Về phía Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An có Đại tá Nguyễn Đức Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh và đại diện các Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Vinh, Công an huyện Tương Dương.Theo báo cáo của địa phương, sau 03 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã cử 150 cán bộ tham gia 03 đợt tập huấn do Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Nghệ An tổ chức; cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ các cấp đã chủ động giới thiệu hơn 700 trường hợp thuộc diện trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý và các Chi nhánh, cung cấp hơn 900 thông báo bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đối tượng và cung cấp đầy đủ các văn bản tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý. Hàng năm, Công an tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm được quy định tại Thông tư liên tịch số 10; phân công người theo dõi, vào sổ thụ lý; giải thích cho người dân về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí; niêm yết bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý; thông tin, thông báo kịp thời cho người thực hiện trợ giúp pháp lý. Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra, trại tạm giam, nhà tạm giữ luôn thực hiện đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động trợ giúp pháp lý, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu nhằm phục vụ tốt công tác trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Không có trường hợp nào, người thực hiện trợ giúp pháp lý bị từ chối hay thu hồi Thông báo bào chữa, bảo vệ quyền lợi. Đến nay, chưa có kiến nghị, khiếu nại, tố cáo hay phản ánh về hành vi công vụ của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Điều tra viên, cán bộ điều tra trong phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý.
Đồng chí Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý tại buổi làm việc
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền đã được quan tâm song hiệu quả chưa cao, trong khi đó trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế dẫn đến còn nhiều người dân chưa biết, chưa nắm được quyền được trợ giúp pháp lý. Trong thực tiễn, nhiều người bị tạm giữ, tạm giam thuộc diện được trợ giúp pháp lý, mặc dù đã được giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn không viết đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý vì cho rằng tự mình bào chữa cho mình là được hoặc cho rằng tội trạng đã rõ ràng, có yêu cầu người bào chữa cũng không làm thay đổi trách nhiệm của minh. Vì vậy, số người thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí trong tố tụng thấp hơn nhiều so với số bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng thuộc diện được hưởng trợ giúp pháp lý.
Toàn cảnh buổi làm việc
Cũng tại buổi làm việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đề nghị Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Nghệ An tiếp tục tăng cường tập huấn cho các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng; kiến nghị Bộ Công an phân bổ kinh phí cụ thể cho hoạt động trợ giúp pháp lý của Công an các địa phương.Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Cù Thu Anh nhận định cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Nghệ An đã tích cực phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để người bị buộc tội có thể tiếp cận sớm với trợ giúp pháp lý. Đồng chí đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục phát huy những kết quả đạt và kịp thời khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong công tác phối hợp nhằm giúp nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội được thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí; tăng cường công tác tập huấn, nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ về công tác trợ giúp pháp lý.