Được thành lập từ năm 1999, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên ngày càng được kiện toàn và phát triển, ban đầu thành lập với 03 biên chế, đến năm 2012 Trung tâm đã được giao 21 biên chế, thành lập được 05 chi nhánh trợ giúp pháp lý, bổ nhiệm 06 Trợ giúp viên pháp lý thực hiện đúng lộ trình của Đề án. Nhờ đó, những năm qua công tác trợ giúp pháp lý ngày càng hiệu quả, các chi nhánh đã thành lập từng bước được kiện toàn và hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả từ công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, số vụ việc tham gia tố tụng ngày càng tăng, Trung tâm đã thụ lý và cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng ngay từ giai đoạn điều tra của vụ án ngày càng tăng, chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng cao, tích cực, chủ động hoàn thành sớm và hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động và tập huấn kiến thức pháp luật cho cán bộ cơ sở theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện Quyết định 792/QĐ-TTg ngày 23/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến 2015”, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 885/QĐ-UBND ngày 20/7/2010 về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch mạng lưới Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2010 – 2015 trên địa bàn tỉnh Điện Biên”. Trong đó Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên (Trung tâm) được quy hoạch với lộ trình đến năm 2015 ít nhất có 36 biên chế, 03 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 07 chi nhánh tại các huyện. Năm 2013, Sở Tư pháp đã tham mưu với UBND tỉnh để thành lập 03 Chi nhánh trợ giúp pháp lý và đề nghị cấp biên chế theo đúng lộ trình của Đề án. Tuy nhiên, cùng với khó khăn chung của cả nước, đến nay Trung tâm vẫn chưa được thành lập thêm 03 Chi nhánh tại 03 huyện nghèo còn lại của tỉnh, không được cấp thêm biên chế, cùng với khó khăn chung của một tỉnh miền núi biên giới đặc biệt khó khăn dẫn đến hoạt động trợ giúp pháp lý ở Điện Biên gặp không ít thử thách trong thời gian tới, cụ thể là:
- Địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn (từ trung tâm tỉnh đến huyện Mường Nhé là 210km, đến huyện Tủa Chùa 150km, đến thị xã Mường Lay là 103 km, đến huyện Tuần Giáo là 80km, đến huyện Điện Biên Đông là 60km, đến huyện Mường Chà là 60km, đến huyện Nậm Pồ là 160km, đến huyện Mường Ảng là 45km), trung bình 01 vụ án người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia ít nhất phải 02 lần đi để làm thủ tục bào chữa, nghiên cứu hồ sơ, gặp người được trợ giúp pháp lý và các bên liên quan, tham gia phiên tòa, … (đối với hoạt động bào chữa cho bị can, bị cáo từ giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án phải thêm ít nhất 03 lần tham gia hỏi cung bị can), như vậy để hoàn thành 01 vụ án người thực hiện trợ giúp pháp lý phải đi lại nhiều lần, trong khi tại các huyện không có người thực hiện trợ giúp pháp lý đủ điều kiện tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng (chưa có luật sư làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý và Trợ giúp viên tại các huyện trong tỉnh). Năm 2013 Điện Biên có trên 30 vụ án tại huyện Tủa Chùa (trong đó có khoảng 05 vụ án hình sự, trợ giúp pháp lý tham gia từ giai đoạn điều tra, 05 vụ xét xử lưu động tại các xã), như vậy người thực hiện trợ giúp pháp lý phải đi lại trên 70 lượt (khoảng hơn 2.000km bằng phương tiện cá nhân hoặc phương tiện công cộng).
-Nhà nước đang thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội dành cho người nghèo, người dân tộc thiểu số thường xuyên sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó có chính sách trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện 02 Quyết định này Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên nói riêng và các tỉnh có các huyện nghèo nói chung phải thực hiện nhiều hoạt động trợ giúp pháp lý tại cơ sở với năng lực về cơ sở vật chất, phương tiện đi lại, biên chế và kinh phí còn nhiều hạn chế.
- Hiện còn 03 huyện nghèo của tỉnh là Tủa Chùa, Điện Biên Đông và Nậm Pồ chưa thành lập được chi nhánh trợ giúp pháp lý. Việc đẩy mạnh hoạt động nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân tại 03 huyện này và việc cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp lý theo yêu cầu trợ giúp pháp lý của người dân gây tốn kém nhiều về thời gian, kinh phí và nhân lực của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.
- Thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên phải thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý đến 100 xã và thôn (bản) đặc biệt khó khăn.
- Một khó khăn nữa của Điện Biên mà không thể sớm khắc phục được là nguồn nhân lực có trình độ cử nhân Luật là hết sức hạn chế, đặc biệt đối với nghề trợ giúp pháp lý còn nhiều khó khăn, vất vả nên chưa thu hút được cán bộ đạt trình độ theo yêu cầu.
Với những khó khăn trên, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên rất cần đến sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện của UBND tỉnh cũng như của Bộ Tư pháp. Đặc biệt là việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện Quyết định 792/QĐ-TTg ngày 23/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến năm 2015” và việc thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ./.
Đỗ Thị Việt Dũng
Trường Chính trị tỉnh Điện Biên