Lạng Sơn - Dấu ấn 5 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017

Công cuộc đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân đòi hỏi hoạt động của cả hệ thống chính trị, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải theo đúng khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, không ngừng đề cao giá trị dân chủ và vai trò của pháp luật trong hệ thống các công cụ quản lý xã hội. Do vậy, để góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, việc nâng cao hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật cũng như góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý cho những người ít có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu văn bản pháp luật trở thành nhu cầu tất yếu của Nhà nước và Nhân dân.

      Lạng Sơn là địa bàn tỉnh miền núi với 133 xã đặc biệt khó khăn, an toàn khu, biên giới và 121 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II trong diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020. Hiện nay theo Quyết định số 861/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 ngày 04/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ có 103 xã khu vực I, 8 xã khu vực II và 88 xã khu vực III; có 644 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, kinh tế - xã hội tại địa phương đang trong giai đoạn phát triển, giao thông đi lại nhiều vùng còn khó khăn, nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế. Do đó, việc thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý tại tỉnh Lạng Sơn trong những năm qua đã được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và đã đạt được những kết quả tích cực.

      Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, những người thuộc diện trợ giúp pháp lý rất rộngdo vậy, việc trợ giúp pháp lý cho những người thuộc diện nêu trên là một trong những biện pháp nhằm giúp họ tiếp cận kiến thức pháp luật, góp phần bảo đảm quyền công dân, công bằng xã hội, tăng cường năng lực để đảm bảo sự giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan công quyền, hạn chế tình trạng tùy tiện, lạm quyền và vi phạm pháp luật. Mặc khác, trợ giúp pháp lý cũng được coi là một trong những phương thức áp dụng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong giai đoạn mới.
         Trong những năm qua, nối tiếp những thành quả đã đạt được từ giai đoạn trước, từ khi Luật Trợ giúp pháp lý 2017 có hiệu lực đến nay dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quả tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sau khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được ban hành, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 18/10/2017 triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý; Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 27/10/2017 về triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý. Tham mưu cho Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức 01 Hội nghị cấp tỉnh quán triệt, triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý cho đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh; các Báo cáo viên pháp luật, người thực hiện trợ giúp pháp lý, lãnh đạo các ngành: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an tỉnh, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia, Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, lãnh đạo một số cơ quan liên quan; Đại diện Lãnh đạo UBND và Phòng Tư pháp các huyện, thành phố. Chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở cơ quan, đơn vị và nhân dân địa phương. Hàng năm, Sở Tư pháp đều ban hành Kế hoạch triển khai công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh, trong đó giao Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tham mưu, triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý; ký kết Quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; ban hành, triển khai các chương trình, hoạt động phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý; trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, các đơn vị có liên quan thực hiện đồng bộ, thống nhất các giải pháp về cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác về trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh.
 
Ảnh: Các Trợ giúp viên pháp lý, Chuyên viên của Trung tâm TGPLNN; Luật sư  tham gia tập huấn về kỹ năng tư vấn do Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho trẻ em (LACEW) trực thuộc Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam  tổ chức tại Lạng Sơn.
 
           Qua 5 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý 2017, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thường xuyên kiện toàn cơ cấu tổ chức, hoàn thiện bộ máy đểhoạt động đi vào  ổn định; cơ sở vật chất, nhân lực được quan tâm đảm bảo việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho nhân dân, kể cả vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Kinh phí, đặc biệt là kinh phí nghiệp vụ chi cho thực hiện vụ việc tham gia tố tụng và các hoạt động trợ giúp pháp lý thường xuyên được quan tâm, đảm bảo kịp thời cho việc thực hiện công tác trợ giúp pháp lý tại địa phương. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác trợ giúp pháp lý, thực hiện cập nhật đầy đủ các dữ liệu về hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý lên Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý của Cục Trợ giúp pháp lý, tiến đến xây dựng cơ sở dữ liệu về người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh.
         Về tổ chức, bộ máy của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lạng Sơn hiện nay có 18/21 biên chế được bố trí tại 02 phòng chuyên môn và 03 Chi nhánh (đặt tại các huyện Chi Lăng, Lộc Bình, Bình Gia) đảm bảo các phòng, chi nhánh có Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý. Trung tâm có 04 Trợ giúp viên pháp lý; 04 viên chức của Trung tâm đủ điều kiện đã hoàn thành tập sự trợ giúp pháp lý và đã tham gia kỳ thi kiểm tra hết tập sự trợ giúp pháp lý do Bộ Tư pháp tổ chức. Đồng thời, Sở Tư pháp đã tăng cường huy động lực lượng xã hội tham gia công tác trợ giúp pháp lý, ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với 06 tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, cá nhân làm việc tại 06 tổ chức gồm 22 người (20 luật sư, 02 tư vấn viên pháp luật). Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác bồi dưỡng chất lượng nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua tổ chức các hội nghị tập huấn cập nhật kiến thức pháp luật mới và tập huấn kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý, kỹ năng sử dụng phần mềm quản lý tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý cho các đối tượng là người thực hiện trợ giúp pháp lý, các thành viên nòng cốt của các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Mặt khác, chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cử các viên chức của Trung tâm, các Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham dự các Hội nghị tập huấn về kỹ năng trợ giúp pháp lý do Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức (qua 5 năm đã cử 30 lượt viên chức tham gia 07 Hội nghị tập huấn (tại Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Nội, Nam Định, Lạng Sơn) về kỹ năng trợ giúp pháp lý do Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức; 29 lượt viên chức tham gia các Hội thảo, Hội nghị tập huấn (trực tiếp hoặc trực tuyến) tại Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nội, Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn về kỹ năng trợ giúp pháp lý trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, tố tụng hình sự; tập huấn giảng viên nguồn về trợ giúp pháp lý thân thiện cho người dưới 18 tuổi thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý; về quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý; về kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đối tượng là người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình; tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và kỹ năng sử dụng phần mềm quản lý tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý…). Chất lượng hoạt động tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý từng bước được nâng lên thể hiện tính đúng đắn của định hướng nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý. Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý trong quá trình giải quyết vụ án, cùng với sự tận tâm, nhiệt huyết, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, đã góp phần nâng cao trách nhiệm và chất lượng giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp,bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, góp phần giáo dục, cải tạo, răn đe và phòng ngừa tội phạm.

 
Ảnh: Một buổi làm việc của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý
 trong hoạt động tố tụng

        Trong 05 năm triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 trên địa bàn tỉnh, tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện là: 2.289 vụ việc. Trong đó: Tư vấn pháp luật: 174 vụ việc; Tham gia tố tụng: 2.114 vụ việc (Lĩnh vực Hình sự: 1.261 vụ việc; Dân sự, Hôn nhân gia đình: 835 vụ việc; Hành chính: 14 vụ việc; lĩnh vực khác: 4 vụ việc). Đại diện ngoài tố tụng: 01 vụ việc. Số vụ việc tham gia tố tụng trên địa bàn tỉnh đã có bước biến chuyển mạnh mẽ, tăng số lượng vụ việc tham gia tố tụng, đi vào thực chất của hoạt động trợ giúp pháp lý. Các vụ việc tham gia tố tụng tăng nhiều so với giai đoạn trước: năm 2018 (380 vụ tham gia tố tụng) tăng 156 vụ việc so với năm 2017; năm 2019 (424 vụ việc tham gia tố tụng) tăng 44 vụ việc so với năm 2018; năm 2020 (543 vụ việc) tăng 119 vụ việc so với năm 2019...Qua đó cho thấy hoạt động trợ giúp pháp lý của Nhà nước đã ngày càng tạo được uy tín và được Nhân dân ủng hộ.
          Đối với công tác phối hợp trong hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng đã được quan tâm chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực.Với vai trò là Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Lạng Sơn (theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng), Sở Tư pháp đã tham mưu thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương theo Quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ban hành theo Quyết định số 14/QĐ-HĐPHLN ngày 31/01/2019; thường xuyên rà soát, kiện toàn Hội đồng; tham mưu xây dựng, ban hành và triển khai hiệu quả Kế hoạch phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; Kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh hàng năm. Triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp số 1217/QCPH-STP-TAND ngày 16/4/2020 về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng giữa Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn. Các ngành là thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng luôn quan tâm chỉ đạo công chức, đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm túc, triển khai có hiệu quả hoạt động phối hợp liên ngành trong công tác trợ giúp pháp lý, số lượng đối tượng là người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và các đương sự khác thuộc diện được trợ giúp pháp lý được biết, tiếp cận và được giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý ngày càng cao. Thông qua hoạt động tham gia tố tụng, công tác trợ giúp pháp lý bảo đảm thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý của người dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại cơ sở.

Ngoài ra, Sở Tư pháp thường xuyên chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tăng cường hoạt động phối hợp với tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương và các tổ chức khác (như Đoàn Luật sư, Hội Luật gia….); chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước duy trì, thực hiện tốt Quy chế phối hợp số 225/QCPH-TTTGPL-ĐLS ngày 10/08/2020 giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Đoàn Luật sư tỉnh Lạng Sơn về hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Đoàn Luật sư tỉnh luôn có sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi các thông tin cần thiết trong việc giới thiệu đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý đến Trung tâm và hướng dẫn các đối tượng không thuộc diện được trợ giúp pháp lý đến Đoàn luật sư và các Văn phòng luật sư trên địa bàn,tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ pháp lý. Kịp thời cử luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện tư vấn, tham gia tố tụng cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý đảm bảo đúng quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý, luật tố tụng… Trung tâm còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Phòng Tư pháp các huyện, thành phố; các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội như: Tỉnh đoàn; Đoàn khối các Cơ quan tỉnh; Hội Luật gia tỉnh; Hội Bảo trợ người khuyết tật; chính quyền cơ sở (UBND các xã)..., phối hợp tổ chức hoạt động truyền thông nhiều nội dung về Luật Trợ giúp pháp lý; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Đất đai; Luật Hòa giải cơ sở; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình...
 

Ảnh: Trung tâm TGPLNN tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Lạng Sơn triển khai chính sách TGPL cho người khuyết tật tại huyện Văn Quan

         Đối với công tác quản lý, thẩm định và đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm thực hiện phân công Trợ giúp viên pháp lý tiến hành thẩm định chất lượng đối với 100% vụ việc trợ giúp pháp lý hoàn thành nhằm thẩm định về thời gian làm việc, kịp thời phát hiện đối với các vụ việc còn có những hạn chế về hình thức, nội dung thực hiện trợ giúp pháp lý, nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Trong công tác quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, hằng năm Sở Tư pháp đều ban hành Kế hoạch đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh, tổ đánh giá gồm có lãnh đạo phòng chuyên môn nghiệp vụ Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, Đoàn Luật sư tỉnh và những Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư có kinh nghiệm trong công tác trợ giúp pháp lý. Qua hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, nâng cao hiệu quả và chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, đảm bảo người dân đều được thụ hưởng môi trường pháp lý công bằng và chất lượng như nhau đồng thời là cơ sở để bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng của người thực hiện trợ giúp pháp lý và chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý. Việc đánh giá chất lượng vụ việc tham gia tố tụng còn giúp đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý thường xuyên được trau dồi, rèn luyện kĩ năng chuyên môn nghiệp vụ nâng cao năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý của mình. Bước đầu xây dựng nên một đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý có đạo đức, nghiệp vụ chuyên môn hóa cao đáp ứng kịp thời, có chất lượng nhu cầu trợ giúp pháp lý trong nhân dân.
          Việc thực hiện công tác truyền thông trợ giúp pháp lý tại Lạng Sơn đã được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú gồm: Biên soạn, tổ chức in cuốn cẩm nang pháp luật về trợ giúp pháp lý; Hợp đồng truyền thông trên sóng truyền thanh với 10 Đài Truyền thanh truyền hình các huyện trên địa bàn tỉnh về thông tin trợ giúp pháp lý tới tận các cụm thôn, bản người dân trên địa bàn. Thiết lập và duy trì đường dây nóng về trợ giúp pháp lý và các phương tiện hỗ trợ khác (01 máy vi tính, tổng đài điện thoại và thiết bị ghi âm cuộc gọi điện thoại...) để kịp thời tiếp nhận các thông tin liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý. Xây dựng chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp pháp lý trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp, trang thông tin Phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh; xây dựng và phát hành tờ rơi giới thiệu về trợ giúp pháp lý và cung cấp địa chỉ liên hệ của Trung tâm trợ giúp pháp lý và các Chi nhánh trên địa bàn tỉnh phát miễn phí đến người dân… Tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thành phố, Phòng Văn hóa - Thông tin, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp tờ gấp pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, bị can, bị cáo, đương sự; tổ chức các đợt truyền thông kết hợp tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý tại các xã, phường...Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã tổ chức 207 Hội nghị truyền thông về trợ giúp pháp lý tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn với7.304 lượt người tham dự. Trung tâm đã đặt gia công 600 Tờ thông tin, 197 Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, 300 Tờ thông tin, 50 Hộp tin trợ giúp pháp lý cung cấp cho UBND các xã đặc biệt khó khăn, các cơ quan tiến hành tố tụng để lắp đặt; Biên soạn, đặt in 125.000 tờ gấp tìm hiểu pháp luật về trợ giúp pháp lý, cung cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ và trại giam trên địa bàn tỉnh... Hợp đồng với Đài Phát thanh – Truyền hình các huyện phát sóng chuyên trang, chuyên mục truyền thông về trợ giúp pháp lý trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình 10 huyện và hệ thống loa phát thanh của 120 xã, thôn (24 lần/năm/xã); Duy trì đường dây nóng về trợ giúp pháp lý thông qua số điện thoại 0205 375 7555.
 
Ảnh: Hội nghị triển khai tại cơ sở kết hợp với tuyên truyền thông qua phát tờ rơi, tờ gấp
về các quy định của pháp luật
  
          Hoạt động truyền thông đã đem lại những hiệu quả tích cực, nhận thức về chính sách trợ giúp pháp lý của người dân nói chung, đặc biệt là những đối tượng được thụ hưởng chính sách nói riêng ngày một nâng cao, số lượng người dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý tự tìm đến các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh để yêu cầu dịch vụ trợ giúp pháp lý ngày càng tăng, cho thấy các hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý đang có tác động tích cực và hiệu quả đến người dân. Đảm bảo các chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách về trợ giúp pháp lý, luôn được triển khai kịp thời, có hiệu quả góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế trong xã hội vào các chính sách của Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh trật tự, ổn định xã hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
        Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định, hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh qua 5 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đang từng bước phát triển và ngày càng đóng vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống pháp luật của người dân trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp sẽ tiếp tục phát huy công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý trong thời gian tới,  góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo.
 
                                                           Sầm Hoa – Trung tâm trợ giúp pháp lý
                                                                        nhà nước tỉnh Lạng Sơn