Kiểm tra công tác trợ giúp pháp lý tại thành phố Hà Nội
Thực hiện Kế hoạch Công tác năm 2023 của Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL) đã được Lãnh đạo Bộ Tư pháp phê duyệt tại Quyết định số 163/QĐ-BTP ngày 10/02/2023, ngày 18/5/2023, Cục TGPL đã tổ chức Đoàn kiểm tra công tác trợ giúp pháp lý theo Quyết định số 61/QĐ-CTGPL. Đoàn công tác do đồng chí Cù Thu Anh – Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý làm Trưởng đoàn và các thành viên là đại diện các đơn vị thuộc Cục TGPL.
Tham dự buổi kiểm tra về phía Sở Tư pháp có đồng chí Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tư pháp; lãnh đạo Văn Phòng Sở, Phòng Bổ trợ tư pháp, Phòng Tổ chức đào tạo và lãnh đạo, một số trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước thành phố Hà Nội.
Đoàn kiểm tra đã làm việc với Trung tâm TGPL nhà nước thành phố Hà Nội về các nội dung liên quan tới tổ chức bộ máy của Trung tâm, kết quả hoạt động TGPL, kết quả hoạt động truyền thông, xem xét sổ thụ lý, theo dõi vụ việc TGPL và một số hồ sơ vụ việc TGPL tại Trung tâm. Hiện nay, Trung tâm TGPL nhà nước thành phố Hà Nội có 10 Chi nhánh TGPL, 71 viên chức trong đó có 52 Trợ giúp viên pháp lý, 09 chuyên viên pháp lý. Năm 2022, Trung tâm TGPL nhà nước thành phố Hà Nội thụ lý 1.935 vụ việc TGPL cho 1.935 người thuộc diện được TGPL. Tổng số vụ việc TGPL thực hiện trong năm 2022 là 2.474 vụ việc, tổng số vụ việc kết thúc trong kỳ là 1.404 vụ việc. 100% trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu vụ việc.
Đ/c Cù Thu Anh – Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Trưởng Đoàn Kiểm tra phát biểu ý kiến
Nhìn chung, hoạt động TGPL tại thành phố Hà Nội cơ bản thực hiện theo yêu cầu của Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành. Công tác TGPL ở thành phố Hà Nội những năm gần đây có chuyển biến rõ nét, số vụ việc, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng tăng cao. Trong một số vụ việc TGPL, Hội đồng xét xử đồng ý với quan điểm bào chữa, bảo vệ của trợ giúp viên pháp lý theo hướng có lợi cho người được TGPL. Cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc được bảo đảm, tạo điều kiện cho hoạt động của Trung tâm và các Chi nhánh. Đội ngũ trợ giúp viên pháp lý đã tích cực, chủ động trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng. Chất lượng các vụ việc TGPL ngày càng nâng cao, nhận được sự phản hồi tích cực của người được TGPL. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thực hiện TGPL theo hướng chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tranh tụng. Nhờ đó, trợ giúp viên pháp lý thực hiện TGPL tăng cả về số lượng và chất lượng.
Công tác phối hợp với Tòa án nhân dân thành phố trong triển khai Chương trình số 1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 19/5/2022 về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án nhân dân được Sở Tư pháp thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, các nội dung hoạt động TGPL trong các Chương trình mục tiêu quốc gia đều đã được triển khai đầy đủ.
Về hoạt động truyền thông trong lĩnh vực TGPL, Trung tâm TGPL nhà nước đã phối hợp với các đơn vị truyền thông thực hiện các bài viết, phóng sự về công tác TGPL và phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền về các quy định của Luật TGPL năm 2017 và các văn bản pháp luật có liên quan tới hoạt động TGPL,….
Đ/c Ngô Anh Tuấn – Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội (ngồi giữa)
Về ứng dụng công nghệ thông tin, các Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm đã tham gia phiên toà xét xử trực tuyến tại điểm cầu đặt tại Toà án nhân dân Thành phố và cập nhật tương đối đầy đủ thông tin tổ chức, người thực hiện, vụ việc TGPL lên Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động TGPL.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Cù Thu Anh đã ghi nhận thành tựu, chuyển biến tích cực mà Trung tâm TGPL nhà nước thành phố Hà Nội đạt được có nhiều đổi mới trong công tác, nâng cao toàn diện về chất lượng và số lượng vụ việc TGPL. Đồng chí Cù Thu Anh và các đồng chí trong đoàn kiểm tra cũng đã trao đổi, hướng dẫn và đưa ra một số giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc của đơn vị. Qua đó, đồng chí Cù Thu Anh đề nghị Sở Tư pháp tiếp tục quan tâm hơn nữa tới công tác trợ giúp pháp lý, đề nghị Trung tâm tiếp tục thực hiện tốt nội dung chỉ đạo trong Nghị quyết số 27-NQ-TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó có nội dung “Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật”, hiện đại hoá mạng lưới và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của mình.
(Đoàn Kiểm tra công tác TGPL tại Thành phố Hà Nội)