Thi hành Nghị quyết Quốc hội, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là điểm cầu trong phiên tòa trực tuyến
Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội khóa XV về tổ chức phiên tòa trực tuyến, ngày 15/12/2021, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ký kết Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến (Thông tư liên tịch số 05). Bộ Tư pháp đã tham gia đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội và Thông tư liên tịch số 05.
Tham dự lễ ký kết có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, đồng chí Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng thường trực Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện lãnh đạo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam,… đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đại diện cho Bộ Tư pháp ký kết Thông tư liên tịch.
Thông tư liên tịch số 05 có 4 chương với 16 điều, chương I quy định chung có 5 điều (điều 1 - điều 5), chương II chuẩn bị phiên tòa trực tuyến có 4 điều (điều 6 - điều 9), chương III phiên tòa trực tuyến có 5 điều (điều 10 - điều 14), chương 4 tổ chức thực hiện có 2 điều (điều 15 - điều 16).
Việc ban hành Thông tư liên tịch số 05 nhằm mục đích ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh và lãnh đạo liên ngành ký kết Thông tư liên tịch số 05
Thông tư liên tịch số 05 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2022 với một số quy định về hoạt động trợ giúp pháp lý như sau:
- Về xem xét, quyết định mở phiên tòa trực tuyến: Đối với vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường thì trong thời hạn chậm nhất 07 ngày, trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải xem xét: Đối với vụ án hình sự, dân sự, hành chính mà có đương sự, bị hại tham gia tố tụng nhận là đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý và không đủ điều kiện kỹ thuật, công nghệ tham gia phiên tòa trực tuyến thì Tòa án giải thích cho đương sự, bị hại biết họ có quyền đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước xem xét, thụ lý vụ việc và hỗ trợ việc tham gia phiên tòa trực tuyến đồng thời thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước biết để liên hệ.
- Về trách nhiệm của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước được quy định cụ thể như sau: Trường hợp vụ án hình sự, dân sự, hành chính có đương sự, bị hại là đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý và có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước phải bảo đảm điều kiện kỹ thuật, công nghệ, không gian tổ chức và có văn bản đề nghị Tòa án cho phép tổ chức điểm cầu thành phần do Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước bố trí. Văn bản đề nghị Tòa án cho phép tổ chức điểm cầu thành phần do Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước bố trí phải được gửi ngay cho Tòa án sau khi có đề nghị của đương sự, bị hại. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước phối hợp với Tòa án đặt điểm cầu thành phần tại điểm cầu do Trung tâm bố trí.
- Về thành phần tham gia điểm cầu quy định: Đối với vụ án hình sự, dân sự, hành chính mà điểm cầu thành phần được đặt tại nơi đương sự hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước lựa chọn được Tòa án chấp nhận thì thành phần tham gia gồm: người tham gia tố tụng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có).
- Về phối hợp chuẩn bị phiên tòa trực tuyến: Đối với vụ án hình sự, dân sự, hành chính mà điểm cầu thành phần đặt tại nơi đương sự hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước lựa chọn được Tòa án chấp nhận thì Tòa án thụ lý giải quyết vụ án chủ động yêu cầu người tham gia tố tụng hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước phối hợp kiểm tra kỹ thuật, chất lượng tín hiệu hình ảnh, âm thanh của hệ thống trực tuyến và kết nối xong chậm nhất 01 giờ trước khi diễn ra phiên tòa trực tuyến…
Như vậy, với các quy định về đặt điểm cầu tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước sẽ giúp trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cũng như người bị hại, đương sự là người được trợ giúp pháp lý thuận lợi trong việc tham gia phiên toà trực tuyến, kịp thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Phòng Chính sách và quản lý nghiệp vụ trợ giúp pháp lý