Tư tưởng trọng nam khinh nữ ở nước ta được lý giải dựa trên ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo và nhận thức của người dân về thực tiễn cuộc sống: Người đàn ông có trách nhiệm nối dõng dòng họ, sẽ trông nom chăm sóc mồ mả tổ tiên; không có con trai là một điều bất kính với tổ tiên dòng họ. Nam giới là nguồn lao động chính, kế thừa tài sản của gia đình và có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ lúc về già. Khi hệ thống phúc lợi xã hội đối với người già còn chưa phát triển, nhất là tại các vùng nông thôn, nơi 74% dân số đang sinh sống, con cái chăm sóc cha mẹ già vẫn là hết sức quan trọng. Người già vẫn đa phần phải dựa vào sự hỗ trợ trong gia đình. Chính vì cái tư tưởng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã đẩy nhiều gia đình rơi vào bi kịch mà nguyên nhân chỉ vì người trong cuộc không sinh được con trai nối dõi tông đường.
Điển hình cho quan niệm trên là vụ việc của gia đình ông Nguyễn Quang T tại huyện Hương Hồ tỉnh Thừa Thiên Huế là một ví dụ. Ông Nguyễn Quang T lấy vợ nhưng lại sinh được ba người con gái, hai con gái lớn đã lấy chồng xa, hiện tại ông và vợ sống cùng cô con gái út, mặc dù không sinh được con trai nhưng các con của ông T rất ngoan ngoãn, hiếu lễ với cha mẹ. Tuy nhiên, ông T lại là con trưởng trong gia đình, với vị trí của người con trưởng ông T có “nghĩa vụ” là người nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Cũng vì những định kiến như vậy nên khi ông T không có con trai, người thân trong gia đình của ông T đã quay lưng, hắt hủi vợ chồng ông, họ buộc ông cùng vợ con phải chuyển khỏi ngôi nhà xây dựng trên mảnh đất tổ tiên để lại, không cho ông làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đẩy vợ chồng ông T rơi vào hoàn cảnh không có chỗ nương thân. Cũng từ đây, mâu thuẫn gia đình ông T ngày càng kéo dài, tình nghĩa anh em, chú cháu, họ hàng nội tộc bị sứt mẻ chỉ vì quan niệm xưa cũ “có một thằng con trai đã là có còn có mười đứa con gái cũng bằng không”.
Vậy vì sao tâm lý phải có con trai nặng nề, và tồn tại dai dẳng đến như vậy trong xã hội hiện nay?
Lý giải cho vấn nạn trên phải kể đến nhiều yếu tố trong đó nguyên nhân chính phải kể đến đó là yếu tố kinh tế và yếu tố xã hội.
Về mặt kinh tế, đặc trưng của nước ta là nền nông nghiệp lúa nước, kinh tế được tổ chức theo đơn vị gia đình, chủ yếu dựa trên lao động thủ công, dựa vào sức lực là chính. Công việc đồng áng nặng nhọc, tạo ra khát vọng có con trai, coi trọng con trai. Con trai là lao động chính, là chỗ dựa tinh thần của gia đình, vì thế, vai trò của người đàn ông được đề cao và xem trọng.
Về mặt xã hội, ba thiết chế truyền thống của cộng đồng làng xã là nhà (gia đình), họ (tông tộc) và giáp có ảnh hưởng sâu sắc đến bất bình đẳng giới.
Gia đình của người Việt nói chung theo chế độ phụ quyền, có tục lệ thờ cúng tổ tiên, duy trì nòi giống, nên rất coi trọng con trai và vì thế, đề cao vai trò của nam giới. Người đàn ông, người chồng được coi là trụ cột trong gia đình, phụ nữ được quan niệm là người trông coi việc bếp núc.
Mở rộng của gia đình là dòng họ – tập hợp những gia đình có chung một ông tổ. Trong đó, quan hệ của các dòng họ được dựa theo số đông nam giới với quan niệm là “họ đa đinh”, “họ ít đinh”. Điều này dẫn đến việc phải duy trì nòi giống, nâng cao sức mạnh và vị thế của dòng họ trong làng. Yếu tố này góp thêm một nhu cầu cần nam giới và trọng con trai.
Một đặc điểm khác nữa là coi trọng giáp – thiết chế của nam giới trong làng. Mỗi giáp bao gồm đinh nam của một hai dòng họ hoặc chi họ. Làng Việt cổ lấy giáp làm đơn vị tổ chức thực hiện các công việc của đời sống cộng đồng, nên phụ nữ không có quyền và nghĩa vụ với các việc chính trị – xã hội của làng. Nhiều tục lệ của làng xã được văn bản hoá thành hương ước, trở thành công cụ để quản lý làng xã. Trong nhiều hương ước đã sử dụng triệt để thiết chế dòng họ và giáp để gạt bỏ quyền dân sự, chính trị của người phụ nữ. Phụ nữ không được ghi tên trong sổ hàng xã, không được tham gia hội đồng kỳ mục - cơ quan có toàn quyền đối với công việc của làng xã.
Trong quan hệ gia đình, chỉ có người chồng mới là đại diện chính thức cho “quyền ngoại giao” đối với láng giềng, dòng họ, cộng đồng làng xã trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Mọi hành vi giao thiệp của người vợ với bên ngoài chịu sự kiểm soát, phán xét khắc nghiệt của chồng, gia đình nhà chồng cũng như cộng đồng. Sự bất bình đẳng của phụ nữ về mặt nhân thân trong tục lệ làng xã còn thể hiện rõ nét trong việc làm gia phả. Tuyệt đại đa số gia phả của các dòng họ được viết bằng chữ Hán trước đây đều thể hiện sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ với nguyên tắc “nữ nhi ngoại tộc” (con gái đi lấy chồng là thuộc về dòng họ khác), nên trong gia phả không ghi tên con gái, còn các con trai được ghi chép khá đầy đủ các thông số liên quan đến nhân thân
Hệ tư tưởng trọng nam khinh nữ hiện chỉ còn là tàn dư của xã hội cũ để lại, nó không còn nặng nề như trước nhưng vẫn phần nào đó ảnh hưởng đến sự phát triển của của mỗi gia đình người Việt, vì vậy, để xóa bỏ dần những quan điểm lạc hậu đó, Đảng, Nhà nước ta đang coi việc bình đẳng giới là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lước xây dựng và phát triển đất nước. Chúng ta đã ban hành những văn bản luật quan trọng để khẳng định sự bình đẳng giữa nam và nữ như Luật Hôn nhân và gia đình quy định tại Khoản 5 Điều 2 như sau: “Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú” hay Luật Bình đẳng giới cũng quy định “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự pháp triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”. Nhà nước ta đã ghi nhận sự bình quyền giữa nam và nữ và được ghi nhận bằng hình thức cao nhất là quy định trong các văn bản pháp luật, tuy nhiên để các chủ trương, chính sách và luật pháp đi vào cuộc sống và thực sự phát huy tác dụng cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất và thực chất trong cả hệ thống chính trị. Công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, điều chỉnh, bổ sung các vấn đề trong suốt quá trình thực hiện mục tiêu bình đẳng giới rất quan trọng và cần thiết. Thực tế cho thấy, vẫn còn có nơi, có lúc, bình đẳng giới vẫn còn thực hiện chưa triệt để hay còn qua loa, đại khái. Thậm chí, có nơi còn xem đây là việc của Hội phụ nữ hoặc bình đẳng giới chỉ nói về phụ nữ. Nếu như vậy, sẽ khó xóa bỏ được định kiến giới và con đường đi tới bình dẳng giới, theo đó sẽ còn muôn vàn thử thách, khó khăn.
Đây là một việc khó nhưng phải làm. Toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực hết sức nhằm xây dựng đất nước Việt Nam hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Xóa bỏ định kiến giới, thực hiện bình đẳng giới là một nhiệm vụ quan trọng, không thể thiếu trong tiến trình thực hiện mục tiêu nhân văn, cao cả đó - mục tiêu mà mỗi một người dân Việt Nam đều khát khao, mong đợi và đang hết mình cống hiến.
Phòng Quản lý chất lượng vụ việc