Trước khi tiến hành trợ giúp pháp lý lưu động, đoàn công tác của chúng tôi đã làm việc với ban lãnh đạo chính quyền địa phương xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Trong buổi làm việc, khi chúng tôi đề cập đến việc sẽ đến thôn Tà Nôi để trợ giúp pháp lý cho bà con, hai đồng chí Chủ tịch và Tư pháp xã nhìn “dáng mảnh mai” của các cô trong đoàn trợ giúp pháp lý chúng tôi vẻ ái ngại: “đường đi Tà Nôi khó lắm, phải đi bộ gần 8 km, vượt qua 07 con suối, các đồng chí liệu có “chinh phục” được không?”. Chúng tôi nhìn nhau cười và thầm nghĩ người làm công tác trợ giúp pháp lý như chúng tôi thì những chuyến đi trợ giúp pháp lý lưu động đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là “chuyện thường ngày”, chúng tôi đã đi đến các thôn ở xã Phước Bình huyện Bác Ái thì thôn Tà Nôi chắc cũng không đến nỗi khó khăn. Những tâm huyết với nghề cộng với sức trẻ và trách nhiệm, chúng tôi đã lên đường về với Tà Nôi. 6h, đoàn trợ giúp pháp lý bắt đầu xuất phát, chuyến xe lăn bánh mang theo niềm háo hức của chúng tôi khi nhận nhiệm vụ đem pháp luật đến với người dân. 7h30 phút, xe ôtô chở đoàn trợ giúp pháp lý dừng tại UBND xã Ma Nới, chúng tôi xuống xe và cùng với đồng chí cán bộ Tư pháp xã bắt đầu hành trình đi bộ đến thôn Tà Nôi xã Ma Nới. Đi được một lúc thì tới con suối đầu tiên. Nhìn dòng nước trong veo, mát rượi, chúng tôi còn đùa nhau “chà, lội suối mát thế này thì đi qua mấy con suối cũng được”. Nhưng khi qua con suối đầu tiên thì không còn ai có suy nghĩ đó nữa. Đường đi ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, không chỉ hai bên đường mà ở giữa đường đá lởm chởm, chúng tôi đang nghĩ không biết đây có phải con đường hay không, sao giống đang leo núi quá. Mới qua được 3 con suối, nhìn đồng hồ đã thấy 9h, sợ bà con chờ lâu quá bỏ về, đồng chí trưởng đoàn vội điện cho bác trưởng thôn thông báo bà con ngồi chờ, đoàn trợ giúp pháp lý đang trên đường đến. Đi được nửa chặng đường chúng tôi phải ngồi nghỉ 10 phút mới đi tiếp được. Cái nắng gay gắt của vùng đồi núi Tà Nôi làm anh em trong đoàn ai cũng thấm mệt, mồ hôi ướt đẫm và nhìn không rõ mặt nhau. Cứ như thế cuối cùng chúng tôi cũng đã “chinh phục” hết 07 con suối và khi về tới Ban quản lý thôn Tà Nôi đồng hồ đã chỉ 10h40 phút. Nhìn bà con ngồi chật kín hội trường và những nụ cười chào đón, đoàn trợ giúp pháp lý chúng tôi như quên hết mệt mỏi của “chuyến leo núi” vừa rồi. Chúng tôi bắt đầu nhiệm vụ của mình. Đồng chí trưởng thôn báo cáo tình hình và nhu cầu được trợ giúp pháp lý của bà con. Theo nguyện vọng của bà con, chúng tôi bắt đầu nói chuyện các chuyên đề pháp luật, những quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình với bà con còn “mới mẻ, lạ lẫm” bởi bà con ở đây còn tồn tại tảo hôn, bé gái mới 13,14 tuổi đã “bắt chồng”, một số trường hợp trẻ con đã đi học nhưng vẫn chưa làm đăng ký khai sinh. Cứ như thế, chúng tôi lần lượt vừa nói chuyện chuyên đề pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của bà con, vừa tư vấn cho bà con, những thắc mắc về bảo hiểm y tế, chính sách đối với hộ nghèo, vay vốn sinh viên…cũng được kịp thời giải đáp. Nhìn ánh mắt của người dân, chúng tôi biết rằng mình đã làm được một điều gì đó mang lại niềm vui cho họ. Kết thúc buổi trợ giúp pháp lý, lời phát biểu của đồng chí trưởng thôn Tà Nôi làm chúng tôi thật sự xúc động: “nhìn các cán bộ mà chúng tôi thấy thương quá, chúng tôi biết đường đi khó khăn nhưng đoàn trợ giúp pháp lý đã vì bà con, đến với bà con, chúng tôi xin ghi nhận tấm lòng của đoàn và mong muốn công tác trợ giúp pháp lý cũng như những người làm công tác liên quan về tuyên truyền pháp luật để bà con dù nghèo về vật chất nhưng không bị đói về pháp lý…”. Nhìn những em bé đi theo mẹ nghe trợ giúp pháp lý, những ánh mắt ngơ ngác, ngây thơ nhìn chúng tôi, chúng tôi thầm nghĩ những “mầm non” này sẽ lớn lên, kế tiếp, xây dựng Tà Nôi nhưng con đường đến trường của các em sao vất vả quá. Chúng tôi mong muốn và hy vọng một ngày không xa, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, khi chúng tôi quay lại Tà Nôi, những con đường, thôn xóm sẽ mang một sắc màu mới, các em nhỏ sẽ được đến trường trên những con đường đúng nghĩa thay cho những “con đường suối” và Tà Nôi sẽ không còn có những trường hợp tảo hôn, không đăng ký kết hôn, không đăng ký giấy khai sinh nữa. Chúng tôi là những thế hệ trẻ, vào làm công tác trợ giúp pháp lý chưa lâu, những chuyến trợ giúp pháp lý lưu động như Tà Nôi lần này chúng thôi thấy được niềm vui và cả những trăn trở. Nhìn những ngọn đồi, những con suối trên đường về Tà Nôi bất chợt tôi nhớ đến lời bài hát Nhớ anh người trợ giúp pháp lý “đèo cao cao, núi cao cao, gió rừng lao xao, suối róc rách tiếng hát ngọt ngào, chào các anh những người trợ giúp mang pháp lý đến với vùng cao…những bước chân đi qua bao con suối, những bước chân đi qua bao cánh rừng để anh mang luật đến với buôn làng…”.
Lưu Thị Hồng Mơ – TTTGPLNN tỉnh Ninh Thuận