Nụ cười lúc khốn khó

Năm 2009, anh Hoàng Văn Trung, 47 tuổi, ở thôn Trung, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình ký hợp đồng xuất khẩu lao động với Công ty vận tải biển Hà Nội (ISALCO) sang làm việc tại Lybia, chủ sử dụng lao động là Công ty NALIDCO ở Lybia.

Trong quá trình lao động tại Lybia, anh Trung bị tai nạn lao động phải cắt bỏ chân phải tới 2/3 đùi; Công ty NALIDCO đã đưa anh đi giám định sức khỏe, kết quả giám định anh bị mất sức lao động 60% . Trong khi chờ chế độ  Bảo hiểm xã hội do tai nạn lao động thì đất nước Lybia xảy ra chiến tranh, chủ sử dụng lao động phải cho người lao động Việt Nam hồi hương, anh Trung trở về nước với hai bàn tay trắng. Sau khi về nước, anh vẫn phải điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình và Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội; kinh tế gia đình kiệt quệ, trong khi nợ cũ trước khi đi chưa trả xong thì lại phải vay nợ mới để làm chân giả và lo thuốc men. Vợ anh Trung là lao động chính của gia đình, giờ mắc chứng bệnh thoái hóa cột sống, song chị vẫn phải gồng mình chăm lo ruộng vườn và đi làm thuê để lấy tiền nuôi chồng tàn tật và các con đang trong độ tuổi đi học. Thậm chí con gái lớn của anh chị đã phải bỏ học đi làm để lấy tiền phụ giúp gia đình, cùng mẹ chăm lo cho bố tàn tật. Anh Trung người là lao động chính, chỗ dựa chủ yếu của gia đình trong cuộc sống, nay anh bỗng trở thành gánh nặng cho vợ và các con.

 Tháng 03 năm 2013, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thái Bình, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức buổi trợ giúp pháp lý lưu động tại xã Song Lãng; chúng tôi có dịp được tiếp xúc với anh, được lắng nghe và chia sẻ câu chuyện của anh. Nhìn ánh mắt đượm buồn, mặc dù là người đàn ông, nhưng anh không kìm được, vẫn để những giọt nước mắt lăn dài trên gò má gầy guộc. Khi anh kể về câu chuyện của mình, những người làm công tác TGPL chúng tôi thật xúc động, rất đỗi chạnh lòng, tự nhủ sẽ cố gắng và nỗ lực với hết khả năng và trách nhiệm, làm gì đó để bảo vệ, tìm lại quyền lợi chính đáng cho anh. Qua quá trình nghiên cứu nội dung vụ việc, nhận định trách nhiệm thanh toán tiền Bảo hiểm khi anh Trung bị tai nạn lao động thuộc về chủ sử dụng lao động là Công ty NALIDCO và Công ty ISALCO có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ đòi khoản tiền bồi thường này. Nội dung vụ việc đã khá rõ, Trung tâm TGPL Thái Bình phối hợp chặt chẽ với Trung tâm CSAGA kiến nghị các bên liên quan cùng có trách nhiệm giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền lợi cho anh Trung. Kết quả bước đầu đạt được rất đáng phấn khởi: Ngày 01/07/2013, Công ty ISALCO đã tạm chi trả cho gia đình anh Trung số tiền 10.000.000đ và nêu nguyên nhân vụ việc là do chiến tranh xảy ra tại Lybia. Đây là yếu tố khách quan, không lường được trước của Công ty ISALCO khi ký kết Hợp đồng với anh Trung; đồng thời công ty cũng khẳng định sẽ tiếp tục kết hợp cùng gia đình đòi hỏi phía Lybia phải có giải pháp giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Số tiền 10 triệu đồng tuy không lớn nhưng đối với gia đình anh Trung đây là sự cứu cánh hết sức có ý nghĩa và hiệu quả để trang trải nợ nần, lo thuốc men trong lúc khó khăn, thiếu thốn. Nhìn nụ cười rạng rỡ hiện lên trên khuôn mặt khắc khổ của anh khi cầm số tiền trên tay với lời thổ lộ nghẹn ngào: “Trong lúc vô vọng, nợ nần đầm đìa, gia đình tôi như người chết đuối vớ được phao cứu sinh, bây giờ gia đình đã giảm bớt một phần khó khăn và hơn nữa từ nay còn có một chỗ dựa tin cậy để hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn...”

 Nhìn hình ảnh anh Trung bước ra khỏi cổng cơ quan, chúng tôi thấy lòng mình ấm lại và tự nhủ với nhau là với trách nhiệm của người làm nhiệm vụ trợ giúp pháp lý hãy luôn luôn lắng nghe, chia sẻ và tìm biện pháp tốt nhất nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đối tượng được TGPL. Mong sao có nhiều người cũng nở nụ cười như anh Hoàng Văn Trung mỗi khi tiếp xúc với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước./.

 

                                                                                                                               Xuân Huy