Trợ giúp pháp lý lưu động chính là hình thức “mang pháp luật đến với người dân tại cơ sở”, là một trong những phương thức dân vận của ngành Tư pháp Ninh Bình nói chung và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước nói riêng, giúp giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền, thực hiện dân chủ ở cơ sở, giữ gìn sự ổn định, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn dân cư. Việc trợ giúp pháp lý lưu động không chỉ mang ý nghĩa tư vấn tại chỗ những thắc mắc của người dân mà đó còn là một hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hết sức hiệu quả. Những người tham gia tại buổi trợ giúp pháp lý lưu động có thể bản thân họ không có thắc mắc về mặt pháp lý cần được giải đáp nhưng họ có thể hỏi dùm bà con, anh em, bạn bè, … hoặc những vấn đề tế nhị mà họ không muốn tự mình nêu lên trước đám đông thì có thể nhờ người khác hỏi giúp, như vậy sẽ không làm cho bản thân và những người có liên quan cảm thấy khó xử. Ngoài ra, việc giải đáp pháp luật đối với một trường hợp cụ thể nào đó còn gián tiếp cung cấp thông tin pháp lý, triển khai những quy định của pháp luật cho toàn bộ người dân đến tham gia buổi trợ giúp pháp lý lưu động. Từ đó tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Trong những năm qua, TGPL lưu động hướng về cơ sở đó là một trong những mũi nhọn trong chính sách chung của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Ninh Bình. Chỉ tính riêng năm 2015, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Bảo trợ xã hội – Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh, Ban chính sách - Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và chính quyền các thôn, bản đặc biệt khó khăn tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác của 08 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, tổ chức thành công hơn 80 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động, thông qua đó tuyên truyền pháp luật về trợ giúp pháp lý, đất đai và các chế độ chính sách cho 3145 người tham dự, tư vấn pháp luật miễn phí cho 813 trường hợp, trong đó (nam 283, nữ 530; người nghèo 379, người có công với cách mạng 159, người khuyết tật 07, người dân tộc thiểu số 88, người già 05, người thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý khác 06 và người không thuộc diện được trợ giúp pháp lý 169) với 813 vụ việc về các lĩnh vực pháp luật (dân sự 101, hình sự 16, hôn nhân gia đình 84, đất đai 278, chính sách 269, hành chính 16 và lĩnh vực pháp luật khác 49). Tại các cuộc trợ giúp pháp lý lưu động, ngoài hình thức tư vấn pháp luật, Trung tâm còn thực hiện cấp phát miễn phí tờ gấp pháp luật, sách pháp luật cho các đối tượng đến tham dự, đồng thời bàn giao tờ gấp tuyên truyền pháp luật cho địa phương để cấp phát miễn phí cho người dân ở cơ sở.
Thông qua các buổi TGPL lưu động về thôn, xóm, bản, làng và xã trên địa bàn tỉnh, Trung tâm đã kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật mới như: Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai, các quy định pháp luật hôn nhân gia đình, phòng chống tội phạm mua bán người, phòng chống bạo lực gia đình,... và các văn bản pháp luật về TGPL đến đông đảo nhân dân ở cơ sở.
Hoạt động của các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cũng được duy trì thường xuyên, hiện các xã nghèo, các xã bãi ngang ven biển và các xã có thôn, bản đặc biệt khó khăn đã thành lập được Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý sinh hoạt đều đặn theo đình kỳ 1 buổi/tháng tại hội trường nhà văn hóa xã hoặc tại nhà văn hóa của các thôn, bản. Thông qua các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật và hạn chế những tranh chấp nhỏ tại địa phương.
Đặc biệt với những hoạt động, giải pháp thiết thực của Trung tâm trong thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý đã đến được với người dân, đã có nhiều đối tượng tìm đến Trung tâm khi họ có vướng mắc về pháp luật cần được giúp đỡ. Qua đó, hoạt động trợ giúp pháp lý của Trung tâm đã góp phần giải toả những vướng mắc về pháp luật, hạn chế những phát sinh mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, giúp người dân nâng cao ý thức và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư vì mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Ghi nhận kết quả của Trung tâm và thấm nhuần lời dạy của Bác “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian tới, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Ninh Bình và Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 01 của Trung tâm sẽ tăng cường phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, tổ chức đoàn thể và UBND các xã để nhân rộng mô hình trợ giúp pháp lý lưu động một cách hiệu quả và thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia hơn nữa.
Đoàn Thị Ngọc Hải
Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình