Hội thảo tham vấn “Dự thảo tài liệu tập huấn về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình và người khuyết tật”

Ngày 26/10/2020, trong khuôn khổ Chương trình Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ, Bộ Tư pháp phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo tham vấn “Dự thảo tài liệu tập huấn về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình và người khuyết tật”. Tài liệu được xây dựng nhằm mục tiêu tăng cường về năng lực, kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho đội ngũ những người thực hiện trợ giúp pháp lý, người làm công tác trợ giúp pháp lý và những người quan tâm tới lĩnh vực trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình.

Chủ trì Hội nghị có ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp. Đồng chủ trì là bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp và ông Nils Christensen, Quyền Trợ lý Trưởng Đại diện Thường trú, UNDP. Đến dự Hội thảo đại diện các cơ quan Trung ương có liên quan, một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp, Lãnh đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Đoàn luật sư, Hội phụ nữ, Hội người khuyết tật, Trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý một số tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Trung.


Ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc Hội nghị
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý đã khẳng định: Chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho người yếu thế trong xã hội, nhằm giúp họ bình đẳng trong tiếp cận công lý. Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định người khuyết tật và nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính thuộc đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng chia sẻ trách nhiệm thực hiện bào chữa theo án chỉ định cho người được trợ giúp pháp lý. Trong hai năm gần đây, đã có khoảng hơn 7.300 lượt người khuyết tật có khó khăn về tài chính và nạn nhân bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý. Công tác trợ giúp pháp lý đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các chính sách của nhà nước đối với người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình, kịp thời bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của họ, bảo đảm công bằng trong tiếp cận công lý. Mặc dù vậy, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình cần những kỹ năng đặc thù. Vì vậy, rất cần một cuốn tài liệu chuẩn để nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý và hỗ trợ nhóm yếu thế tiếp cận hệ thống tư pháp hiệu quả hơn. Ông Cù Thu Anh cũng đề nghị với UNDP sang năm 2021 sẽ tiếp tục hợp tác xây dựng các tài liệu tập huấn dành cho giảng viên và tài liệu online tạo điều kiện cho Bộ Tư pháp và các địa phương có thể chủ động tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu trong thời gian tới. Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia của Dự án chia sẻ về dự thảo Tài liệu. Tài liệu được các chuyên gia UNDP lựa chọn xây dựng trên cơ sở tham khảo các quy định trong và ngoài nước, các Điều ước quốc tế, các chính sách, các quy định về quyền và nghĩa vụ đối với người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình. Hội thảo đã nhận được hơn 20 lượt trao đổi, thảo luận, tham luận của các đại biểu về dự thảo Tài liệu và chia sẻ những vấn đề thực tiễn của các địa phương. Một số vấn đề được các đại biểu tại Hội nghị đặc biệt quan tâm như: kỹ năng tiếp xúc, trao đổi; kỹ năng tư vấn, tham gia tố tụng cho các đối tượng này; công tác phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Chị Phan Bích Diệp, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội và chị Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam bày tỏ sự xúc động khi nhận được sự quan tâm của Bộ Tư pháp và của các cơ quan, tổ chức trong công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Các chị cũng khẳng định các Hội sẵn sàng phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, nhất là việc hỗ trợ cung cấp người phiên dịch với người khiếm thính, khiếm thị.
 
 

Có thể đánh giá, Hội thảo đã thành công tốt đẹp. Trong thời gian tới, tài liệu được hoàn thiện sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác trợ giúp pháp lý nói chung và trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình nói riêng để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của họ, bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tiếp cận công lý, góp phần xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân./.
 



                                                                                                                                  Thanh Hà - Cục Trợ giúp pháp lý