Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn giảng viên nguồn về trợ giúp pháp lý thân thiện cho trẻ em
Thực hiện Kế hoạch của Bộ Tư pháp và trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EUJULE) được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, từ ngày 09 - 11/12/2020, tại Lâm Đồng, Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn giảng viên nguồn về trợ giúp pháp lý thân thiện cho trẻ em
Tham dự lớp tập huấn có đại diện Lãnh đạo Cục Trợ giúp pháp lý, nhà tài trợ, đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp, Lãnh đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lâm Đồng và 35 Trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý của 09 tỉnh, thành phố: Bình Thuận, Đắk Nông, Bình Phước, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắk, Bến Tre, Lâm Đồng, Tây Ninh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp Cù Thu Anh nhấn mạnh, bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho trẻ em là vấn đề được quan tâm thực hiện ngay từ khi tổ chức trợ giúp pháp lý được thành lập và đi vào hoạt động đến nay. Trên cơ sở các điều ước quốc tế và các văn bản pháp luật của Việt Nam, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp và các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã tổ chức triển khai thực hiện tất cả các hình thức hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em.
Theo báo cáo của địa phương, trong gần 03 năm qua (năm 2018, 2019 và 6 tháng đầu năm 2020), số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em là 6.944 vụ việc, đặc biệt số vụ việc tham gia tố tụng chiếm 46,8% tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em. Trong đó, có rất nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý thành công, có hiệu quả rõ rệt.Tuy nhiên, qua các phương tiện thông tin thì thấy rằng vẫn còn trường hợp trẻ em bị xâm hại và bạo lực. Trong khi đó, trẻ và người thân của trẻ chưa quan tâm về quyền được trợ giúp pháp lý hoặc chưa được tiếp cận kịp thời các dịch vụ hỗ trợ, trong đó có trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại đòi hỏi ngoài kiến thức pháp luật tốt còn phải có hiểu biết về tâm lý, sự phát triển của trẻ em và kỹ năng làm việc với trẻ em. Do vậy, Cục trưởng Cù Thu Anh đề nghị trong thời gian tập huấn, các học viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham dự đầy đủ các buổi học để tiếp thu trọn vẹn các nội dung được các báo cáo viên trình bày; tích cực, chủ động tham gia các hoạt động của lớp, thẳng thắn trao đổi những vấn đề chưa rõ, những hạn chế bất cập trong hoạt động thực tiễn của mình để cùng với báo cáo viên làm sáng tỏ những vấn đề cùng quan tâm, tích luỹ nhiều kinh nghiệm và học tập được nhiều bổ ích trong đợt tập huấn này.
Tại lớp tập huấn, các giảng viên là Ông Sergiu Rusanovschi - chuyên gia bảo vệ trẻ em của UNICEF, Bà Vũ Thị Hường - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, ÔngTrần Nguyên Tú - Phó Trưởng phòng, Phòng Tài chính và quản lý chất lượng trợ giúp pháp lý và Ông Võ Vũ Liêm - Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bến Tre đã sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy như kết hợp thuyết trình với thảo luận chung, thảo luận nhóm và các hoạt động khác để trang bị cho người được tập huấn là các trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý - những người sẽ làm giảng viên nguồn, tập huấn lại cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý ở địa phương các kiến thức và kỹ năng cơ bản trong việc thực hiện cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý thân thiện cho trẻ em.
Phần trình bày của các giảng viên đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các học viên tham dự lớp tập huấn. Các câu hỏi thảo luận, các vấn đề thắc mắc đã được nhiều học viên tích cực đặt ra và trao đổi với các giảng viên.
Những thông tin, kiến thức từ lớp tập huấn sẽ giúp cho các học viên có kiến thức sâu hơn về trẻ em, quyền và nghĩa vụ của trẻ; hiểu được các giai đoạn phát triển, các đặc điểm về tâm lý, hành vi, các nhu cầu đặc thù của trẻ em, đặc biệt là trẻ vi phạm pháp luật hoặc bị xâm hại; nắm được các chuẩn mực quốc tế và pháp luật Việt Nam về trợ giúp pháp lý thân thiện cho trẻ em; quy trình thực hiện trợ giúp pháp lý thân thiện và kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em. Các học viên sau khi tham dự lớp tập huấn sẽ trở thành đội ngũ giảng viên nguồn để có thể tập huấn lại cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý ở địa phương. Từ đó đi đến mục đích cuối cùng là góp phần nâng cao công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em ngày một hiệu quả hơn, có chất lượng hơn./.
Văn phòng Cục Trợ giúp pháp lý