vụ việc... 100% vụ việc tham gia tố tụng được đánh giá đạt chất lượng khá trở lên, trong đó vụ việc đạt chất lượng tốt chiếm 85,2%; vụ việc thành công chiếm tỷ lệ 65,4%, không có khiếu nại tố cáo về chất lượng vụ việc TGPL. Hằng năm, 100% Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng và đạt chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng do Bộ Tư pháp giao từ mức khá trở lên.
Với quy tắc tôn trọng, lịch sự, thân thiện, nhiệt tình với người được trợ giúp pháp lý, các Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm luôn trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, không quản ngại khó khăn, hướng về cơ sở, lấy người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý, thực hiện vụ việc với sự tận tâm, trách nhiệm, kịp thời áp dụng các biện pháp, kỹ năng cần thiết phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Hoạt động tham gia tố tụng của các Trợ giúp viên pháp lý đã bảo đảm nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; những ý kiến, quan điểm của Trợ giúp viên pháp lý đã góp phần nâng cao chất lượng giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng, làm sáng tỏ nhiều tình tiết khách quan của vụ án, giúp cho Tòa án có phán quyết công minh, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.  
Hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tuyên Quang trong những năm qua đã thực hiện tốt chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và nhóm những người yếu thế khác, thực hiện các nhiệm vụ về trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo sự tin tưởng của người dân đối với công tác trợ giúp pháp lý và coi Trung tâm là địa chỉ tin cậy khi họ gặp vấn đề vướng mắc liên quan đến pháp luật. Góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý được dễ dàng, thuận lợi, thực hiện và phát huy dân chủ cơ sở, bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tiếp cận công lý, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của người dân và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Ngoài ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở, Trung tâm cũng đã quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với tấm lòng tương thân, tương ái, cùng chung tay giúp đỡ nhằm phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc, "lá lành đùm lá rách"...
Bằng những cố gắng nỗ lực trong chặng đường 20 năm “luôn đi cùng dân”, tập thể và nhiều cá nhân của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Tuyên Quang đã vinh dự được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và được tặng danh hiệu: Tập thể lao động xuất sắc, Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh... Đây là những phần thưởng cao quý thể hiện sự ghi nhận và đánh giá của các cấp, các ngành đối với những đóng góp, thành tích xuất sắc của tập thể và các cá nhân thuộc Trung tâm, đồng thời là động lực để Trung tâm tiếp tục nỗ lực cố gắng, phấn đấu.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tin tưởng rằng với truyền thống tốt đẹp và kinh nghiệm qua 20 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Trợ giúp pháp lý, của Sở Tư pháp, trong thời gian tiếp theo với sự tâm huyết, trách nhiệm của những người làm công tác trợ giúp pháp lý, tập thể Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, phát huy những kết quả đã đạt được và truyền thống của thế hệ đi trước, bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, vượt qua khó khăn, không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xây dựng đội ngũ người làm công tác trợ giúp pháp lý tận tâm, trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp, thực hiện bổn phận bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý, bình đẳng trước pháp luật, quyết tâm phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và là chỗ dựa pháp lý vững chắc cho Nhân dân, đặc biệt là người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và nhóm những người yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương và tô thắm thêm truyền thống của Hệ thống cơ quan trợ giúp pháp lý Việt Nam, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
 
                               Nguyễn Phương
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tuyên Quang.