HỘI THẢO GÓP Ý TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRONG CÁC VỤ VIỆC HÔN NHÂN GIA ĐÌNH VÀ ĐẤT ĐAI

Trong khuôn khổ Dự án tăng cường pháp luật và tư pháp ở Việt Nam (EUJULE) do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tài trợ, ngày 26/01/2021, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với UNDP tổ chức hội thảo góp ý tài liệu hướng dẫn trợ giúp pháp lý trong các vụ việc hôn nhân gia đình và đất đai nhằm lấy ý kiến của người thực hiện trợ giúp pháp lý, chuyên gia để hoàn thiện tài liệu hướng dẫn cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý trong thời gian tới.

Chủ trì hội thảo có ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp. Đồng chủ trì là bà Audrey Anne Rochelemagne, Đại diện phái đoàn liên minh Châu Âu tại Việt Nam, bà Đỗ Thúy Vân, cán bộ Chương trình phát triển Liên hiệp quốc UNDP và bà Vũ Thị Hoàng Hà, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý. Tham dự hội nghị còn có Tiến sỹ Tạ Thị Minh Lý, Chuyên gia của UNDP và các Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước, các Trợ giúp viên pháp lý, các luật sư  ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý của 16 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Phú Thọ, Bắc Giang, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Kạn và thành phố Hà Nội.
 
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Cù Thu Anh cho biết: Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017 với 100% đại biểu có mặt tán thành đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế, hướng hoạt động trợ giúp pháp lý vào nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng, lấy người được TGPL làm trung tâm, nâng cao chất lượng TGPL. Trên cơ sở quy định của Luật TGPL, Cục TGPL đã chỉ đạo các địa phương tập trung nguồn lực (nhân lực và tài chính) dành nhiều cho việc thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng, giải quyết vướng mắc pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL trong các vụ việc cụ thể, mang lại lợi ích rõ rệt thông qua số liệu vụ việc và thành công của nhiều vụ việc. Số lượng vụ việc tham gia tố tụng tăng hàng năm, cụ thể năm 2017 là 15.519 vụ, năm 2018 là 16.886 vụ, năm 2019 là 21.244 vụ, năm 2020: 27.496 vụ (tăng 177% so với năm 2017), trong đó có các vụ việc hôn nhân gia đình và đất đai.
Theo số liệu thống kê tính đến hết ngày 31/12/2020, đến nay cả nước có  641 Trợ giúp viên pháp lý, 618 Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm TGPL nhà nước. Tuy nhiên, với việc mở rộng đối tượng được TGPL từ 06 nhóm đối tượng lên 14 nhóm đối tượng thì nhu cầu được trợ giúp pháp lý đòi hỏi cần phải nâng cao năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý để cung cấp dịch vụ kịp thời, có chất lượng cho người được trợ giúp pháp lý.  
Tài liệu được lựa chọn xây dựng trên cơ sở tham khảo các quy định trong và ngoài nước, các Điều ước quốc tế, các chính sách của pháp luật về các lĩnh vực này, trong đó có các kỹ năng tiếp xúc, trao đổi; kỹ năng tư vấn, tham gia tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý. Để tài liệu được hoàn thiện hơn, tại Hội nghị Ông Cù Thu Anh cũng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, góp ý về các nội dung của dự thảo tài liệu hướng dẫn trợ giúp pháp lý trong các vụ việc dân sự về tranh chấp đất đai và hôn nhân gia đình. Đồng thời, đề nghị các đại biểu tích cực chia sẻ những thông tin, kết quả, kinh nghiệm thực tế về quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ việc cụ thể tại địa phương mình và đưa ra những giải pháp, kiến nghị để nâng cao hiệu quả, chất lượng thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ việc này trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu cuối cùng là bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

 
Phát biểu tại hội thảo, bà Audrey Anne Rochelemagne, Đại diện phái đoàn liên minh Châu Âu tại Việt Nam cũng nhất trí cho rằng việc xây dựng tài liệu là cần thiết, tài liệu này giúp người thực hiện trợ giúp pháp lý tham khảo về các kỹ năng cơ bản khi thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ việc về hôn nhân gia đình và đất đai. Bà Audrey Anne Rochelemagne cũng mong muốn các đại biểu tích cực trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến góp phần hoàn thiện các tài liệu để trong những năm tới cuốn tài liệu này được sử dụng để tập huấn nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý của người thực hiện TGPL trong dân sự về tranh chấp đất đai và hôn nhân gia đình.
Tại Hội nghị, tiến sỹ Tạ Thị Minh Lý, chuyên gia UNDP trình bày các dự thảo tài liệu về tranh chấp đất đất đai trong dân sự và hôn nhân gia đình. Dự thảo tài liệu gồm một số các nội dung cơ bản như: (1) phạm vi của việc lựa chọn nội dung đưa vào tài liệu nghiên cứu; (2) khung pháp lý trong nước và quốc tế quy định về giải quyết tranh chấp đất đai trong lĩnh vực dân sự và hôn nhân gia đình; (3) Các nguyên tắc để giải quyết vụ việc tranh chấp đất đai trong dân sự và hôn nhân gia đình trong đó tập trung vào các kỹ năng của người thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ việc này; (4) một số tình huống trợ giúp pháp lý điển hình và kinh nghiệm quốc tế…
Các đại biểu tham dự hội thảo phát biểu đều rất đồng tình về tính cần thiết của bộ tài liệu này và cho rằng cuốn tài liệu này giúp cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ việc tranh chấp đất đai trong dân sự và hôn nhân gia đình. Các đại biểu đánh giá cao về những vấn đề được lựa chọn đưa vào tài liệu, đây đều là những vấn đề nổi cộm, điển hình, hiện là những nội dung mà đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý còn thiếu, còn yếu trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý thực tế trong các lĩnh vực này, đồng thời các đại biểu đưa ra một số ý kiến góp ý để hoàn thiện cuốn tài liệu trong thời gian tới.
Kết thúc hội thảo, bà Vũ Thị Hoàng Hà, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý đã ghi nhận và khẳng định các ý kiến đóng góp chất lượng của các đại biểu là cơ sở để chuyên gia phối hợp với Cục Trợ giúp pháp lý hoàn thiện cuốn tài liệu từ đó giúp người thực hiện trợ giúp pháp lý có thêm một nguồn tham khảo để nâng cao kỹ năng và chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho người dân trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại Hội nghị
 



                                                                                                       Như Lan - Phòng Chính sách và Quản lý nghiệp vụ, Cục TGPL