Hội thảo về dịch vụ công thiết yếu của ngành Tư pháp trong bối cảnh chuyển đổi số

Nhằm mục đích nắm bắt khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc cung cấp dịch vụ công thiết yếu của ngành Tư pháp cho đối tượng yếu thế, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số của ngành Tư pháp và nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để dịch vụ công thiết yếu của ngành Tư pháp cho đối tượng yếu thế đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, ngày 10/10/2023 (ngày chuyển đổi số quốc gia), Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Dịch vụ công thiết yếu của ngành Tư pháp trong bối cảnh chuyển đổi số - thực trạng và giải pháp hoàn thiện”.

             Hội thảo có sự tham dự có các đại biểu là đại diện Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, các đồng chí đại diện Cục Trợ giúp pháp lý, Cục Bồi thường nhà nước, Cục Công nghệ thông tin, Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tư pháp, đại diện Nhà tài trợ UNDP, đại diện Lãnh đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, các trợ giúp viên pháp lý, đại diện Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hà Nam và một số hội viên Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp.
            Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Cù Thu Anh, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý cho biết theo Quyết định số 2069/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, ngành Tư pháp có 02 dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu là dịch vụ hỗ trợ thông tin, thực hiện trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý và dịch vụ hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. 
 
Đồng chí Cù Thu Anh phát biểu khai mạc Hội thảo

            Trong thời gian qua, ngành Tư pháp đã nỗ lực cung cấp 02 dịch vụ công thiết yếu này để đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, đặt ra những thách thức và yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng dịch vụ công thiết yếu của ngành Tư pháp.
            Tại Hội thảo, các bài tham luận của Cục Trợ giúp pháp lý, Cục Công nghệ thông tin, Cục Bồi thường nhà nước, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ và các ý kiến phát biểu đã đánh giá được thực trạng cung cấp dịch vụ công thiết yếu của ngành Tư pháp. 
Theo đó, đối với dịch vụ thực hiện trợ giúp pháp lý, trong thời gian từ năm 2018 đến tháng 6/2023), các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên cả nước đã thực hiện được trên 176 nghìn vụ việc, trong đó có hơn 90 nghìn vụ tham gia tố tụng (chiếm 51,3%). Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng được nâng cao. Về cơ bản, các vụ việc được thẩm định, đánh giá chất lượng đều đạt chất lượng trở lên, người dân cơ bản hài lòng với chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý được cung cấp. Theo tổng hợp từ địa phương từ năm 2018 – 6/2023 có khoảng 27 nghìn vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả (được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị trong cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân; mức bồi thường thiệt hại được tăng lên cho bị hại...). 
             Đối với dịch vụ hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thực tế tổng kết sau 10 năm hoạt động, Cục Bồi thường nhà nước đã tiếp nhận 422 lượt đề nghị cung cấp thông tin, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước tương ứng với 310 vụ việc yêu cầu bồi thường; đã ban hành 357 văn bản hướng dẫn, hỗ trợ. Tỷ lệ yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn phát sinh nhiều nhất trong lĩnh vực tố tụng với 120/310 vụ việc (chiếm tỷ lệ 38.7%), số vụ việc phát sinh trong lĩnh vực quản lý hành chính là 112/310 vụ việc (chiếm tỷ lệ 36%), lĩnh vực thi hành án là 52/310 vụ việc (chiếm tỷ lệ 16.8%) và 26/310 vụ việc không thuộc phạm vi (chiếm tỷ lệ 8.5 %).
             Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc cung cấp dịch vụ công thiết yếu của ngành Tư pháp còn có những khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh chuyển đổi số như: người dân vẫn còn phải cung cấp các giấy tờ để chứng minh thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý; việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, các thủ tục hành chính về trợ giúp pháp lý còn nhiều khó khăn khi nhiều đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý không biết cách sử dụng mạng internet; việc theo dõi, đánh giá công tác trợ giúp pháp lý, thống kê số liệu trong hoạt động trợ giúp pháp lý đa phần đều phải thống kê dựa trên sổ thụ lý và các trợ giúp viên pháp lý gửi về; Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý đã vận hành tuy nhiên có thời điểm còn chậm; các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hiện chưa có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin; cơ sở vật chất, trang thiết bị của các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước còn chưa đồng bộ; việc quy định tách biệt các nội dung về hỗ trợ và hướng dẫn thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước tại Trung ương và địa phương là yếu tố gây trở ngại, khó khăn khi người bị thiệt hại thực hiện quyền được bồi thường, hướng dẫn của mình, điều này dẫn đến rất khó để có thể số hoá hoạt động trên không gian mạng…
 
Một số hình ảnh tại Hội thảo
 
             Để tiếp tục cung cấp các dịch vụ công thiết yếu trong ngành Tư pháp trong bối cảnh chuyển đổi số của ngành Tư pháp có hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi số, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện như: nâng cấp và khắc phục những hạn chế của Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; tiếp tục bổ sung, mở rộng triển khai các thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến; xây dựng phần mềm để người dân có thể gửi yêu cầu trợ giúp pháp lý, nội dung vụ việc và người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể tiếp nhận, thực hiện giải đáp, tư vấn pháp luật qua phần mềm,…
            Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Cù Thu Anh cảm ơn và ghi nhận những ý kiến, đề xuất thiết thực của các đại biểu. Trong thời gian tới, Chi hội luật gia Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Cục Trợ giúp pháp lý, Cục Bồi thường nhà nước và các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, đưa ra các giải pháp hoàn thiện các dịch vụ công thiết yếu trong ngành Tư pháp trong bối cảnh chuyển đổi số của ngành Tư pháp cũng như để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường tiếp cận công lý cho người dân.
 
Ban Truyền thông, Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp