Và hành trình tìm lại công lý bắt đầu từ đây…
Ngày 23/01/2007, Tòa án nhân dân huyện M xét xử sơ thẩm lần thứ nhất, Hội đồng xét xử đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn H; buộc bị đơn Tr trả cho nguyên đơn H 544m2 đất và bị đơn phải trả cho nguyên đơn H giá trị bằng tiền 428m2 12.840.000 đồng, ổn định cho bị đơn sử dụng 522m2 đất liền kề; bác đơn yêu cầu phản tố của bị đơn Tr về việc yêu cầu nguyên đơn H phải di dời nhà và trả lại diện tích 45m2 đất.
Đến ngày 22/5/2007, Tòa án nhân dân tỉnh S đã xét xử phúc thẩm lần thứ nhất và hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm nêu trên với lý do: Cấp sơ thẩm xác định thiếu người tham gia tố tụng vì phía bị đơn cho rằng đất là của ông Châu Minh Đ và bà Trần Thị N nhưng ông Đ và bà N dã chết nhưng cấp sơ thẩm không đưa hết các con của bà N tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Ngày 24/10/2007, Tòa án nhân dân huyện M xét xử sơ thẩm lần 2, Hội đồng xét xử đã bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn H. Bà H kháng cáo.
Đến 14/3/2008, Tòa án nhân dân tỉnh S xét xử phúc thẩm lần 2 và hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm nêu trên với 04 lý do:
Thứ nhất, phần đất đang tranh chấp của các đương sự là đất thổ cư và lâu năm khác chứ không phải là đất trồng cây hàng năm (đất ruộng), do đó, không thuộc đối tượng để Nhà nước thực hiện chính sách cải tạo, trang trải theo chủ trương chung.
Thứ hai, bà H liên tục khiếu nại nhưng bà N lại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không đúng quy định
Thứ ba, đất đang tranh chấp tọa lạc tại ấp Ph, xã T, còn trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà N lại ghi tọa lạc tại ấp Q, xã T nhưng cấp sơ thẩm chưa làm rõ đất đang tranh chấp có phải là đát bà N đã được cấp giấy hay không và tại thửa nào.
Thứ tư, cấp sơ thẩm không định giá tài sản trên đất, chưa làm rõ vị trí các căn nhà trên đất…Vì vậy, không đủ cơ sở để giải quyết vụ án.
Phiên tòa cuối cùng…
Trước những phiên tòa kéo dài, mệt mỏi và căng thẳng, nhưng bà H không nản lòng, vì bà tin công lý không bỏ rơi bà. Vào một ngày đầu năm 2009, qua thông tin trên truyền hình, bà tìm đến Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh S. Ngay lập tức, Trung tâm cử người TGPL cho bà tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ ba. Tại phiên tòa, chưa bao giờ bà H thấy vững tin như ngày hôm đó, bởi lẽ bên cạnh bà là Luật sư, cộng tác viên TGPL, người mà hàng tháng trời nay, không quản ngại khó khăn, mang tâm huyết và kiến thức của mình sát cánh cùng bà trong hành trình gian nan này.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, điều tra, thu thập chứng cứ, Luật sư đã có những nhận định như sau:
Thứ nhất, việc UBND xã T tự ý lấy đất của bà H cấp cho ông Đ là không có căn cứ pháp luật.
Tại Biên bản lấy lời khai (ngày 08/10/2007) ông La Thành Nh khai “Vào năm 1987, được sự chỉ đạo của Đảng ủy và UBND xã T, đo cấp đất cho một số cán bộ xã và một số hộ dân. Trong đó có cấp cho ông Đ khoảng 3 công đất….” . Lời khai này của không có căn cứ hợp lý cho yêu
Tại các phiên tòa, bà H đều xuất trình được Tờ sang nhượng đất ngày 03/5/1984 được xác lập giữa bà H và bà K. Bị đơn và chính quyền địa phương cũng xác nhận rằng phần đất đang tranh chấp là đất mà bà H đã nhận chuyển nhượng lại của bà K. Phần đất này của bà H đang trực tiếp sử dụng. Do đó, khi chưa có Quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền thì không thể lấy cấp cho hộ khác được. Bị đơn mặc dù luôn khẳng định rằng bị đơn có Quyết định này, nhưng do để lâu quá nên thất lạc ở đâu không rõ. Tuy nhiên, lời khai này của bị đơn Tr không thuyết phục, vì mâu thuẫn với lời khai của ông La Thành Nh có đoạn như sau: “…Khi cấp cho ông Đ, không có giấy tờ, mà chỉ đo giao đất…”. Hơn nữa, chính quyền cấp xã không phải là cơ quan có thẩm quyền cấp đất hoặc thu hồi đất cho hộ cá nhân, gia đình. Cho nên không thể tự mình thực hiện việc giao cấp đất theo quy định của Luật Đất đai. Mặt khác, đất của bà H là loại đất thổ cư và lâu năm khác; không phải là đất trồng cây hàng năm (đất ruộng). Do đó, đất này không phải là đối tượng để Nhà nước thực hiện chính sách cải tạo, trang trại đất đai trước đây theo chủ trương chung của Nhà nước đối với loại đấy này; như nhận định tại bản án phúc thẩm (xét xử lần 2) của Tòa án nhân dân tỉnh S.
Bị đơn một mực cho rằng khi chính quyền xã giao đất cho Đ là đất thổ cư. Nhưng lời khai này không có căn cứ. Vì tại biên bản lấy lời khai (ngày 13/10/1987), chính quyền xã cũng xác định là đất thổ cư: “Hôm nay ngày 13/10/1987, UBND xã T tiến hành giải quyết vụ đất của bà H, ngụ tại ấp Q, xã T, về việc đất thổ cư…Sau khi trao đổi giữa UBND xã T và chủ hộ, đã thống nhất giao phần đất thổ cư cho ông Đ được quyền sử dụng…”. Bà H đã trực tiếp sử dụng phần đất nêu trên (trồng đậu xanh) từ lúc chuyển nhượng được, vào năm 1984 cho đến năm 1987 thì bị ông Đ tự nhiên bao chiếm đất của bà H. Chính vì vậy, mà sau khi bị chiếm đất, bà H thấy rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại, nên đã liên tục khiếu nại yêu cầu xem xét, giải quyết.
Như vậy, ngay từ đầu, đất của bà H là bị đã bị ông H bao chiếm. Việc UBND xã T giải quyết vụ việc là sự việc diễn ra sau khi ông vi có hành vi lấn chiếm đất của bà H, đồng thời cũng diễn ra sau khi bà H làm đơn khiếu nại. Lời hứa cấp trả cho bà H thửa đất khác của UBND xã T chỉ là sự thỏa thuận giữa UBND xã T và bà H mà không thể được xem như một quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Nói rõ hơn là UBND xã T chưa thực hiện xong việc cấp trả đất cho bà H, điều này không những chưa phù hợp với chủ trương của Nhà nước mà còn làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bà H.
Thứ hai, việc UBND huyện M chỉ được luật pháp bảo vệ khi mà việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Trần Thị N là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ được pháp luật bảo vệ pháp luật bảo vệ khi mà việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà N là không hợp lệ, bởi những lý do sau :
- Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà N không thực hiện thủ tục thông báo công khai nên bà H không hề hay biết. Điều này thể hiện qua lời khai của bà H và cũng thể hiện ở chỗ ghi không đúng vị trí tọa lạc của thửa đất.
- Sau khi không được UBND xã thực hiện thỏa thuận giao đổi đất, bà H đã có nhiều đơn khiếu nại liên tục đến nhiều cấp chính quyền xã, huyện, tỉnh. Đến năm 1998, khi ông Đ mất, thậm chí cho đến ngày mở phiên tòa, khiếu nại của bà H vẫn chưa được giải quyết. Như vậy, thửa đất được coi là đang có tranh chấp, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà N đối với phần đất còn đang tranh chấp là vi phạm Luật Đất đai.
- Bà N là vợ lẽ của ông Đ (không có đăng ký kết hôn), hai người không có con chung và cũng không có tài sản chung nào khác. Trong khi ông Đ và bà N đều có con riêng, đồng thời, không có chức cứ nào cho thấy ông Đ ủy quyền cho bà N thay mặt mình thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Với những lập luận chặt chẽ, có căn cứ pháp luật nêu trên, luật sư đã bảo vệ thành công quyền, lợi ích hợp pháp của bà H. Hội đồng xét xử quyết định chấp nhận yêu cẩu của bà H; buộc bị đơn Tr và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải giao trả cho bà H diện tích đất 427,5m2 tại thửa 990 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Trần Thị N; buộc bị đơn Tr phải trả giá trị bằng tiền đối với phần đất còn lại là 499,5m2 x 30.000đ/m2 = 14.985.000 đồng; trên phần đất bị đơn giao trả cho nguyên đơn H là các tài sản là các cây tạp, nhà bếp, chuồng heo là cây tre lá của bị đơn Tr thì bị đơn Tr tự di dời khi thi hành án.
Vụ án khép lại, hành trình gian nan đi tìm công lý của bà H đã được đền bù xứng đáng. Niềm vui của bà cũng là niềm vui của những người làm công tác trợ giúp pháp lý. Mỗi một vụ án phức tạp, đều mang trong nó những “số phận pháp lý” khác nhau, và rất nhiều vụ án đã thay đổi số phận vì có sự vào cuộc của trợ giúp pháp lý.
Phòng Quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý