Mỗi một nghề có yêu cầu khác nhau. Đối với Trợ giúp viên pháp lý, bên cạnh những yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ thì sự cống hiến, tận tụy luôn là sợi chỉ xuyên suốt quá trình hoạt động nghề nghiệp. Bởi ý thức được trách nhiệm nghề nghiệp khi đặt mình vào giữ nhiệm vụ thực hiện chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nên dù khó khăn, vất vả nhưng chức danh "Trợ giúp viên pháp lý" vẫn là mơ ước của nhiều người. Còn nhớ, sau khi tôi rời khỏi trường đại học, bước chân vào làm việc tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên, lúc đó với tôi “trợ giúp pháp lý” vẫn còn là khái niệm mới mẻ. Nhưng dần dần, được tiếp xúc với những câu chuyện vừa buồn, vừa thương, lo cùng nỗi lo của những người có quyền lợi bị xâm phạm, vui cùng niềm vui sau mỗi lần bảo vệ được quyền lợi của người yếu thế. Để rồi, "trợ giúp pháp lý" trở nên thân thương. Cái tên "Trợ giúp viên pháp lý" đã thành niềm mơ ước, thành động lực phấn đấu cho tôi. Khi đã là một Trợ giúp viên pháp lý, tôi mới thực sự cảm nhận hết được trách nhiệm đối với nghề nghiệp của mình. Để làm nên cái gọi là niềm tự hào, "thương hiệu" của nghề, không đơn thuần chỉ là những câu khẩu hiệu mà đòi hỏi sự tận tâm, miệt mài và sẵn sàng cống hiến. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác hồi hộp, lo lắng của mình khi lần đầu tiên tham gia phiên tòa với tư cách là người bảo vệ cho anh M, người dân tộc thiểu số, bị hại trong vụ án hình sự "vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Vừa được đào tạo nghề Luật sư, rồi vừa trải qua sát hạch yêu cầu nghiệp vụ của Cục Trợ giúp pháp lý; những kiến thức mới, kỹ năng vừa học tập được, tôi vận dụng vào quá trình xử lý vụ việc đầu tiên này. Mong muốn phải làm được gì giúp đỡ anh M và gia đình anh tìm được công lý, công bằng sau cái chết thương tâm của con trai anh, những tổn hại về sức khỏe mà anh và gia đình phải gánh chịu cứ thôi thúc tôi không ngừng nghiên cứu các tình tiết vụ việc, tìm tòi và các quy định của pháp luật. Cái cảm giác "toát mồ hôi" khi lần đầu tiên ngồi vào vị trí người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại tại Tòa đã theo tôi đi vào trong giấc ngủ. Vụ việc đầu tiên trong đời với tư cách Trợ giúp viên pháp lý đã thành công vì đạt được sự đồng thuận của Hội đồng xét xử, cảm xúc vui mừng vỡ òa khi quyền lợi của người yếu thế được bảo vệ. Tôi ấn tượng không quên lời anh M nói "không có trợ giúp pháp lý có lẽ con trai tôi không thể ra đi thanh thản, tôi không có cơ hội để nói được những bức xúc, tức giận tột cùng đối với bị cáo và gia đình bị cáo và cũng không có cơ hội để nói lên sự thương xót, sự mất mát mà gia đình tôi phải gánh chịu. Cảm ơn Trợ giúp viên pháp lý rất nhiều!...". Đã gần chục năm với nghề Trợ giúp viên pháp lý, mỗi năm trung bình thực hiện từ 30 - 50 vụ việc tham gia tố tụng, có thành công, có thất bại và tôi cũng đã cảm nhận được khó khăn muôn vàn nhưng rất đáng tự hào của nghề nghiệp. Giờ đây, thực hiện trợ giúp pháp lý là công việc hàng ngày, không còn cảm giác lo lắng hay hồi hộp như thuở ban đầu mà là sự đam mê, tận tâm, lấy hiệu quả công việc là niềm vui nghề nghiệp. Cái gọi là "thắng" qua mỗi vụ việc trợ giúp pháp lý không còn chỉ là "đòi" được gì cho người được trợ giúp pháp lý mà còn là sự khẳng định vai trò của trợ giúp pháp lý trong đời sống xã hội.
Trong những năm qua, tại Điện Biên, hàng năm mỗi Trợ giúp viên pháp lý thực hiện đến hàng trăm vụ việc bằng các hình thức tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, … Không thể nhớ chính xác hết tất cả những người đã được mình trợ giúp pháp lý, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý có những vụ việc, những người được trợ giúp pháp lý thực sự khiến chúng tôi nhớ mãi. Ví dụ như trường hợp bà Phan Thị Th. được trợ giúp trong một vụ việc tranh chấp đất đai. Bà Th. thuộc diện người có công với cách mạng, sinh sống ngay tại phường Nam Thanh - thành phố Điện Biên Phủ. Bà Th. tìm đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên vào một ngày đông, cái giá rét của thời tiết càng làm cho lòng người thêm tê tái. Bà trình bày vụ việc tranh chấp cũng như quá trình giải quyết của các cơ quan hành chính, của tòa sơ thẩm với tâm trạng rất bức xúc, cho rằng vụ việc liên quan đến gia đình mình đã không được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thấu tình. Gia đình bà là người khai hoang sử dụng đất từ những năm 80, nhưng vì "cái bản đồ" năm 2010 xác định diện tích đất cho người khác mà gia đình bà từ chỗ ngay tình nay trở thành người "cướp đất" của ông hàng xóm. Sau khi nghe Trợ giúp viên pháp lý giải thích các quy định pháp luật đất đai, pháp luật dân sự và hướng giải quyết vụ việc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, ngay tại phòng tiếp dân của Trung tâm, bà Th. vừa khóc vừa kể những nỗi ấm ức của bà trong quá trình đi "đòi" công bằng cho gia đình. Quá trình thực hiện vụ việc của bà Th., bà cởi mở hơn trong giao tiếp, vụ việc kết thúc bà cụ 60 tuổi ấy nói rằng về nơi cư trú bà sẽ thông báo rộng rãi đến mọi người xung quanh để nếu gia đình nào có việc gì còn đến Trung tâm trợ giúp pháp lý.
Quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý có những trường hợp Trợ giúp viên pháp lý không thể tưởng tượng nổi lý do phạm tội của người được trợ giúp pháp lý, ví dụ như trường hợp trợ giúp pháp lý cho H. A N.. H.A N, diện người dân tộc thiểu số, bị khởi tố về tội "mua bán người", người mà N. bán lại là cô người yêu, đã yêu nhau gần hai năm. N. dẫn người yêu về xin phép bố mẹ cho cưới, bố mẹ N. không cho phép vì N. và bạn gái là người có họ (theo phong tục). Thay bằng việc thuyết phục bố mẹ đồng ý thì N. nghĩ cách liên hệ bán người yêu để thu được số tiền 3.000.000 đ (ba triệu đồng). Lần đầu tiên khi tiếp xúc với N. tại Trại tạm giam công an Tỉnh, vóc dáng thấp bé, đen đuốc, ánh nhìn thất thần, mệt mỏi sau những ngày tạm giam; Trợ giúp viên pháp lý không nghĩ đây lại là con người độc ác, dã tâm đưa người yêu đi bán. Nhưng rồi quá trình tham gia hỏi cung, lý do phạm tội rất ngây ngô của N. khiến chúng tôi cảm thấy vừa thương lại vừa trách. N nói rằng: "Bố mẹ cấm, không cho lấy, nếu không lấy được nhau kiểu gì rồi cô người yêu cũng ăn lá ngón để chết, thà bán đi cho người khác còn được ít tiền chứ để nhà rồi người cũng chết mà tiền cũng không được". Hay như trường hợp yêu cầu ly hôn của chị Sừng To M. (Mường Nhé, Điện Biên), với mức thu nhập bình quân hàng tháng tại xã khó khăn khoảng hơn 1.000.000/ người/ tháng. Song khi yêu cầu cấp dưỡng nuôi con chị đề nghị 3.000.000/cháu/tháng và chị cho rằng trong đó bao gồm cả chi phí để chị về với bố mẹ, chi phí chị sinh 03 người con cho gia đình chồng… Những lý do "ngây ngô" này của người được trợ giúp pháp lý, khiến cho bản thân tôi không khỏi chạnh lòng. Đối với những vụ việc như trên, để làm cho người được trợ giúp pháp lý hiểu được quy định của pháp luật, sự phù hợp của "tình" với "lý", đòi hỏi Trợ giúp viên pháp lý bên cạnh trách nhiệm nghề nghiệp còn cần sự tâm huyết, tận tâm. Sẽ còn và còn nhiều câu chuyện từ những vụ việc trợ giúp pháp lý, song niềm vui, vinh dự góp công sức nhỏ bé của mình vào việc xóa nghèo pháp luật; giúp những người yếu thế bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình là động lực để những người Trợ giúp viên pháp lý như chúng tôi không ngừng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng, trau dồi đạo đức nghề nghiệp.
Vai trò, trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý là vậy; song thực tiễn hoạt động không khỏi khiến chúng tôi có nhiều điều trăn trở.
Thứ nhất, Trợ giúp viên pháp lý là những người đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí cho những người yếu thế. Trợ giúp pháp lý miễn phí là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta, tưởng rằng Trợ giúp viên pháp lý được xem như là những "anh hùng" trên mặt trận giảm nghèo về pháp luật cho người nghèo, người có công với cách mạng và các đối tượng yếu thế khác trong xã hội…nhưng thực tế không hẳn như vậy. Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý miệt mài với nghề của mình song nhiều lúc vẫn bị so sánh rằng "làm miễn phí thì chất lượng cũng chỉ là cho có". Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý để khẳng định vai trò, vị trí của mình và để xóa đi tư tưởng "chất lượng ngang tầm miễn phí" của một số người đã và đang không ngừng cố gắng. Song, thiết nghĩ để vụ việc trợ giúp pháp lý miễn phí nhưng chất lượng ngang bằng hoặc cao hơn chất của những vụ việc có thu phí thì bên cạnh sự cố gắng của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý như chúng tôi, còn cần đến sự quan tâm về thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi từ Nhà nước, sự phối hợp, tạo điều kiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thứ hai, Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Đến nay, Trợ giúp viên pháp lý đã được pháp luật tố tụng thừa nhận tư cách tham gia. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của Trợ giúp viên pháp lý cũng không vơi đi phần nào khó khăn. Có lúc, có nơi, có vụ việc, Trợ giúp viên pháp lý như chúng tôi cảm thấy sự "bất lực" trong việc bào chữa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Với tư cách là người tham gia tố tụng, phân tích và đề xuất áp dụng pháp luật đúng đắn và có lợi cho người mình trợ giúp. Pháp luật quy định là vậy, nhưng quyền quyết định là cơ quan tiến hành tố tụng, Hội đồng xét xử; thế nên có những cố gắng của người thực hiện trợ giúp pháp lý không được công nhận, những lý lẽ, lập luận bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý không được xem xét. Khi tham gia bào chữa cho anh S trong vụ án "Mua bán trái phép chất ma túy", Bộ luật hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành đều quy định rất cụ thể như thế nào là hành vi mua bán, như thế nào là hành vi tàng trữ. Đối với một người nghiện như anh S, dùng 200.000 đ (hai trăm nghìn đồng) mua hêrôin về để thỏa mãn cơn nghiện của mình, không thực hiện việc bán cho bất kỳ ai. Tuy nhiên, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn buộc anh về tội mua bán trái phép chất ma túy chỉ vì lý do bị can đã nói "nếu có gặp ai hỏi mua thì sẽ bán" là lời nhận tội duy nhất của bị can tại giai đoạn điều tra để buộc tội - điều này là không phù hợp với quy định tại Điều 72 BLTTHS 2003 và cũng không phù hợp với diễn biến phiên tòa bị cáo không thừa nhận ý định sẽ bán ma túy. Pháp luật quy định là vậy, sự cố gắng phân tích,lập luận, bảo vệ của người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng chỉ nhận được việc "giữ nguyên quan điểm" của đại diện Viện kiểm sát và anh S vẫn tuyên về tội mua bán trái phép chất ma túy nên không được áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội theo quy định Nghị Quyết số 144/2016/QH 13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội và Bộ luật hình sự năm 2015…Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm việc, sự trăn trở trước những khó khăn, bấp cập ấy. Nhưng với chúng tôi những khó khăn ấy dường như là động lực của bản thân làm thế nào để bảo vệ quyền lợi cho người yếu thế, làm thế nào để mình phải là chỗ dựa tin cậy, là niềm tin cho người được trợ giúp pháp lý nói riêng và người dân nói chung.
Thứ ba, Trợ giúp viên pháp lý là một trong những chức danh nghề luật cùng với các chức danh tư pháp khác như thẩm phán, kiểm sát viên, công chứng viên… Trợ giúp viên cũng được đào tạo ngang bằng với những chức danh này. Tại Điện Biên, hàng năm các Trợ giúp viên pháp lý thực hiện hàng trăm vụ việc; trong đó trung bình mỗi Trợ giúp viên tham gia tố tụng từ 30 - 50 vụ việc. Tuy nhiên, khi nghỉ chế độ hưu trí, Trợ giúp viên pháp lý khó có tư cách tham gia tố tụng để tiếp tục đóng góp công sức, làm việc với nghề mà mình yêu thích như luật sư. Đây cũng là những trăn trở của rất nhiều người là Trợ giúp viên pháp lý.
Thứ tư, Trợ giúp viên pháp lý cũng như những người tham gia tố tụng khác, tuy nhiên, việc tham gia của những người thực hiện trợ giúp pháp lý giới hạn trong lĩnh vực, phạm vi và đối tượng được trợ giúp pháp lý được quy định tại Luật trợ giúp pháp lý. Trợ giúp viên pháp lý như chúng tôi ngoài việc không được chọn khách hàng, chọn lĩnh vực tư vấn - tranh tụng, không được chấm dứt hợp đồng như luật sư , tham gia tranh tụng theo yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý với trách nhiệm nặng nề đôi khi còn bị mang tiếng và chịu những lời chỉ trích không đáng có. Thường trong mỗi vụ việc, Trợ giúp viên pháp lý tư vấn, hướng dẫn, phân tích về phương án giải quyết vụ việc. Tuy vậy, vẫn còn những người được trợ giúp pháp lý lựa chọn những cách làm "không giống ai" và yêu cầu Trợ giúp viên pháp lý thực hiện và nghiễm nhiên cho rằng đó là trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý. Xin chia sẻ về vụ việc sau là ví dụ điển hình: Năm 2014, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên nhận được yêu cầu trợ giúp của ông Đào Xuân V. (huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) về việc tranh chấp đất đai là tài sản chung - quyền sử dụng đất do bố mẹ để lại. Quá trình thực hiện vụ việc nhiều lần ông V đến Trung tâm yêu cầu Trợ giúp viên pháp lý phải thực hiện các hoạt động, những công việc để bảo vệ quyền lợi của ông, trong đó có cả những công việc như yêu cầu mở cuộc họp gia đình để ông V làm trách nhiệm của con trai trưởng hoặc thay đổi nội dung giấy khai sinh để chứng minh quan hệ gia đình…Quan điểm của ông V. cho rằng ông là người đã hy sinh một phần xương máu cho độc lập của dân tộc nên các yêu cầu của ông cơ quan nhà nước đều phải có trách nhiệm giải quyết. Đối với những yêu cầu không hợp lý của người được trợ giúp pháp lý Trợ giúp viên pháp lý phải khéo léo giải thích để người được trợ giúp pháp lý hiểu và đồng thuận. Vụ việc là một trong số ít ví dụ cho thấy có những điều tưởng chừng bình thường nhưng là người thực hiện trợ giúp pháp lý nói chung, Trợ giúp viên pháp lý nói riêng cần có trách nhiệm, có sự đam mê trong công việc.
Khó khăn là vậy, trăn trở còn nhiều nhưng phần lớn đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý nói chung, Trợ giúp viên pháp lý nói riêng vẫn tự hào, vẫn tận tâm để cống hiến cho nghề nghiệp của mình. Để vượt qua những khó khăn trong nghề nghiệp mỗi người có một cách khác nhau; bản thân tôi, tôi luôn lấy câu nói của Steve Jobs "Cách duy nhất để làm được những điều vĩ đại là yêu thích thứ bạn làm" làm phương châm để làm việc. Tin rằng, với những cống hiến hết mình cho nghề nghiệp, vì người dân, rồi đây "Trợ giúp viên pháp lý" sẽ trở thành tên gọi, chức danh nghề nghiệp tin cậy trong lòng người dân./.
Lê Thị Diệu
Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Điện Biên