Theo đó, trong 09 tháng qua, Trung tâm đã thực hiện 439 vụ việc trợ giúp pháp lý cho 442 đối tượng (trong đó, tư vấn: 397 vụ việc, tham gia tố tụng: 42 vụ việc); tổ chức thành công 64 đợt trợ giúp pháp lý lưu động về cơ sở (thu hút hơn 4.400 lượt người tham sự, trực tiếp tư vấn pháp luật cho hơn 350 đối tượng có vướng mắc pháp luật) và mở 06 lớp tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho đội ngũ Cộng tác viên trợ giúp pháp lý, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; hướng dẫn cho 64 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý sinh hoạt theo đúng quy định của pháp luật; biên soạn và cấp phát miễn 2.800 tờ gấp pháp luật các loại; đồng thời, qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động Trung tâm đã đặt 35 Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại UBND các xã, phường, thị trấn, nhà Văn hóa các khu dân cư, thôn, làng, bản, các cơ quan tiến hành tố tụng, qua đó góp phần giúp người dân tiếp cận dịch vụ pháp lý miễn phí của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chính sách trợ giúp pháp lý trên địa bàn 06 huyện miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn như:
Thứ nhất, hầu hết 06 huyện nghèo đều nằm ở vùng miền núi, địa hình chia cắt, đường sá đi lại khó khăn, nhiều nơi dân cư sống không tập trung, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; bên cạnh đó, đa số đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp, có nhiều người không biết chữ, không biết tiếng phổ thông, chủ yếu sử dụng tiếng nói của dân tộc mình nên việc tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động đến tận cơ sở thuộc các huyện này còn gặp nhiều khó khăn;
Thứ hai, hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chưa thật sự thu hút được các nguồn lực xã hội tham gia; mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức liên quan với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý chưa thật sự phát huy hết trách nhiệm của mình;
Thứ ba, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý còn quá ít (06 người) nên quá trình triển khai các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ còn gặp không ít khó khăn, nhất là việc phân công phụ trách chuyên sâu theo từng lĩnh vực pháp luật;
Thứ tư, thành viên của Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và Tổ hòa giải đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên có phần ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ và Tổ hòa giải;
Thứ năm, nguồn kinh phí để triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý tại 06 huyện miền núi hiện chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ từ Trung ương thông qua Quỹ Trợ giúp pháp lý. Song, nguồn kinh phí này còn nhiều hạn chế và đang bị cắt giảm dần.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chính sách trợ giúp pháp lý trên địa bàn 06 huyện miền núi của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP trong thời gian đến, kịp thời giúp cho các đối tượng tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí của Đảng và Nhà nước, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau: Tiếp tục triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý (tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý,… ) theo tinh thần Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn các xã thuộc 6 huyện nghèo; tổ chức việc kiện toàn và phát triển đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý ở cơ sở (chú trọng phát triển đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý là người đồng bào dân tộc thiểu số, người biết tiếng dân tộc thiểu số); đẩy mạnh công tác lồng ghép trợ giúp pháp lý lưu động với tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật./.
PTQ