1. Hội đồng TGPL
a. Vị trí pháp lý
Hội đồng Trợ giúp pháp lý là tổ chức độc lập, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp và bình đẳng Ailen thành lập năm 1979 trên cơ sở Mục 3 Luật TGPL.
b. Cơ cấu tổ chức
Hội đồng gồm có Ban Giám đốc. Ban Giám đốc có Chủ tịch (chairperson) và 12 thành viên khác (ordinary member) là những người có kiến thức, kinh nghiệm về luật, tài chính, y tế công cộng, bảo trợ xã hội do Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bình đẳng chỉ định với nhiệm kỳ 5 năm, bao gồm: đại diện Bộ Tư pháp và Bình đẳng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Bộ Y tế, một số giáo sư, luật sư. Trong số 12 thành viên này có 02 người là luật sư bào chữa, 02 người là luật sư tư vấn đã hành nghề ít nhất 7 năm tính đến thời điểm được bổ nhiệm Hội đồng họp định kỳ mỗi tháng/lần. Ban Giám đốc do Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bình đẳng Ailen bổ nhiệm và có những nhiệm vụ sau đây:
- Chỉ đạo chiến lược;
- Xây dựng và kiểm tra việc thực hiện chính sách;
- Giám sát việc quản lý phù hợp và hiệu quả của Hội đồng;
- Kiểm tra việc thực hiện thủ tục tài chính và trách nhiệm giải trình;
- Phê duyệt và giám sát việc sử dụng kinh phí;
- Quyết định các vấn đề cụ thể khác.
Cơ cấu hành chính của Hội đồng gồm Giám đốc điều hành và 6 Ban thực hiện những nhiệm vụ cụ thể được giao, bao gồm:
- Ban giải quyết kiến nghị;
- Ban tài chính;
- Ban quản lý rủi ro và kiểm toán;
- Ban Luật sư;
- Ban nhân sự;
- Văn phòng.
Giám đốc điều hành do Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bình đẳng Ailen bổ nhiệm và là công chức nhà nước, chịu trách nhiệm về hoạt động thường xuyên của Hội đồng và việc thực thi chính sách của Hội đồng. Giám đốc điều hành báo cáo trực tiếp với Ban Giám đốc. Giám đốc điều hành giao nhiệm vụ trực tiếp cho Giám đốc các Ban, giám đốc các Ban báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ được giao cho Giám đốc điều hành.
c. Chức năng của Hội đồng
- Cung cấp dịch vụ TGPL và tư vấn trong các vụ việc dân sự cho các đối tượng đáp ứng yêu cầu của Luật TGPL;
- Từ ngày 01/10/2011, Hội đồng còn có chức năng quản lý Chương trình Tư vấn pháp lý tại Nhà tạm giữ được chuyển giao từ Phòng Chính sách tòa án trực thuộc Sở Tư pháp.
- Theo Luật sửa đổi Bộ luật Dân sự ngày 01/11/2011 (Mục 54), Hội đồng còn có nhiệm vụ: “Cung cấp dịch vụ truyền thông về hôn nhân, gia đình”; quản lý Trung tâm truyền thông về hôn nhân, gia đình.
2. Việc quản lý của Hội đồng đối với các Trung tâm luật
Hội đồng có nhóm quản lý cao cấp, báo cáo cho Giám đốc điều hành, người chịu trách nhiệm quản lý tổ chức. Hội sở giải quyết các vấn đề về nhân sự và tài chính của các Trung tâm luật. Mỗi Trung tâm do luật sư quản lý điều hành.
Hội sở có các Phòng có chức năng như sau:
Phòng nhân sự chịu trách nhiệm về vấn đề nhân sự như sau:
- Tuyển dụng nhân viên cho tất cả các Trung tâm cũng như đề bạt và luân chuyển cán bộ;
- Hướng dẫn cho bộ phận thanh toán những vấn đề liên quan đến việc thay đổi nhân viên có trả lương;
- Tập huấn cho cán bộ;
- Giải quyết các mối quan hệ công nghệ phát sinh.
Phòng Tài chính
Phòng Tài chính chịu trách nhiệm đối với toàn bộ các vấn đề tài chính của Hội đồng như sau:
- Chuẩn bị và giám sát ngân sách;
- Trả lương nhân viên;
- Chi trả tiền đi lại và công tác phí cho cán bộ đi công tác;
- Chi trả các chi phí thực hiện vụ việc như thuê luật sư và các chi phí phát sinh trong khi giải quyết vụ việc như chi phí y tế và phiên dịch;
- Thanh toán tiền thuê và các chi phí liên quan đến tài sản của Hội đồng;
- Thanh toán tiền mua trang thiết bị trang bị cho các Trung tâm và văn phòng.
Phòng Dịch vụ pháp lý
Đơn đề nghị trợ giúp pháp lý được gửi đến Trung tâm luật và Trung tâm luật sẽ gửi về Phòng Dịch vụ pháp lý để xem xét có trợ giúp pháp lý hay không. Quyết định trợ giúp pháp lý sẽ được chuyển cho luật sư để luật sư thông báo cho đối tượng trợ giúp pháp lý về việc chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý. Bất kỳ ai bị từ chối trợ giúp pháp lý đều có quyền khiếu nại đến Ban giải quyết khiếu nại của Hội đồng.
Một số vụ việc trợ giúp pháp lý có thể được chuyển cho Trung tâm luật và trong những trường hợp này luật sư quản lý Trung tâm sẽ xét duyệt vụ việc, ví dụ vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện như ly hôn, cấp dưỡng, giám hộ.
Phòng Dịch vụ pháp lý cũng xem xét các yêu cầu chi phí bổ sung để thực hiện vụ việc, chẳng hạn như báo cáo về y tế được yêu cầu để chứng minh rằng khách hàng phải chịu đựng một điều kiện cụ thể nào đó hoặc chịu đựng một vết thương liên quan đến vụ việc.
Khi chi phí được Phòng dịch vụ pháp lý chấp thuận chi thì Phòng duyệt thanh toán sau đó mới chuyển đến Phòng Tài chính để thực hiện chức năng thanh toán.
Văn phòng
Văn phòng có trách nhiệm hỗ trợ các Trung tâm luật về tổ chức và hành chính trong những công việc sau:
- cung cấp điều kiện hoạt động cho các Trung tâm, thương lượng ký hợp đồng thuê hoặc mua tài sản, trang thiết bị và các thiết bị khác cho Trung tâm luật;
- Sắp xếp việc bảo dưỡng tài sản;
- Trả lời chất vấn của nghị viện.
Trung tâm nghiên cứu và thông tin
Trung tâm nghiên cứu và thông tin có chức năng cung cấp thông tin cho các Trung tâm luật cũng như nghiên cứu về những vấn đề cụ thể liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của nhân viên của Trung tâm và luật sư tư. Trung tâm nghiên cứu cũng xây dựng báo cáo hàng năm của Hội đồng và thực hiện kiểm toán đối với các Trung tâm luật.
3. Các Trung tâm pháp luật
Hội đồng thành lập 33 Trung tâm pháp luật làm việc toàn thời gian và 12 Trung tâm bán thời gian. Đứng đầu mỗi Trung tâm có luật sư chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của Trung tâm.
Các Trung tâm pháp luật được thành lập theo quận, hạt. Người được TGPL có thể yêu cầu TGPL ở bất kỳ Trung tâm nào mà không phân biệt theo địa bàn sinh sống, cư trú, vì vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho người được TGPL không phải đi lại xa.
Ailen có diện tích nhỏ hẹp (70,273 km²) nên người dân không phải đi lại xa, chỉ cách các Trung tâm TGPL dưới 100 km. Cũng có trường hợp luật sư về tận địa bàn nơi người được TGPL sinh sống để thụ lý vụ việc.
Các Trung tâm có quan hệ mật thiết, tạo thành mạng lưới, tổ chức họp hàng quý để gặp gỡ, trao đổi, đánh giá các hoạt động đã triển khai thực hiện. Việc chi trả chi phí các vụ việc trên hệ thống máy tính thông qua cơ sở dữ liệu. Gần đây, số lượng người được TGPL tăng 80%, vì vậy có trường hợp phải chờ 4 tháng mới được xem xét chấp nhận đơn đề nghị TGPL trừ trường hợp nạn nhân bị mua bán. Đối với trường hợp nạn nhân bị mua bán hoặc đăng ký tị nạn, nạn nhân không phải trả bất kỳ chi phí nào vì đây là đối tượng được ưu tiên. Cảnh sát sẽ gửi hồ sơ đến Trung tâm TGPL, luật sư sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến các quyền của họ. Đối với người tị nạn, họ sẽ đồng thời gửi hồ sơ đăng ký tị nạn đến cơ quan có thẩm quyền và hồ sơ xin TGPL đến Trung tâm TGPL.
Các Trung tâm pháp luật có trách nhiệm báo cáo kết quả TGPL cho Hội đồng. Bộ Tư pháp có trách nhiệm chi trả chi phí TGPL đối với các vụ việc TGPL, Hội đồng TGPL có trách nhiệm trả lương cho các luật sư tại các Trung tâm.
Giám sát hoạt động của Trung tâm
Hoạt động quản lý hàng ngày của Trung tâm, bao gồm cả việc giám sát hồ sơ vụ việc của Trung tâm thuộc trách nhiệm của Luật sư quản lý Trung tâm. Giám đốc sẽ báo cáo hoạt động cho Trưởng Phòng trợ giúp pháp lý dân sự người chịu trách nhiệm chung về hoạt động của các Trung tâm luật.
Hội đồng đã xây dựng Thông tư về dịch vụ pháp lý và sổ tay quản lý hành chính bao gồm những hướng dẫn cụ thể cho nhân viên về các bước và thủ tục cần thực hiện trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý, hòa giải có chuyên môn, hiệu quả cho khách hàng. Trưởng Phòng trợ giúp pháp lý dân sự cũng chịu trách nhiệm bảo đảm những hướng dẫn này được tuân theo trên thực tế. Những tài liệu này được cập nhật và sửa đổi trên cơ sở những thay đổi thực tế theo hướng dẫn của luật sư của Hội đồng và nhân viên hành chính. Hồ sơ vụ việc được theo dõi căn cứ vào các tài liệu hướng dẫn này.
Giám sát chất lượng của luật sư tư
Trưởng Phòng Luật sư tư và dịch vụ chuyên môn chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của luật sư tư. Hiện có 800 luật sư tư tham gia trợ giúp pháp lý.
Hội đồng chịu trách nhiệm theo dõi chất lượng trợ giúp pháp lý của các luật sư tư nhận vụ việc do ngân sách chi trả.
- Các biện pháp bảo đảm chất lượng trợ giúp pháp lý để kiểm tra luật sư tư nhận thù lao chủ yếu do Hội đồng thực hiện;
- Tư cách thành viên trong danh sách thành viên của Hội đồng cần gắn liền với chất lượng và nội dung dịch vụ trợ giúp pháp lý mà họ cung cấp
- Tư cách thành viên trong danh sách luật sư của Hội đồng yêu cầu luật sư phải được và/hoặc có chuyên môn trong lĩnh vực thực hiện trợ giúp pháp lý
- Trong lĩnh vực xin tị nạn Hội đồng tổ chức tập huấn bắt buộc đối với luật sư để luật sư tham dự trước khi nhận vụ việc;
- Tất cả các cuộc kiểm tra thực địa do cán bộ cao cấp của Hội đồng thực hiện (luật sư)
- Mỗi luật sư có thể mất 3 giờ để kiểm tra hồ sơ vụ việc. Hiện tại và gần đây các hồ sơ vụ việc hoàn thành đều được kiểm tra để bảo đảm phù hợp với các điều khoản và điều kiện trong hợp đồng
- Khi kết luận chuyến kiểm tra thực địa luật sư nhận được phản hồi từ bất kỳ vấn đề gì phát sinh từ kiểm tra hồ sơ
- Nếu khách hàng có khiếu nại về luật sư thì Hội đồng sẽ đánh giá hồ sơ vụ việc
- Nếu vụ việc có khiếu nại và Hội đồng áp dụng kỷ luật đối với luật sư tư thì có thể luật sư bị tước tư cách thành viên luật sư của hội đồng.
4. Thủ tục trợ giúp pháp lý
- Đối với vụ việc tư vấn: Người đề nghị trợ giúp pháp lý nộp đơn theo mẫu đến trung tâm luật kèm theo các thông tin cần thiết về vụ việc cũng như thu nhập của người nộp đơn (Phần 2 Quy chế TGPL dân sự).
- Vụ việc tham gia tố tụng: Người đề nghị trợ giúp pháp lý nộp đơn đề nghị trợ giúp pháp lý đến Hội đồng để được cấp giấy chứng nhận TGPL. Đơn đề nghị được làm theo mẫu của Hội đồng và do Hội đồng xem xét cấp. Giấy chứng nhận chứa đựng thông tin về điều kiện mà người đó được trợ giúp pháp lý và kinh phí đối tượng trợ giúp pháp lý phải đóng góp.
Hội đồng TGPL sẽ kiểm tra, nếu người yêu cầu đáp ứng điều kiện TGPL sẽ được duyệt TGPL. Các vụ việc được ưu tiên cung cấp dịch vụ TGPL, bao gồm: bạo lực gia đình, bắt cóc trẻ em, các vụ việc liên quan đến yêu cầu Nhà nước trong việc chăm sóc trẻ em và các vụ việc pháp luật có yêu cầu gấp về thời gian và sắp hết hạn.
5. Điều phối kinh phí
Hàng năm, thông qua nghị quyết của Ban Giám đốc, Hội đồng ban hành hướng dẫn và quy trình tài chính cụ thể, bao gồm kinh phí được giao, nhiệm vụ được giao cho các Trung tâm.
Hội đồng có hệ thống thông tin về tài chính trong đó có thông tin về ngân sách hàng năm do Ban Giám đốc thông qua và việc giám sát đối với báo cáo tài chính hàng tháng. Hệ thống thông tin cũng cho biết kinh phí được cấp là bao nhiêu, sử dụng như thế nào và những điều chỉnh cần thiết.
Ban Tài chính giúp Hội đồng xem xét các vấn đề chi tiết về tài chính và chính sách của hội đồng.
6. Thu phí
Trong lĩnh vực hình sự và dân sự, người có thu nhập trên 18.000 EUR/năm phải chi trả một phần phí tùy thuộc vào mức thu nhập bình quân hàng năm của họ sau khi trừ đi các chi phí thiết yếu (thu nhập trung bình ở Ailen là 38.000 EUR/người/năm). Ví dụ, một người có thu nhập 26.000 EUR/năm sẽ đóng góp khoảng 150 EUR cho một vụ tư vấn pháp luật, khoảng 560 EUR vụ việc tranh tụng. Ngoài chi phí trả cho việc thực hiện TGPL, người được TGPL phải trả một số chi phí khác như phí tuyên thệ trước Tòa, chi phí cho bồi thẩm đoàn. Ước tính hiện nay Ailen có khoảng 58% dân số có mức thu nhập thuộc diện được TGPL. Đối với nạn nhân bị mua bán, trẻ em bị bắt cóc được TGPL hoàn toàn miễn phí. Chi phí trả cho luật sư tư thực hiện TGPL tùy thuộc vào sự thỏa thuận của Hội đồng TGPL và Đoàn luật sư, ví dụ vụ ly hôn chi phí trả cho luật sư khoảng 395 EUR.
Trong một số trường hợp, người được TGPL phải đóng phí để được hưởng TGPL. Khoản phí tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng được xem xét dựa trên thu nhập sau khi khấu trừ thuế và phí của người nộp đơn, ví dụ, thu nhập sau khi trừ đi các khoản chi phí thiết yếu. Khoản phí thấp nhất là 10 EUR đối với tư vấn pháp luật và 50 EUR đối với tham gia tố tụng. Đối với các vụ việc khó, phức tạp, mức phí này có thể tăng lên. Trung tâm tư vấn pháp luật tư vấn cho người có đóng phí trong các vụ việc dân sự. Trong trường hợp người được TGPL thu hồi được tiền hoặc tài sản từ các vụ việc, Hội đồng TGPL có thể xem xét trích lại một phần để cung cấp dịch vụ TGPL cho khách hàng.
7. Thủ tục trả thù lao vụ việc trợ giúp pháp lý cho luật sư tư
Khi vụ việc kết thúc luật sư điền mẫu yêu cầu thanh toán và gửi đến Trung tâm luật hoặc văn phòng nơi đã giao vụ việc cho luật sư. Nhân viên hành chính ở văn phòng thực hiện một số việc sau:
- Kiểm tra để khẳng định có hồ sơ chuyển cho luật sư tư;
- Tính toán chi phí hợp lý sẽ trả cho luật sư;
- Hoàn thiện phiếu thanh toán với những thông tin chi tiết;
- Gửi phiếu thanh toán cùng với mẫu đề nghị thanh toán đến Phòng Tài chính của Hội đồng để thanh toán.
Khi nhận được những thông tin chi tiết này Phòng tài chính sẽ trả trực tiếp vào tài khoản của luật sư tư. Đối với những vụ việc kéo dài như những vụ khiếu nại về tị nạn thì luật sư có thể yêu cầu thanh toán theo từng giai đoạn của vụ việc.
8. Người thực hiện TGPL
Dịch vụ TGPL dân sự do các luật sư được nhà nước trả lương nằm trong hệ thống các Trung tâm TGPL (tổng số hiện có 110 luật sư, trung bình 4 luật sư/Trung tâm) và các luật sư huy động bên ngoài Trung tâm thực hiện. Phần lớn các vụ việc do luật sư của Trung tâm TGPL thực hiện (12.500 vụ việc, chiếm 71,4%), các luật sư ngoài Trung tâm chỉ thực hiện một số ít vụ việc (chiếm 28,6%). Tiêu chuẩn của luật sư được trả lương và luật sư ngoài Trung tâm là như nhau. Hiện nay ở Ailen có 17.000 luật sư (11.000 luật sư tư vấn và 6.000 luật sư tranh tụng)/4,5 triệu dân, trung bình 265 người dân/luật sư.
TGPL trong lĩnh vực hình sự do các luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng thực hiện.
9. Lĩnh vực trợ giúp pháp lý
10. Hình thức TGPL
TGPL dân sự được thực hiện trong phạm vi các vụ việc dân sự dưới hình thức tư vấn pháp luật và tham gia tranh tụng tại Tòa án. Tư vấn pháp luật có thể bằng miệng hoặc văn bản, bao gồm cả văn bản tư vấn và văn bản hòa giải. Tham gia tố tụng tại tòa là việc đại diện của luật sư tư vấn của Hội đồng, luật sư tư vấn hoặc luật sư tranh tụng do Hội đồng thuê trong các thủ tục tố tụng dân sự (Mục 25 và 27 Luật TGPL).
11. Về đánh giá chất lượng vụ việc TGPL: Hiện nay, chưa có cơ chế đánh giá chất lượng vụ việc TGPL mà chỉ đánh giá khi có khiếu nại và việc đánh giá và xử lý về chất lượng vụ việc do Hiệp hội luật sư thực hiện.
Phan Thị Thu Hà
Trưởng phòng Phòng Chính sách và quản lý nghiệp vụ TGPL